Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Microsoft Surface Pro 7 là máy tính bảng Windows tốt nhất bạn có thể mua ngay bây giờ. Nó có nhiều điểm sáng như chạy bộ xử lý Intel thế hệ thứ 10, thiết kế chân đế tích hợp, màn hình 12,3 inch, bàn phím và Surface Pen quen thuộc. Điểm trừ duy nhất là giá bán. Surface Pro 7 có mặt trên thị trường với mức giá 20 triệu đồng cho cấu hình thấp nhất và phiên bản mạnh nhất lên đến 62 triệu đồng chưa tính đến bút và bàn phím.
Phần cứng và hiệu suất của Microsoft Surface Pro 7
Hãy bắt đầu đánh giá này với phần cứng và hiệu năng vì đó là thay đổi lớn duy nhất so với Surface Pro 6. Microsoft hiện đang sử dụng bộ xử lý thế hệ thứ 10 của Intel. Bạn có thể chọn giữa CPU Intel Core i3, Core i5 và Core i7. Trong khi Core i3 là chip lõi kép, hai loại còn lại có bốn lõi. Tùy chọn RAM của máy gồm 4GB, 8GB và 16GB và SSD là 128GB, 256GB, 512GB và 1TB.
Phiên bản mình sử dụng đánh giá trong bài viết là Core i5, RAM 8GB. Dưới đây là điểm số mà mình chấm được:
Theo kết quả cho thấy thì về mặt tốc độ xử lý lẫn khả năng đồ họa của Surface Pro 7 đều trội hơn so với Surface Pro 6. Tuy nhiên ở khía cạnh đồ họa, cần lưu ý là chip Intel Irus Plus chỉ có trên phiên bản Core i5 và Core i7, Core i3 sử dụng GPU Intel UHD.
Ở điều kiện sử dụng thực tế, Surface Pro 7 không khiến mình thất vọng. Đặc biệt là công việc văn phòng với Word, Excel và rất nhiều hoạt động đa nhiệm chạy siêu mượt. Đối với Google Chrome, mình thường sử dụng nhiều tab bao gồm ít nhất một tab với YouTube và hiệu suất vẫn rất tốt. Với phần mềm đồ họa như Adobe Photoshop CC, mình thử xử lý các tệp RAW 24MP và không gặp bất kỳ khó khăn gì trừ khi mở quá nhiều layer. Ngoài ra mình khuyên các bạn nên chọn cấu hình RAM ít nhất là 8GB thì mới chạy Photoshop mượt được.
Chỉnh sửa video và chơi game trên Microsoft Surface Pro 7
Các ứng dụng chỉnh sửa video như Adobe Premiere Pro và Premiere Rush chạy tốt. Chỉnh sửa video full HD hoạt động tuyệt vời, thậm chí có lẽ xử lý video 4K cũng được nhưng cấu hình ở đây nên là Core i7 với 16GB RAM. Nhưng dù cho thế nào đi chăng nữa thì mình thấy nó vẫn còn cách biệt khá nhiều so với các mẫu laptop hay PC chuyên dụng, vì card đồ họa rời sẽ cho hiệu quả xử lý tốt hơn.
Cũng chính vì thế mà khả năng chơi game của nó gặp nhiều hạn chế. Mình đã thử qua tựa game Fornite và với cài đặt thấp nhất máy chạy tốt, fps dao động từ 35 – 60 tùy thuộc hoàn cảnh. Chuyển sang cấu hình trung bình đôi lúc sẽ có hiện tượng giật và fps giảm xuống còn 30 và sau khi chơi một lúc giảm xuống còn 20. Tóm lại việc xử lý các tựa game đồ họa nặng với Surface Pro 7 là tương đối khó khăn, nhưng các trò chơi online và game cũ hơn thì không làm khó được nó.
Nhân tiện, phiên bản Core i7 là phiên bản duy nhất được trang bị quạt làm mát. Hai phiên bản Core i3 và Core i5 chỉ có hệ thống làm mát thụ động do đó nó không gây ồn nhưng máy sẽ ấm nhẹ nếu chạy các tác vụ nặng.
Thiết kế và độ hoàn thiện của Microsoft Surface Pro 7
Surface Pro 7 có ngoại hình tương tự người tiền nhiệm Surface Pro 6 – về cơ bản thì chúng cùng một khuôn mẫu của Surface Pro 3 – nhưng có viền màn hình mỏng hơn trông rất thời thượng. Khung máy được làm từ magie toát lên vẻ cao cấp, sang trọng. Độ dày của máy là 8,5mm và nặng 775g. Mặt lưng của máy có một chân đế tích hợp cũng được làm từ magie. Bản lề của máy chắc chắn và có thể mở rộng ở mọi góc gộ.
Bây giờ, hãy đến một tính năng mới mà không có Surface Pro nào có được cho đến bây giờ. Thay vì Mini-DisplayPort, Pro 7 có cổng USB-C. Thunderbolt 3 không được hỗ trợ nhưng bạn vẫn có thể kết nối với màn hình ngoài thông qua cổng này. Nó cũng có cổng USB 3.0 loại A tiêu chuẩn bên dưới cổng C.
