Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Dành cho những ai chưa biết về Leopold thì đây là một thương hiệu bàn phím cơ ở Hàn. Thương hiệu này thành lập năm 2006 và từ đó tới nay đã đạt được nhiều thành công trong thị trường gaming gear với những sản phẩm bàn phím chất lượng tốt, độ bền cao, mức giá hợp lý, nhiều cải tiến và nâng cấp đáng giá. Không chỉ sử dụng switch Cherry, Leopold còn có nhiều sản phẩm sử dụng switch Topre và sản phẩm mà lần này chúng ta đánh giá nằm trong số đó, chiếc bàn phím cơ mini Leopold FC660C.
Thiết kế
Tổng thể của Leopold FC660C vẫn theo kiểu sắp xếp ANSI quen thuộc, khá đơn giản và dễ sử dụng, có thể thay thế các loại keycap khác để thể hiện phong cách cá nhân. Bàn phím thuộc dạng mini với 67 phím bấm, loại bỏ hoàn toàn dãy macro từ F1 đến F12 và khu vực phím số. Tuy nhiên, chúng không thực sự mất đi mà được thiết kế đè lên các phím khác, bạn có thể sử dụng chức năng như thường khi kết hợp tổ hợp phím Fn.
Keycap của FC660C được làm từ chất liệu nhựa PBT siêu bền, chữ in trên mặt phím sắc nét, không có dấu hiệu bong màu hay ký tự, nhờ áp dụng công nghệ in Dye Sub nên keycap không bị bám vân tay, xuống cấp hay ngả màu sau thời gian dài sử dụng.
Dây cáp là dây rời có thể tháo ra mỗi khi bạn có nhu cầu di chuyển. Dây kết nối to và cứng cáp hơn dây micro USB thông thường nên trông rất chắc chắn, khó bị hư hại từ bên trong.
Khung bàn phím tuy được làm từ chất liệu nhựa nhưng được gia công chắc chắn, chịu được lực nhấn và lực đè mạnh, không hề có tình trạng ọp ẹp hay lỏng lẻo.
Về mức độ hoàn thiện thì phải nói FC660C không có gì để chê. Tuy nhiên vẫn có một số khiếm khuyết là mặt dưới không có khe hở để cuộn dây cáp gọn gàng như một số dòng bàn phím cơ khác của chính Leopold. Dây nhợ loằng ngoằng đôi khi đem lại nhiều sự bất tiện cho người sử dụng, không hiểu sao Leopold lại bỏ qua điều này trên FC660C nhỉ. Ngoài ra thì bàn phím cơ mini này cũng không có đèn nền LED, chỉ có Led đỏ dưới 2 phím Caplocks và Insert.
Switch
Switch Topre xuất hiện đã cách đây nhiều năm trên dòng bàn phím Realforce 87U. Về cơ bản thì đây được xem như dạng switch lai, kết hợp giữa đặc tính đệm cao su membrane và lò xo cơ học, bên dưới là lớp bo mạch cảm ứng. Khi bạn nhấn phím, lò xo bị nén, cơ chế cảm ứng với độ chính xác cao sẽ phát hiện sự thay đổi điện trở, chuyển thành tín hiệu và gửi về bộ xử lý.
Khi mới sử dụng lần đầu, có thể bạn sẽ thấy Topre cho cảm giác gõ khá hụt và nhẹ so với Cherry. Tuy nhiên sau một khoảng thời gian trải nghiệm bạn mới thấy được độ êm, sự chính xác của hành trình 4mm và âm thanh gần như được giảm thiểu tối đa. Do đó loại switch này còn có cái tên gọi khác là Silent switch.
Trải nghiệm thực tế
Trải nghiệm nhanh Leopold FC660C, mình thực sự rất đánh giá cao chiếc bàn phím này. Độ đàn hồi đủ tốt để mang lại cảm giác khi gõ văn bản với tốc độ nhanh mà không sợ nhầm phím, một cảm giác rất đã khác với switch Cherry.
Keycap sử dụng profile thấp, tương tự như Cherry, cảm giác gõ của bạn là rất khác, nó không hề bị quá cao như OEM profile làm mỏi tay khi gõ. Profile hơi thấp nhưng không hề khó chịu cảm giác gõ như thể bạn đang lướt tay trên bàn phím vậy, tốc độ gõ tăng lên khá nhiều.
Ngoài trải nghiệm gõ tuyệt vời, bên dưới bàn phím còn có một bảng DIP switch (bảng chuyển mạch, được thiết kế 2 lớp tăng cường độ bền và tuổi thọ), cho phép bạn tắt và điều chỉnh các phím như Ctrl – Alt – Windows – Fn theo công thức trong cuốn sách hướng dẫn sử dụng. Mình thấy bảng mạch này khá rườm rà, mỗi lần chuyển mạch lại phải ngắt kết nối bàn phím mới được, như thế rất mất thời gian.
Kết luận
Với mục đích hướng tới những người sử dụng cần sự thoải mái tối đa, cảm giác gõ phím tuyệt đỉnh, Leopold FC660C thực sự là một lựa chọn tốt với những người khó tính. Nếu bạn là người thường xuyên phải làm việc bên máy tính, thường xuyên phải đi công tác xa, cần một chiếc bàn phím vừa gọn gàng, vừa đáp ứng được sự thoải mái, thích thú trong khi làm việc thì FC660 rất xứng đáng để bạn rước về.