Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Ưu điểm
+ Thiết kế đẹp, cứng cáp
+ Cảm giác gõ tốt
+ Đèn nền sáng đẹp, nhiều tùy biến
+ Phím Control cỡ lớn, Stealth key là những điểm nhấn thú vị
Nhược điểm
– Không có kê tay
– Keycap ABS dễ bám mồ hôi, bóng sau thời gian dài sử dụng
– Phần mềm chưa thực sự ấn tượng
Thiết kế
Giống như những sản phẩm nằm trong hệ sinh thái ROG khác, thiết kế của ROG Strix Scope được Asus chăm chút một cách rất kỹ lưỡng. Mặt phím (plate) làm từ nhôm cho cảm giác chắc chắn, với khoảng 30% diện tích được phay xước trông khá lạ mắt, trong khi phần còn lại được phủ bóng mờ (matte finish). Là bàn phím full-size (104 phím) nhưng kích thước của ROG Strix Scope khá nhỏ gọn, cộng với “cân nặng” chỉ 1,07kg giúp game thủ có thể dễ dàng mang theo “chinh chiến” mọi lúc mọi nơi.
Góc dưới bên trái của bàn phím là dòng chữ Republic of Gamers, còn góc trên bên phải là logo ROG phát sáng có thể tùy chỉnh được, nên các “đồng đội” ROG có thể nhận ra nhau rất dễ dàng mỗi khi chinh chiến ngoài… quán net. Đáng tiếc là ROG Strix Scope không có kê tay đi kèm, nên sau khi sử dụng trong thời gian dài, game thủ có thể bị mỏi ở phần cổ tay.
Phần keycap của ROG Strix Scope được làm nhô cao so với mặt phím, một thiết kế phổ biến ở các dòng bàn phím cơ gaming. Thiết kế này mang đậm chất game thủ, cho phép ánh đèn LED tỏa ra được nhiều hơn, nhưng bù lại thì bụi bẩn cũng dễ lọt vào hơn. Để kéo dài tuổi thọ, người dùng cần vệ sinh định kỳ, cũng như tránh đặt sản phẩm gần nơi có nhiều bụi, ẩm mốc.
ROG Strix Scope có một tính năng rất thú vị, giúp bạn phân chia “học ra học, chơi ra chơi” là Quick-Toggle Switch. Khi kích hoạt bằng cách nhấn cụm phím Function (FN) và phím Insert, dãy phím từ F5 đến F12 sẽ đổi sang thành các phím media (bắt đầu, tạm dừng, tăng giảm âm lượng,…) hoặc trở về như truyền thống khi bạn nhấn thêm một lần nữa. Đặc biệt, phím F12 còn đóng vai trò là một “Stealth key”, chỉ cần một lần nhấn, toàn bộ các tác vụ trên máy tính sẽ được ẩn xuống, đồng thời tắt hoàn toàn âm lượng. Chẳng hạn, khi bạn đang xem một bộ phim “nọ kia” mà có người bất thình lình đi vào trong phòng, Stealth key của ROG Strix Scope sẽ là “vị cứu tinh” đúng nghĩa.
Phím Control kích thước lớn – điểm nhấn thiết kế của ROG Strix Scope – thực sự hoạt động đúng như kỳ vọng. Tuy tôi phải mất một thời gian ngắn để làm quen, trải nghiệm chơi game bắn súng đã có sự cải thiện nhất định khi tôi có thể với ngón út ra phím Control dễ dàng hơn, đặc biệt tình trạng ấn nhầm phím Windows cũng đã không còn.
Mặt dưới của ROG Strix Scope có hai rãnh đi dây giúp góc máy của bạn gọn gàng, ngăn nắp hơn. Các đường nhựa chéo và feet cao su cho phép bàn phím nằm vững chãi trên bàn, không bị xê dịch khi sử dụng. Dây kết nối của ROG Strix Scope được bọc dù chắc chắn, đầu kết nối USB mạ vàng không bị hoen gỉ theo thời gian, nhưng đáng tiếc chỉ là dây liền chứ không phải dây tháo rời như nhiều bàn phím khác.
Switch – Keycap
ROG Strix Scope sử dụng switch (công tắc phím) Cherry MX của Cherry, nhà sản xuất danh tiếng đến từ Đức. Cherry MX có thể nói là switch phổ biến nhất hiện nay, trải dài trên nhiều sản phẩm từ trung cấp đến cao cấp với tuổi thọ lên tới 50 triệu lần nhấn. Mặc định, ROG Strix Scope được trang bị switch Cherry MX Red, đây là loại switch tuyến tính (không có khấc – tactile) với lực nhấn 45g, điểm nhận phím 2mm, hành trình phím 4mm.
Cherry MX Red phù hợp với những game thủ cần thao tác với tốc độ cao nhưng vẫn muốn hạn chế tiếng ồn gây ra để không ảnh hưởng đến những người xung quanh. Bên cạnh Cherry MX Red, ROG Strix Scope còn có những tùy chọn khác như Cherry MX Brown (nâu), Blue (xanh biển), Black (đen), Speed Silver (bạc) và Silent Red (đỏ giống Red nhưng giảm ồn tốt hơn), rất đa dạng cho mọi mục đích của người dùng.
Keycap của ROG Strix Scope làm từ nhựa ABS, ký tự in hai lớp (doubleot) với “phông chữ ROG” mà chúng ta từng thấy trên các bàn phím cơ ROG khác: cỡ chữ to, vuông vắn. Là một người có nhiều mồ hôi tay, keycap ABS là một “nỗi buồn nho nhỏ” cho người viết khi chất liệu này bám mồ hôi hơn và có xu hướng bị bóng sau khi sử dụng trong thời gian dài dù rằng nó rẻ hơn và dễ sản xuất hơn keycap PBT. Asus còn tặng kèm sản phẩm bộ keycap WASD sơn màu bạc, trông rất bắt mắt.
Phiên bản mà mình sử dụng đánh giá trong bài viết là switch MX Red mặc định. Trải nghiệm thực tế, ROG Strix Scope cho cảm giác gõ tốt, lực nhấn phím đồng đều, vẫn gây ra những tiếng ồn nhất định khi gõ nhưng không gây cảm giác khó chịu cho người kế bên.
Đèn led
Ngày nay, nếu nói đến bàn phím chơi game, đèn nền RGB là tính năng không thể thiếu. Nó giúp không gian làm việc, chơi game của bạn trở nên “long lanh” hơn, hoặc chỉ đơn giản là giúp bạn thao tác tốt hơn vào ban đêm.
Đèn nền của ROG Strix Scope có độ sáng tốt, phần housing làm bằng nhựa trong suốt với keycap nhô cao nên ánh sáng tràn ra trông rất bắt mắt. Phông chữ to, đậm cũng giúp ánh sáng xuyên qua keycap nhiều hơn. Các chế độ đèn nền mặc định tuy không quá đa dạng nhưng bạn hoàn toàn có thể thiết lập chúng theo cách mà bạn muốn. Bàn phím này cũng hỗ trợ công nghệ Aura Sync của Asus, nên nếu bạn có nhiều sản phẩm khác của ROG, chẳng hạn như chuột, tai nghe,… bạn có thể đồng bộ đèn nền của chúng một cách rất dễ dàng.
Tuy nhiên, Armoury II, phần mềm điều khiển của ROG Strix Scope lại là thứ khiến tôi chưa thực sự hài lòng. Tùy chỉnh đền nền dễ dàng, trực quan bao nhiêu thì thiết lập macro gây hoang mang, khó hiểu bấy nhiêu, đến mức tôi quyết định từ bỏ và không dùng tính năng macro nữa. Rất may là bàn phím cho phép thiết lập macro bằng phím tắt, bạn có thể cân nhắc nếu cũng gặp khó khi sử dụng phần mềm giống như tôi.
Tổng kết
Chiếc bàn phím này dành cho những ai? Đó là những người yêu thích game bắn súng, như PUBG, Apex Legends hay Counter-Strike: Global Offensive. Đó là những người yêu thích một chiếc bàn phím có thiết kế đậm chất game thủ, đủ nhỏ gọn để mang đi “chinh chiến” mọi lúc mọi nơi. Đó là những người đã sở hữu một loạt sản phẩm ROG khác, và muốn có thêm một chiếc bàn phím mới vào bộ sưu tập của mình. Nhưng nếu bạn không nằm trong số đó, có lẽ bạn nên cân nhắc thêm những sự lựa chọn khác để đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.