Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Ý nghĩa khác nhau của hai đại lễ cùng trong ngày Rằm tháng 7
Lễ Vu Lan và ngày Xá tội vong nhân đều có ngày lễ chính vào Rằm tháng 7 nhưng ý nghĩa của hai lễ này lại hoàn toàn khác biệt. Sự khác biệt bắt nguồn từ hai sự tích khác nhau.
Sự tích về ngày xá tội vong nhân ở miền Bắc
Ngày xưa có một người đàn ông tên là A Nan Đà, thường gọi là A Nan. Có một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói : ” Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên “. A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật.
Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái.
Ngoài ra, cũng có truyền thuyết như sau: Từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến rằm tháng 7 thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra tứ phương, đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục. Bởi vậy, vào đêm 14/7, người ta thường đốt nến, hóa vàng bạc hoặc giết gà vịt cúng quỷ đói để cầu được bình an và những điều tốt đẹp, không bị ma quỷ hại phá, đó chính là nguồn gốc của tên gọi Tết Quỷ.
Sự tích về ngày lễ Vu Lan ở miền Nam
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của Ðại Mục Kiền Liên, gọi tắt là Mục Liên. Vốn là một tu sĩ khác đạo, về sau Mục Liên đã quy y và trở thành một đệ tử lớn của Phật, đạt được sáu phép thần thông rồi được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật. Tuy nhiên, mẹ của Mục Liên lại vì các nghiệp chướng từ các kiếp trước mà phải sinh vào nơi các đạo làm loại ngạ quỷ, thân hình tiều tụy, da bọc xương, bụng ỏng đầu to, cổ như cọng cỏ. Mẹ Mục Liên đói không được ăn, khát không được uống.
Mục Liên đã tìm đến Phật và xin Phật dạy bảo cho cách cứu mẹ. Phật nói rằng một mình Mục Liên thì vô phương cứu được mẹ dù ông có thần thông đến đâu và dù lòng hiếu thảo của ông có thấu đến đất trời, động đến thần thánh. Phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp các nẻo đồng tâm hiệp ý cầu xin cứu rỗi cho mới được. Bởi vậy, Phật dạy Mục Liên phải thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về, đặc biệt là các vị đã chứng được bốn quả thánh hoặc đã đạt được sáu phép thần thông. Ðúng vào ngày rằm tháng 7 thì lập trai đàn để cầu nguyện, thiết trai diên để mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ tuân theo lời dạy của Ðức Phật mà chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát.
Cách thức cúng dường để cầu siêu đó gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng đó gọi là Vu Lan bồn hội, còn bộ kinh ghi chép sự tích trên đây thì gọi là Vu Lan bồn kinh. Ngày lễ Vu Lan cũng bắt đầu từ đây là hình thành.
Tập tục cúng bái khác biệt giữa hai miền
Người miền Bắc thường cúng “cô hồn” vào bất kỳ ngày nào trong tháng 7, tùy theo từng địa phương, nhưng ngày chính vẫn là ngày Rằm tháng 7. Mâm cúng “cô hồn” gồm:
– Tiền vàng từ 15 lễ trở lên, quần áo chúng sinh từ 20 đến 50 bộ.
– Tiền chúng sinh (tiền trinh), hoa, quả 5 loại 5 mầu (ngũ sắc).
– Bỏng ngô, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc.
– Kẹo bánh. Tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá).
– Nếu cúng thêm cháo thì thêm mâm gạo muối (5 bát, 5 đôi đũa hoặc thìa)
Không cúng xôi, gà. Khi rải tiền vàng ra mâm, để 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi hướng từ 3-5-7 cây hương. Bày lễ và cúng ngoài trời. Sau đó khấn theo bài, vừa là để “xá tội vong ân”, vừa là để “trừ ma quỷ”, cũng là “hỗ trợ” nhưng con ma không nơi nương tựa, sống vật vờ.
Trong khi đó, Lễ Vu Lan lại thường được tổ chức ở các chùa hoặc ở nhà. Nếu ở nhà, bạn hãy sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà. Khi cúng, tốt nhất là đọc một khoá kinh – Kinh Vu Lan – để hiểu rõ về ngày này, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh.
Trong ngày này, bạn cũng có thể đi chùa để thắp hương và cầu xin cho cha mẹ của mình. Nếu như với những ai không may mắn khi cha mẹ đã qua đời thì hãy cầu xin đức phật giúp tìm đường chỉ lối cho cha mẹ được an nghỉ nơi suối vàng.
Theo tản văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì những ngày này lên chùa, nếu bạn còn mẹ, bàn sẽ được cài một bông hồng đỏ trên áo với niềm hạnh phúc được còn mẹ. Nếu bạn đã mất mẹ, bạn cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng xót xa nhớ thương, không quên ơn mẹ dù người đã khuất. Người được hoa hồng nhắc nhở rằng mình hạnh phúc vì còn mẹ và phải cố gắng để làm vui lòng mẹ kẻo một mai mẹ khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa…
Nhiều người nghĩ rằng lễ cúng Vu Lan cũng là ngày xá tội vong nhân. tuy nhiên, hai ngày này là hoàn toàn khác biệt.
G.H
Tổng hợp
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam