Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Thiết kế và các tính năng chính của Lenovo Yoga 9i Shadow Black
Với kích thước 210 x 318 x 15 mm cùng trọng lượng 1,44 kg, Yoga 9i Shadow Black không phải mẫu Ultrabook mỏng hay nhẹ nhất thị trường nhưng sự khác biệt giữa nó và các đối thủ là vẫn có. Đó là sự chắc chắn, bền bỉ!
Không sở hữu ngoại hình quá đỗi bóng bẩy nhiều điểm nhấn, phong cách thiết kế của Shadow Black hơi khác biệt, nắp lưng của nó là một lớp da trông thì rất sang nhưng hơi có vẻ già cỗi. Và lớp da này không phải là giả da như trên tai nghe đâu nhé, nó hoàn toàn là da thật!
Mở nắp lên, ta sẽ thấy màn hình với viền mỏng 5mm ở hai bên, cạnh trên và dưới vẫn còn dày, lần lượt là 8 mm và 13 mm. Đáng chú ý nhất là phiên bản lần này Lenovo đã thiết kế hệ thống loa ở ngay phần bản lề để dù sử dụng ở chế độ laptop hay máy tính bảng ta vẫn có trải nghiệm âm thanh tối ưu nhất.
Về cổng kết nối, Yoga 9i Shadow Black đáp ứng đầy đủ nhu cầu làm việc và kết nối ngoài với một cổng USB-A và hai cổng USB-C hỗ trợ Thunderbolt 4, bạn có thể dùng một trong hai cổng này để sạc. Nếu cần đến các kết nối khác như HDMI thì bạn có thể dùng apdater ngoài phụ trợ.
Bút Lenovo Active Pen đi kèm theo máy được đặt ở một khe phía sau. Khe này được thiết kế kín đáo và an toàn đến nỗi nếu không biết là máy có bút đi kèm có khi bạn còn quên luôn nó đi. Bút stylus hỗ trợ 4096 độ nhạy lực và sau 15 phút sạc nó có thể dùng trong 90 phút. Mặc dù chất lượng của bút không sánh được với bút thông minh hàng đầu của Apple hay Sony, nhưng về tính khả thi nó vẫn phải có, vẫn tỏ ra hữu ích trong nhiều tình huống.
Phần bàn phím của Yoga 9i Shadow Black thì không được xuất sắc như người anh em ThinkPad. Hành trình phím nông và nghiêng về phía ‘clicky’, nếu đánh máy ít thì bạn thấy nó cũng được nhưng nếu gõ chữ thời gian dài sẽ thấy nó không được thoải mái như hành trình phím sâu hơn. Tốc độ phản hồi cũng dưới mức trung bình.
Nhưng bàn phím cũng chưa phải điểm đáng thất vọng nhất của Yoga 9i Shadow Black, mà phải là touchpad. Phần touchpad này sử dụng một tấm kính lớn, hai nút trái phải được ẩn ở phía dưới, nhìn thì rất đẹp mắt và thao tác vuốt chạm cũng khá ổn nhưng thao tác nhấn chuột bị chê khá là nhiều.
Màn hình và Âm thanh
Màn hình IPS 14 inch độ phân giải 3840 x 2160 pixel với độ sáng tối đa 489 cd/m2 mang đến cho Shadow Black khả năng hiển thị ổn, nội dung sắc nét. Tỷ lệ độ phủ màu sRGB 99,3%, tỷ lệ tương phản 1.574:1 và độ chính xác màu trung bình của Delta E 0,33 là tất cả những thứ đáng tiền cho một chiếc laptop 2 trong 1 cao cấp như thế này.
