Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
1. Thiết kế Xiaomi Redmi Pad
Redmi Pad có thiết kế đơn giản nhưng vẫn mang đến vẻ hiện đại và sang trọng. Vỏ máy được làm bằng kim loại, tạo nên sự chắc chắn cho toàn bộ thiết bị nhưng tuy được gia công tốt thì mặt lưng của máy vẫn rất dễ in dấu vân tay và bám bẩn. Do đó trong quá trình sử dụng chúng ta nên kết hợp thêm bao da, vừa để bảo vệ mặt lưng khỏi bị trầy xước mất thẩm mỹ vừa sẽ hạn chế bám bẩn.
Kích thước của máy là 250.5 x 158.1 x 7.1 mm và trọng lượng 465 gram, rất mỏng và gọn nhẹ nên dù có cầm bằng một tay trong thời gian dài cũng không quá mỏi. Tổng thể máy vuông vức nhưng các góc được bo tròn đều đặn cho cảm giác cầm rất thoải mái.
Phía sau máy ta có camera chính 8MP với khung viền đen dọc theo mặt lưng, phần camera này sẽ hơi nhô ra một chút nên khi đặt trên mặt bàn sẽ bị kênh, nếu kết hợp với bao da thì ta sẽ khắc phục được điểm này.
Còn mặt trước của máy là màn hình kích thước 10.61 inch, các viền xung quanh đủ mỏng để tạo cảm giác cân đôi để không chiếm quá nhiều không gian hiển thị và đủ dày để ta cầm nắm thoải mái hơn, phần lòng bàn tay không bị chạm vào màn hình.
Ở cạnh phải của máy ta có khe cắm thẻ nhớ để mở rộng dung lượng lưu trữ và nút điều chỉnh âm lượng to nhỏ. Nhưng trên chiếc tablet này ta sẽ không tìm thấy jack 3.5mm quen thuộc.
2. Chất lượng hiển thị của Xiaomi Redmi Pad
Redmi Pad sử dụng tấm nền IPS LCD có độ phân giải 2K (1200 x 2000 pixel) với tỷ lệ khung hình độc đáo 5:3, nó cho mật độ điểm ảnh khá cao khoảng 220 ppi, hiển thị rất sắc nét. Kết hợp với 1 tỷ màu sắc được hỗ trợ, máy sẽ mang mang đến trải nghiệm hình ảnh tinh tế và sống động, dùng để giải trí hay chơi game đều hết sức thỏa mãn.
Tuy nhiên thì độ sáng màn hình lại không quá lý tưởng ở mức 400 nits, nó rõ ràng và màu sắc trông cũng tươi tắn khi sử dụng trong phòng nhưng khi ra ngoài trời hoặc dưới ánh đèn có cường độ sáng cao lại không quá tốt, màu sắc biến dạng khá nhiều. Dù vậy nó cũng có điểm cộng là độ tương phản và góc nhìn rộng để ta có thể giải trí ở nhiều góc độ, nhiều tư thế khác nhau.
Cuối cùng, màn hình này có tần số quét 90Hz nên sẽ có cảm giác mượt mà hơn nhiều so với màn hình 60Hz ở mọi khía cạnh.
3. Cấu hình mạnh trong phân khúc với chipset MediaTek Helio G99
Xiaomi Redmi Pad được trang bị chipset Helio G99 của MediaTek được sản xuất trên tiến trình 6nm với xung nhịp cao nhất có thể đạt 2.20GHz. Con chip này giúp máy có thể chạy mượt được hầu hết các tác vụ cơ bản hàng ngày như check mail, mạng xã hội, đa nhiệm nhiều tác vụ và chơi game online. Tuy nhiên thì khả năng của nó cũng chỉ mở rộng khi chúng ta lựa chọn cấu hình phù hợp thôi nhé.
Máy có 3 phiên bản RAM 3GB/4GB/6GB. Phiên bản 3GB phù hợp nhu cầu sử dụng cơ bản, lướt mạng là chính và chơi game nhẹ. Bản 4GB đã có thể chiến một số tựa game online nhưng vẫn tương đối giật lag, trong khi đó bản 6GB cao nhất mang đến trải nghiệm tốt nhất, không những chơi game mượt mà còn cho máy thêm khả năng làm việc văn phòng cơ bản.
Bộ nhớ trong của máy cũng tương đối cơ bản, có hai tùy chọn là 64GB hoặc 128GB. Thực tế hiện nay thì cả hai mức dung lượng này đều là rất ít, bởi các phần mềm đều đã có dung lượng khá cao, thậm chí một số trò chơi có thể lên tới hàng chục GB nên bộ nhớ lưu trữ của Redmi Pad là hơi ít. Cũng may là máy có thể mở rộng thêm bằng thẻ nhớ.
4. Camera
Camera sau của Redmi Pad được trang bị cảm biến GalaxyCore GC08A3 kết hợp với ống kính 26mm và khẩu độ f / 2.0, hứa hẹn mang lại những bức ảnh chất lượng trong điều kiện đủ ánh sáng. Bạn sẽ có được những hình ảnh rõ nét với độ chi tiết cao. Độ tương phản và màu sắc cũng được đánh giá khá tốt.
Camera trước cho góc nhìn rộng hơn nhiều so với các máy tính bảng khác. Tuy nhiên, ảnh chụp từ camera selfie có độ sắc nét không cao, chủ yếu dùng để video call.
Về khả năng quay video, cả hai camera của Xiami Redmi Pad đều hỗ trợ quay video 1080p với tốc độ 30 FPS. Chất lượng video được đánh giá rất cao với màu sắc trung thực, độ tương phản tốt và dải động rộng.
5. Thời lượng pin
Xiaomi Redmi Pad được trang bị viên pin dung lượng lớn 8.000mAh cho thời gian sử dụng cực kỳ ấn tượng. Nếu sử dụng máy với các tác vụ cơ bản, ta hoàn toàn có thể sử dụng máy cả ngày mà không cần phải sạc lại, thậm chí nếu dùng ít thì cũng phải 2 – 3 ngày mới cần sạc máy một lần.
Thế nhưng trái ngược với thời lượng pin thì tốc độ sạc của máy lại khá gây thất vọng. Nó chỉ hỗ trợ sạc nhanh 18W, rõ ràng là quá thiếu đối với viên pin 8.000mAh như thế này.
6. Tạm kết
Ở phân khúc giá khoảng 5 triệu đồng, Xiaomi Redmi Pad nhìn chung sẽ là một chiếc máy tính bảng tốt. Dù rằng mọi thứ mà nó được trang bị đều không hẳn là tốt nhất, trải nghiệm đa nhiệm còn hạn chế nhưng tổng thể vẫn có thể cung cấp cho người dùng một thiết bị giải trí đa năng hoàn hảo.
Hiện tại, giá bán của Xiaomi Redmi Pad khoảng 4,6 triệu đồng cho phiên bản 4GB/64GB.