Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Chỉ trong 2 tháng gần đây, nhiều bệnh viện nhi đã ghi nhận thêm hàng trăm ca mắc bệnh sởi song song với bệnh tay chân miệng trong đó có trẻ dưới 9 tuổi
Trước đây, bệnh tay chân miệng được cho là căn bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và thời gian điều trị khoảng 4 ngày – 1 tuần điều trị theo phác đồ là sẽ có biến chuyển. Tuy nhiên chỉ trong 2 tháng gần đây, nhiều bệnh viện nhi tại các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng… đều đã và đang tiếp nhận thêm hàng trăm ca mắc song song dịch bệnh tay chân miệng và sởi cùng một lúc, trong đó có nhiều trẻ dưới 9 tuổi cho thấy diễn biến dịch bệnh ngày càng bùng phát mạnh và có nhiều diễn biến phức tạp.
Diễn biến phức tạp của việc song song bùng phát cùng lúc 2 dịch bệnh tay chân miệng và sởi
Theo báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, Cục y tế Dự phòng – Bộ Y tế, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 53.529 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trên cả nước. Trong đó, 25.845 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong ở khu vực phía Nam. Và nay đang bùng phát mạnh trên khắp cả nước khiến nhiều bệnh viện nhi bị quá tải.
Cuối tháng 9 Sở y tế tỉnh các nơi đã gửi văn bản xuống các phòng y tế trực thuộc huyện, xã và các đơn vị trực thuộc để tăng cường phòng chống dịch bệnh. Dịch bệnh có xu hướng tăng nhanh và số lượng nhập viện nhiều vào đầu và cuối tuần trong đó có nhiều ca bệnh nhi trở bệnh nặng và nguy hiểm.
Trẻ có thể điều trị bệnh sởi và tay chân miệng tại nhà
Do có cùng biểu hiện là nổi ban ngoài da để phân biệt 2 dịch bệnh tay chân miệng và sởi các bố mẹ dựa vào biểu hiện sau:
- Nếu trẻ bị sởi thì sẽ có những biểu hiện như: sốt, ho, chảy nước mắt, đỏ mắt sau đó nổi ban trên mặt rồi lan dần xuống chân. Nếu không có biến chứng, khi sởi nổi đến chân thì trẻ sẽ hết sốt.
- Nếu trẻ bị bệnh tay chân miệng thì sẽ có những biểu hiện sau: các ban thường nổi trong lòng bàn tay, chân, miệng, biến chứng của bệnh là viêm màng não, viêm não, tổn thương tim, phù phổi.
Với bệnh tay chân miệng thì hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa và trẻ có thể bị nhiều lần trong đời. Vì vậy, cách tốt nhất khi bị bệnh tay chân miệng là cách ly và giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé, đặc biệt là ở các vùng tai mũi họng.
Trẻ trong thời điểm đến trường cần được giữ ở nhà để tránh lây cho trẻ khác. Nhà trường cần vệ sinh trường lớp, khi làm thức ăn hoặc trước khi chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch sẽ. Các bác sĩ cũng lưu ý: “Không phải tất cả bệnh nhi bị sởi, tay chân miệng đều cần đến bệnh viện. Vì nếu cứ đua nhập viện sẽ gây quá tải. Các trường hợp nhẹ vẫn có thể chăm sóc tại nhà”.
Phụ huynh không nên tự ý chữa bệnh bằng rau mùi, vòng đeo tay hay tiêu ban lộ vì đây là những phương pháp chưa được chứng minh bằng cơ sở khoa học.
“Cũng không nên kiêng tắm, kiêng gió không bật quạt cho trẻ vì sẽ khiến trẻ mất vệ sinh, ngoài ra không nên ăn cháo muối vì không đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ” – các bác sĩ khuyến cáo thêm.