Như đã nói ở phần trên, thì hệ thống loa của Yoga 9i Shadow Black được thiết kế để dù bạn sử dụng ở chế nào nó cũng đem đến trải nghiệm âm thanh tốt nhất. Điều này không hoàn toàn là thổi phồng vì thực sự cụm loa mà Lenovo trang bị cho máy rất tốt, đó là một loa soundbar nhỏ với âm thanh ấn tượng vượt trội so với nhiều mẫu trước đó. Âm thanh phát ra từ loa to, rõ, vẫn hơi thiếu trầm nhưng âm bổng đặc biệt rõ ràng, dùng để xem phim, nghe nhạc rất tốt.
Tóm lại, Yoga 9i Shadowvừa có màn hình chất lượng hiển thị xuất sắc lại vừa có hệ thống âm thanh ấn tượng. Ngoài sử dụng để là việc, bạn có thể dùng nó như một công cụ giải trí xuất sắc.
Hiệu năng của laptop Lenovo Yoga 9i và thời lượng pin
Cấu hình chiếc Yoga 9i Shadow Black trong bài này gồm CPU Core i7-1185G7, GPU Iris Xe tích hợp và 16GB RAM LPDDR4, xung nhịp cơ bản của con chip này là 3.0GHZ, ở trạng thái turbo boost là 4.8GHz. Với sức mạnh này, Shadow Black cung cấp hiệu suất xử lý dữ liệu, hình ảnh cực kỳ ổn định và mượt mà, đáp ứng tốt mọi công việc của bạn.
Và, nếu lo lắng về vấn đề nhiệt thì bạn hãy cứ yên tâm, điểm cộng nổi trội nhất của Lenovo Shadow Black chính là khía cạnh này. Với khả năng quản lý nhiệt hiệu quả cùng hệ thống quạt kép bên trong máy, chiếc laptop 2-in-1 này sẽ luôn mát mẻ dù nó đang vận hành với công suất tối đa.
Về khả năng lưu trữ, model trong bài sử dụng ổ cứng SSD Western Digital SN730 NVMe 512GB, cho tốc độ đọc/ghi tương ứng 2.785 MB/s và 1.464 MB/s.
Thời lượng pin của Lenovo Yoga 9i Shadow Black là hơn 11 giờ sau một lần sạc đầy, không phải là xuất sắc nhưng nó đã đủ cho một ngày làm việc rồi. Bạn hoàn toàn có thể mang chiếc laptop này đi làm mà không cần mang sạc.
Lời kết
Hãy cùng liệt kê lại một chút về những ưu điểm của chiếc laptop 2 trong 1 Lenovo Yoga 9i Shadow Black. Trước tiên, nó có màn hình chất lượng màn tốt, độ sáng ổn và hệ thống loa soundbar độc đáo, để làm việc và giải trí rất tốt.
Kế tiếp, hiệu suất của máy có thể vận hành được nhiều phần mềm đồ hoạ nặng, cũng khá hữu dụng đối với công việc thiết kế ở mức độ trung bình. Và đi kèm với hiệu suất cao là hệ thống tản nhiệt cực kỳ hiệu quả, giúp máy luôn trong trạng thái tốt nhất.
Vậy còn nhược điểm thì sao? Viền màn hình dày là thứ ‘mất điểm’ nhất của Yoga 9i, nó cho cái nhìn tổng thể mất cân đối và không hài hoà như các đối thủ viền siêu mỏng. Sau đó là bàn phím và touchpad không được như mong đợi, có thể ảnh hưởng khá nhiều đến trải nghiệm người dùng.
Nhìn chung, không sản phẩm nào là hoàn hảo cả, dù cao cấp đến mấy thì cũng không thể tránh khỏi những sai sót nhỏ. Nhưng khách quan mà nói, Lenovo Yoga 9i năm nay là một chiếc Ultrabook rất đáng để cân nhắc. Giữa thị trường laptop 2-in-1 với quá nhiều lựa chọn, sản phẩm của Lenovo tuy chưa phải là ưu tiên hàng đầu nhưng luôn là gợi ý không tệ đối với những người muốn có một chiếc máy hiệu suất cao mà giá thành lại hợp lý.