Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Nhiều mẹ than rằng sữa mình loãng, không đủ chất, không đủ béo nên không đủ dinh dưỡng cho con phát triển và phải bổ sung thêm sữa công thức. Thực chất, điều này có đúng hay không? Và mẹ nên ăn gì để chất béo trong sữa mẹ tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của bé?
Bé sơ sinh cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo Tổ chức y tế thế giới WHO thì 98% các bà mẹ có khả năng nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Chất lượng sữa của các bà mẹ là tương đương nhau, quan niệm cho rằng có sữa mẹ này nhiều chất, sữa mẹ kia ít chất là hoàn toàn không đúng. Ngay cả khi nhìn bên ngoài, sữa mẹ này đặc hơn, sữa mẹ kia loãng hơn thì cũng không thể dựa vào điều đó để đánh giá chất lượng sữa mẹ. Vì thế, các mẹ hãy tự tin cho bé bú mẹ để con phát triển khỏe mạnh và bền vững.
Tìm hiểu về chất béo trong sữa mẹ
Chất béo trong sữa mẹ rất quan trọng trong việc tổng hợp và phát triển các mô thần kinh, võng mạc và giúp phát triển hệ miễn dịch. Chất béo trong sữa mẹ cũng là một trong những thành phần dinh dưỡng giúp bé tăng cân.
Trong sữa mẹ, chất béo thường được cấu trúc từ các axit béo chuỗi trung bình và chuỗi dài, trong đó loại axit béo chuỗi dài không no (cấu tạo từ AAhay DHA), viết tắt là LCPUFAs (long chain polyunsaturated fatty acids) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ thần kinh trung ương và hệ miễn dịch.Khi khảo sát lượng LCPUFAs vùng não trước của bé, người ta thấy hàm lượng của nó tăng dần theo tuổi ở những bé bú sữa mẹ, trong khi ở những bé bú sữa bột công thức thì không thay đổi vì sữa bò chứa rất ít LCPUFAs.
Chất béo trong sữa mẹ được tạo ra như thế nào?
Không giống như sữa bột trẻ em, 98 – 99% chất béo trong sữa mẹ là Trigycerides. Vì vậy, để tăng chất lượng của chất béo trong sữa mẹ chúng ta cầntập trung tìm hiểu về chế độ ăn ảnh hưởng tới Triglycerides. Tuy nhiên, các mẹ cần nhớ chế độ ăn không ảnh hưởng tới tổng lượng chất béo trong sữa mẹ (tức là mẹ có ăn nhiều đồ béo hay không thì tổng lượng chất béo cung cấp cho bé vẫn được giữ nguyên) nhưng chế độ ăn của mẹ lại ảnh hưởng đến tỉ lệ các loại chất béo trong sữa mẹ.
Chất béo được tổng hợp ở tuyến vú chủ yếu là axit béo chuỗi trung bình. Chất béo được lấy từ mô mỡ hay chế độ ăn của mẹ thì chiếm đa phần là axit béo chuỗi dài (quan trọng trong phát triển não). Những mẹ ăn theo chế độ phương Tây (nhiều béo): 20% chất béo được tổng hợp ở tuyến vú, phần còn lại lấy từ chế độ ăn và mô mỡ của mẹ/. Những mẹ ăn theo chế độ carbohydrate cao, chất béo ít: 40% chất béo lấy từ tuyến vú, phần còn lại lấy từ chế độ ăn và mô mỡ của mẹ. Vậy thì mẹ có thể thấy rõ là chất béo trong sữa mẹ lấy chủ yếu từ chế độ ăn và mô mỡ thừa của mẹ, và đây là nguồn chất béo chuỗi dài quan trọng đá nói ở trên.
Mẹ ăn gì để chất béo trong sữa mẹ tốt nhất?
Chất béo trong sữa mẹ giúp phát triển não bộ và võng mạc của bé
So với sữa công thức cho trẻ em thì rõ ràng là sữa mẹ chứa nguồn chất béo dồi dào, dễ hấp thụ và tốt cho sự phát triển của bé hơn cả. Tuy nhiên, để nguồn chất bé có chất lượng tốt thì các mẹ cần ăn béo có chọn lọc vì không phải chất béo nào mẹ ăn vào cũng tạo nên axit béo tốt. Trong đó,Omega3 là 1 nhóm các axit béo thiết yếu, trong đó 3 dạng chính là EPA, DHA và ALA (ALA là axit béo chuỗi ngắn, EPA và DHA và axit béo chuỗi dài – quan trọng, các hãng sữa công thức hay thêm vào, nhưng khó hấp thu hơn so với sữa mẹ).
Vì vậy, để chất béo trong sữa mẹ có chất lượng tốt, mẹ cần bổ sung các loại thực phẩm chứa Omega 3 bao gồm:
– Cá: là nguồn Omega 3 dồi dào nhất, bao gồm cá chim, cá mòi, cá thu, cá hồi , cá ngừ (tươi), cá tuyết, cá rô phi, cua, tôm, hàu, sò điệp,…
– Các loại hạt: hạnh nhân, hạt chia, óc chó, bí ngô, hồ đào,…
– Các loại dầu: Dầu hạt cải (canola), dầu đậu nành, dầu hạt lanh (flax seed), bơ thực vật magarine từ cá hay từ hạt cải
– Một số loại rau có lá xanh đậm: bắp cải bruxen, rau bina (rau chân vịt), bông cải, bí đỏ, đu đủ …
– Các thực phẩm khác: trứng, trứng cá Caviar (đen, đỏ), lươn, đậu phụ, đậu hà lan, đậu nành
Từ đây, các mẹ cũng thấy rằng: quan niệm những tháng đầu sau sinh hạn chế ăn cá (do quan niêm không ăn đồ tanh) sẽ là thiệt thòi cho bé. Ngược lại mẹ nên ăn cá, cá đồng có thể ăn thường, còn cá biển thì thỉnh thoảng ăn vì cá biển có một lượng thủy ngân nhất định. Trong số các loại cá biển. ít thủy ngân nhất là cá hồi và cá mòi.
Theo Bs Lê Ngọc Anh Thy
(Chuyên viên tư vấn sữa mẹ quốc tế)
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam
Tìm kiếm sản phẩm giá rẻ nhất Việt Nam