Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Khi mất ngủ, điều đầu tiên mà bạn nhận thấy đó là vô cùng mệt mỏi và dường như ngày nào cũng cảm thấy kiệt sức. Ngoài ra, tâm trạng của bạn cũng vì vậy mà không thoải mái gì. Bệnh mất ngủ mãn tính thậm chí có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, ngay từ khi có dấu hiệu bạn nên tìm hiểu và trị chứng bệnh này tận gốc
Các triệu chứng của mất ngủ là gì?
Mất ngủ là hiện tượng mà bạn không có khả năng có được giấc ngủ sâu và đủ. Bởi vì những người khác nhau cần thời gian ngủ khác nhau, vì vậy mà mất ngủ cũng được định nghĩa bởi chất lượng giấc ngủ của bạn và cách bạn cảm thấy sau khi thức dậy, không hẳn là số giờ ngủ hoặc là làm thế nào để bạn có thể nhanh chóng thiếp đi. Ngay cả khi bạn ngủ đủ 8 tiếng trong một ngày, nếu bạn cảm tháy buồn ngủ và mệt mỏi trong ngày thì bạn vẫn có thể có nguy cơ gặp chứng mất ngủ.
Mọi người thường than phiền rằng mình mất ngủ, tuy nhiên điều đáng mừng đó không phải là một loại “bệnh”, cũng không phải bạn bị rối loạn giấc ngủ. Chính xác, mất ngủ chỉ là một triệu chứng của một vấn đề khác mà thôi. Nó đôi khi đơn giản chỉ vì bạn uống quá nhiều cà phê trong ngày hoặc bạn cảm thấy mình đang bị “quá tải”. Tin tốt là hầu hết các trường hợp mất ngủ đều có thể được chữa khỏi, chỉ cần bạn thay đổi một số thói quen mà không cần thiết phải dùng các toa thuốc của bác sĩ.
Các triệu chứng của mất ngủ có thể là:
– Khó ngủ dù bạn cảm thấy rất mệt mỏi sau một ngày dài làm việc và học tập.
– Thức dậy thường xuyên trong đêm
– Gặp rắc rối khi trở lại giấc ngủ sau khi thức dậy
– Ngủ nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi
– Phải dựa vào những viên thuốc ngủ hoặc uống rượu để ngủ
– Thức dậy quá sớm vào buổi sáng
– Ban ngày buồn ngủ, mệt mỏi, hay cáu gắt
– Khó tập trung trong ngày
Để điều trị đúng cách và chữa được bệnh mất ngủ, bạn cần phải hiểu rõ về nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ này. Các vấn đề về cảm xúc như căng thẳng, lo âu và trầm cảm được thống kê là nguyên nhân gây ra một nửa các trường hợp mất ngủ. Tuy nhiên, phần còn lại là do thói quen làm việc – nghỉ ngơi của bạn vào ban ngày, thói quen ngủ, sức khỏe, thể chất. Đầu tiên, muốn chữa bệnh hãy thử xác định tất cả các nguyên nhân có thể khiến bạn mất ngủ. Một khi bạn tìm ra nguyên nhân gốc, bạn có thể có cách điều chỉnh và điều trị phù hợp. Hãy thử trả lời những câu hỏi sau:
– Bạn có đang gặp rất nhiều áp lực?
– Bạn có bị trầm cảm hay cảm thấy “không cảm xúc” hoặc thường gặp tình trạng vô vọng?
– Bạn phải vật lộn với những cảm xúc lo lắng?
– Gần đây bạn gặp chuyện buồn hoặc khiến bạn cảm thấy đau đớn?
– Bạn đang dùng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng giấc ngủ của bạn?
– Bạn có một số vấn đề sức khỏe khiến bạn khó ngủ?
– Môi trường ngủ của bạn có yên tĩnh và thoải mái?
– Bạn có dành đủ thời gian để nghỉ ngơi vào ban ngày và ngủ vào ban đêm?
– Bạn có cố gắng đi ngủ và thức dậy cùng khoảng thời gian mỗi ngày?
Đôi khi, mất ngủ chỉ kéo dài một vài ngày và sau đó chỉ thi thoảng bạn mới gặp. Nguyên nhân của nó có lẽ là do những vấn đề tạm thời mà bạn gặp phải trong cuộc sống: ví dụ như bài thuyết trình sắp tới hoặc bạn vừa trải qua một cuộc chia tay. Còn nếu bạn thường xuyên bị mất ngủ, dù bạn nghĩ rằng mọi việc đang bình thường thì có lẽ bạn đã gặp phải chứng “mất ngủ mãn tính” – chứng bệnh thường được gắn với một vấn đề về tâm thần hoặc thể chất cơ bản.
– Vấn đề tâm lý có thể gây ra chứng mất ngủ là: trầm cảm, lo âu, căng thẳng mãn tính, rối loạn lưỡng cực, căng thẳng sau những sự kiện buồn và bi thương.
– Các loại thuốc có thể gây mất ngủ: thuốc chống trầm cảm; thuốc trị cảm lạnh và cảm cúm có chứa cồn; thuốc giảm đau có chứa caffeine (Midol, Excedrin); thuốc lợi tiểu, corticoid, hormone tuyến giáp, thuốc điều trị huyết áp cao.
– Vấn đề sức khỏe có thể gây ra chứng mất ngủ: bệnh hen suyễn, dị ứng, bệnh Parkinson, cường giáp, acid trào ngược, bệnh thận, ung thư, đau mãn tính.
– Rối loạn giấc ngủ có thể gây mất ngủ: ngưng thở khi ngủ, chứng ngủ rũ, hội chứng chân tay bồn chồn.
Trong tất cả những nguyên nhân trên thì lo âu và trầm cảm là hai trong số các nguyên nhân phổ biến nhất của chứng mất ngủ mãn tính. Hầu hết những người bị rối loạn lo âu hay trầm cảm luôn cảm thấy bồn chồn, khó ngủ. Hơn nữa, sự thiếu ngủ có thể làm cho các triệu chứng lo âu hay trầm cảm tồi tệ hơn. Vì vậy, trong trường hợp này, điều trị các vấn đề tâm lý cơ bản là chìa khóa để chữa chứng mất ngủ.
Hương Giang
Theo helpguide
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam