Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Các món đồ đồ điện tử dùng trong gia đình như tivi, đầu CD, điện thoại, máy ảnh, loa, amply, tủ lạnh, máy tính… là tài sản vô cùng có giá trị của người dân mà phải tốn biết bao mồ hôi, nước mắt mới đánh đổi được. Trong những ngày mưa to gió lớn, nước ngập tràn cả vào trong nhà thế này thì đồ điện tử rất dễ bị hỏng hóc, nặng hơn thì không sửa được và phải sắm mới. Để tránh tốn kém chi phí mua mới, bạn hãy trang bị ngay kiến thức ‘sơ cứu’ đồ điện tử sau khi ngập nước nhé, như thế sẽ cứu vãn được phần nào tài sản của mình đấy.
Hướng dẫn cấp cứu đồ điện tử sau khi bị ngập nước
Khi thấy đồ điện tử bị ngập nước, trước tiên bạn hãy giữ bình tĩnh, đừng hoảng hốt và hãy thực hiện việc đầu tiên là rửa sạch thiết bị đó. Bởi sau khi ngập trong nước, đồ điện có thể sẽ tích một chút bùn đất, cặn bẩn bám linh kiện bên trong thiết bị. Bạn hãy mở vỏ thiết bị ra, sử dụng nước sạch dội nhẹ hoặc cần thiết thì dùng khăn mềm để lau sạch bùn đất bám vào linh kiện.
Sau đó để thiết bị thoát hết nước bằng cách cho nước chảy tự nhiên hoặc bật quạt để thổi bay hơi nước. Tuyệt đối không sử dụng các thiết bị sấy có nhiệt độ cao để làm khô như máy sấy tóc, máy sưởi bởi thiết bị điện tử không chịu được nhiệt độ cao nên khi sấy sẽ tạo ra nhiệt độ dao động từ 70 – 80 độ C khiến linh kiện bị hư hỏng.
Sau khi đã thoát hết nước bên ngoài, tiếp theo chúng ta sẽ làm khô bên trong linh kiện. Như đã nói ở trên, bạn không nên dùng máy sấy mà hãy sử dụng cách làm an toàn hơn: đóng hộp gỗ hoặc bìa cứng, cho thiết bị điện, điện tử vào trong, bật sáng khoảng 2 – 3 bóng đèn sợi đốt vào hộp và để khoảng 8 giờ. Lúc này nhiệt độ từ bóng đèn sẽ làm khô thiết bị thật sâu từ bên trong.
Trước khi sử dụng lại phải đảm bảo điện trở cách điện an toàn
Theo các chuyên gia về điện thì sau khi đã sấy khô thiết bị bạn chưa nên cắm điện sử dụng vội vì có thể sẽ gây cháy. Thay vào đó bạn nên đo điện trở của thiết bị để bảo đảm chúng cách điện tốt. Điện trở cách điện là điện trở đo giữa một cực của nguồn và vỏ máy, đo bằng đồng hồ Megomet. Nếu không có dụng cụ đo thì bạn nên mang đến các cửa hàng sửa chữa điện tử gần nhất để đo. Sau khi đo nếu thấy cách điện đảm bảo khoảng 0,5M thì mới tiếp tục sử dụng.
Đây là cách cấp cứu đồ điện tử bị ngập nước áp dụng cho hầu hết các loại thiết bị. Tuy nhiên một số thiết bị đặc biệt như tủ lạnh, lò nướng, lò vi sóng… ngoài sấy khô hoàn toàn, đo lại cách điện thì bạn cần kiểm tra thêm bộ phận cách nhiệt nữa. Nếu thấy bộ phận này bị ẩm thì bạn cũng cần sấy khô chúng trước khi sử dụng nhé.
Trên đây là hướng dẫn cấp cứu đồ điện tử bị ngập nước, bạn nên tham khảo và làm theo nếu khu vực của mình thường xuyên có tình trạng ngập lụt nhé. Trong trường hợp không thể thực hiện được theo hướng dẫn này thì bạn nên đưa các thiết bị đến cửa hàng sửa chữa đồ điện tử hoặc nếu còn bảo hành thì đưa đến hãng để được tư vấn, sửa chữa cụ thể hơn.