Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Một chiếc đầu lân trẻ em giá rẻ trên thị trường có giá khoảng vài trăm ngàn là một món quà dành tặng bé nhân dịp Tết trung thu rất được ưa chuộng mỗi dịp rằm tháng 8 tới. Nhưng nếu khéo tay một chút thì chính bàn tay khéo léo của bạn cũng có thể làm được một chiếc đầu lân mini cho bé hoặc cùng bé tự làm – đó sẽ là những giây phút gắn kết tình cảm ngọt ngào và vô giá với tuổi thơ của các em.
Sau đây Websosanh.vn sẽ hướng dẫn các bạn cách làm đầu lân mini cho bé chơi dịp Tết trung thu để mùa trăng này những niềm vui hớn hở trên khuôn mặt cùng những tiếng cười ròn rã hiển hiện trên những khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên của các em. Mời các bạn và các bậc phụ huynh cùng theo dõi và tham khảo:
Nguyên liệu cần chuẩn bị trước khi làm đầu lân mini cho bé
Để làm được đầu lân mini cho bé bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau:
- Mây, tre
- Dây buộc, dây thép
- Dao, kéo, kìm…
- Màu vẽ, sơn bóng, giấy decal, vải mùng,…
- Đồ trang trí
- ….
Hướng dẫn cách làm đầu lân mini cho bé chi tiết 4 bước
1. Bước 1: Lên sườn cho đầu lân mini
Đây là bước đầu tiên và cũng là bước rất quan trọng vì nó định hình đầu lân của bạn sẽ có hình dạng như thế nào. Nên chia nhỏ từng bộ phận như khung chính, tai lân, lưỡi lân, mũi lớn, sừng lân, mắt lân,… và làm từng khung một cho dễ rồi ráp lại với nhau.
Khuôn chính bạn dùng tre uốn thành hình cung cố định chắc chắn sau đó gầy các thanh ngang trước dựng thành hình đầu lân. Để chắc chắn hơn phần khuôn chính bạn có thể dùng là khuôn nhôm hoặc dùng dây thép uốn chắc chắn.
Sau khi đã có khuôn bạn chọn những sợi mây tròn, có độ dẻo dai tốt luồn chạy dọc phần khuôn tạo thành những ô vuông trên đầu lân để tiện dán giấy.
Các phần tai, lưỡi, mũi lớn, sừng lân,… bạn đều dùng dây thép uốn hình trước theo ý thích rồi cũng làm tương tự, luồn dây mây chạy ngang chạy dọc thành những ô vuông nhỏ.
Khi đã có đầy đủ các bộ phận của một đầu lân mini cho bé bạn dùng dây buộc cố định chúng lại với nhau. Vậy là công việc lên sườn cho đầu lân đã hoàn thành rồi đấy.
2. Bước 2: Dán giấy, dán mùng
Ở bước này chúng ta sẽ tiến hành dán các phần dễ trước như dán phần gáy, phần trán và phần mắt sau đó mới chuyển sang dán các phần khó như mũi, miệng, tai, sừng,…
Để dán mùng bước này chúng ta sẽ dùng keo sữa loại không được đặc quá cũng không được loãng quá để khi dán vải mùng lên vải sẽ ăn và khô ngay. Sau lớp mùng là một lớp giấy lên đầu lân. Khi dán giấy bạn cần phải chú ý dán sao cho giấy căng và không để giấy bị lõm xuống. Tiếp theo lớp giấy sẽ là một lớp decan, với lớp này chúng ta nên cắt những mẩu đề can càng nhỏ càng dễ dán và càng mịn.
Sau bước dán giấy, dán mùng này chúng ta sẽ có một đầu lân mini cho bé cơ bản tương đối hoàn thiện, chúng ta tiếp tục chuyển sang bước thứ 3.
3. Bước 3: Vẽ tạo hình đầu lân mini cho bé
Bước này đòi hỏi sự khéo léo tạo phong cách riêng cho mỗi đầu lân đây và cũng là bước khó nhất trong làm đầu lân mini cho bé. Trong khi vẽ chúng ta cần đảm bảo vẽ sao cho các đường nét dứt khoát, sắc nét và làm cho đầu lân có hồn thể hiện cái thần của con lân. Để giúp con lân có thần thái hơn, các nét vẽ đẹp hơn bạn có thể sử dụng sơn bóng xịt lên các phần vẽ tạo hình cho lân.
Để con lân của bạn đẹp hơn nữa bạn có thể trang trí thêm cho chiếc đầu lân của mình ít lông. Nếu không có lông cừu như các đầu lân xịn hay dùng thì bạn có thể dùng các dây kim tuyến đủ màu sắc để trang trí cho đầu lân cũng được.
4. Bước 4: Làm đuôi lân
Nếu chỉ làm đầu lân thôi thì 3 bước trên đã hoàn tất rồi nhưng nếu trẻ chơi cùng các bạn thì bạn nên làm thêm đuôi lân cho cuộc chơi thêm vui. Đơn giản và không cầu kì nhất là bạn chỉ cần lấy một tấm vải dài gắn vào đầu lân làm đuôi là xong. Tuy nhiên các công đoạn thực tế thì còn phức tạp hơn nhiều, đại loại như phải khâu nhiều lớp cứ một lớp vải lại một lớp lông được đính vào kim sa óng ánh giúp đuôi lân trở nên sinh động và có thần hơn.
Sau khi kết thúc bước thứ 4 này cũng là lúc bạn có sản phẩm cuối cùng cho bé vui chơi đêm rằm tháng 8 rồi đấy. Chúc các bạn thành công!