Lề trái của máy có cổng 3.5 mm để cắm tai nghe, nút nguốn và nút chỉnh âm lượng được đặt ở phía trên. Như thường lệ, có một khe cắm thẻ nhớ bên dưới chân đế.
Camera và âm thanh
Camera chính của máy có độ phân giải 8MP, hình ảnh và video ghi được trông khá ổn. Camera trước 5MP video call tốt và cũng có thể quay video chất lượng full HD. Nhìn chung camera của máy là khá ổn cho một chiếc máy tính bảng chạy Windows, tốt hơn so với webcam trên laptop.
Bên cạnh camera trước có một camera hồng ngoại để mở khóa máy bằng khuôn mặt, hệ thống này hoạt động rất tốt, không có gì để phàn nàn.
Âm thanh của máy cũng tốt hơn so với mặt bằng chung. Mình đã test với nhiều video Youtube và thấy âm thanh rất dễ nghe, không quá to nhưng đủ chi tiết và sống động. Dù vậy so với các model laptop cao cấp thì nó vẫn còn một chút cách biệt.
Màn hình hiển thị
Màn hình của Surface Pro 7 tiếp tục giống với Pro 6, vẫn là màn PixelSense 12,3 inch độ phân giải 2736 x 1824 pixels. Màn hình này cho phép hiển thị văn bản và hình ảnh với độ sắc nét cao, góc nhìn rộng, khả năng tái tạo màu tốt và độ sáng cao. Tỷ lệ khung hình của máy là 3:2 để bạn có nhiều diện tích hơn khi sử dụng ở chế độ dọc và không phải cuộn nhiều khi sử dụng trình duyệt hoặc làm việc với Word.
Surface Pen
Cây bút này không có nhiều điều để nói vì nó giống hệt chiếc bút của các thế hệ trước, nếu đã có một chiếc rồi thì bạn cũng không cần mua mới làm gì. Surface Pen được làm bằng kim loại, tạo cảm giác cao cấp và thoải mái khi cầm như một cây bút thường. Ở mặt sau bạn có thể mở nó ra và lắp hoặc thay pin, đây cũng là điểm dở của cây bút này – không thể sạc lại được. Khi không sử dụng đến bút bạn có thể gắn nó vào mặt bên của Pro 7 nhờ lực hút nam châm.
Type Cover
Bàn phím đi kèm với Surface Pro 7 vẫn là Type Cover như hai phiên bản Pro 5 và Pro 6, do đó nếu bạn đã có một chiếc từ trước thì không cần phải mua mới. Và nếu đã từng trải nghiệm với chiếc bàn phím này thì hẳn bạn sẽ đồng ý với mình về mức độ khả dụng của nó, gõ rất sướng tay. Mình cho rằng đây là chiếc bàn phím tốt nhất dành cho máy tính bảng, vượt mặt cả Apple lẫn Samsung ở khoản này. Nếu chưa có chiếc bàn phím này thì bạn có thể mua ngoài với giá khoảng 3 triệu đồng, bản cao cấp nhất có thêm máy quét vân tay giá khoảng 4 triệu đồng.
Pin
Mình đã test chiếc máy tính bảng này và nhận được thời gian sử dụng là 11 giờ. Điều kiện sử dụng bao gồm chạy đi chạy lại một video HD ở độ sáng trung bình và Wi-Fi luôn bật. Đối với một chiếc máy tính bảng chạy Windows thì kết quả như vậy là rất tốt. Tuy nhiên nếu so với iPad Pro và nhều máy tính bảng Android khác thì chưa thấm vào đâu.
Chốt: Có nên mua Microsoft Surface Pro 7 không?
Trên đây là bài đánh giá Microsoft Surface Pro 7 của mình. Như đã nói thì đây là chiếc máy tính bảng Windows tốt nhất mà bạn có thể mua ngay bây giờ. Mặc dù thiết kế không có gì đổi mới nhưng nó vẫn giữ được phong độ tuyệt vời, cấu hình tốt và chân đế siêu hữu ích. Hơi tiếc một chút bezel màn hình có thể mỏng hơn, nhưng đó không phải vấn đề to tát lắm.
Màn hình, Surface Pen và Type Cover vẫn tốt như năm ngoái cộng thêm hiệu năng tốt hơn của bộ xử lý Intel thế hệ 10. Nếu so sánh với Pro 6 có thể bạn sẽ không thấy sự khác biệt rõ rệt nhưng nếu so với Pro 5 thì cách biệt giống như ngày và đêm vậy.
Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc máy tính bảng Windows và không quan tâm nhiều về giá thì Microsoft Surface Pro 7 là lựa chọn tuyệt vời, với cấu hình Core i5 (chưa cần đến i7) nó đã có thể thay thế một chiếc laptop để làm việc văn phòng rồi. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ đơn thuần muốn một chiếc máy tính bảng để giải trí nhẹ nhàng thì mình nghĩ máy tính bảng Android sẽ hợp để mua hơn.