Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Theo Imaging Resources, các tính năng đáng chú ý trên Stylus 1 bao gồm ống ngắm điện tử, hotshoe, kết nối Wi-fi mạnh mẽ và quan trọng nhất là ống kính i.Zuiko có khả năng zoom quang học 10.7x và khẩu độ f/2.8. Olympus đã học theo Sony ra mắt một chiếc máy ảnh đa năng zoom xa, song với kích cỡ gọn nhẹ và mức giá thấp hơn nhiều so với Sony RX10.
Mặc dù bạn khó có thể đặt Stylus 1 vào túi quần của mình, chiếc máy ảnh này có kích cỡ nhỏ hơn nhiều so với RX10. Ngay cả khi đã gắn ống kính, Stylus 1 chỉ có kích cỡ 116,2 x 87 x 56,5 mm, nhỏ hơn rất nhiều so với kích cỡ 129 x 88 x 102 mm của RX10. Điều thú vị là Stylus 1 được thiết kế gần như giống hệt với mẫu E-M5 của Olympus, vốn có kích cỡ 122 x 89 x 43 mm.
Stylus 1 có cân nặng chỉ 402g khi đã gắn kèm pin và thẻ nhớ, tức là chỉ nặng bằng một nửa so với Sony RX10 (813g). Quan trọng hơn hết, Stylus 1 chỉ có giá gốc 700 USD (tương đương 14,8 triệu đồng, giá tại Mỹ), trong khi RX1 có giá lên tới 1.300 USD (27,5 triệu đồng, giá tại Mỹ). So với cả người anh em Olympus XZ-2 có giá 600 USD (12,7 triệu đồng) thì Stylus 1 vẫn là một bản nâng cấp đáng giá.
Cảm biến, vi xử lý và hệ thống lấy nét tự động (AF)
Stylus 1 có cảm biến CMOS 12,8 MP kích cỡ 1/1,7 inch chiếu sáng sau, rất có thể là cùng một loại cảm biến với XZ-2. So với các dòng máy compact cao cấp khác, cảm biến của Stylus có kích cỡ khá lớn và rõ ràng là một bước tiến so với các cảm biến 1/2,3 inch mà chúng ta thường thấy trên các camera ở phân khúc cầu nối. Tuy vậy, cảm biến này không lớn bằng cảm biến 1 inch của Sony RX10 và Sony RX100 II – một chiếc máy ảnh bỏ túi thực thụ.
Vi xử lý TruePic VI của Stylus 1 được “vay mượn” từ OM-D E-M5, do vậy có thể nói rằng Stylus 1 có tốc độ xử lý nhanh không kém gì đàn anh của mình. Stylus 1 hỗ trợ ISO từ 100 tới 12800 trong cả 2 chế độ tự động và chỉnh ISO bằng tay. ISO mặc định từ 100-1600. Chiếc máy ảnh này có thể chụp định dạng RAW 12-bit, cũng như ảnh JPEG và RAW + JPEG đồng thời. Chế độ chụp liên tiếp cho phép chụp 7 khung hình/giây ở độ phân giải JPEG tối đa. Tốc độ cửa trập tối đa là 1/2000 giây, song cũng có thể giảm xuống tới 60 giây trong chế độ bulb (chụp phơi sáng).
Với hệ thống lấy nét tự động nhiều điểm 35-vùng, với tính năng lấy nét nhóm 9-vùng, Stylus 1 có khả năng lấy nét một lần và lấy nét liên tục. Stylus hỗ trợ theo dõi lấy nét (tracking), ưu tiên khuôn mặt (Face Priority) và nhận diện mắt (Eye Detect).
Ống kính
Ống kính Zuiko zoom quang học 10.7x của Stylus có tiêu cự chuyển đổi 28-300 mm, vượt xa cả XZ-2 (28 – 122 mm) và Sony RX10 (24 – 200 mm). Tuy vậy, khó có thể nói rằng Stylus 1 là một chiếc máy ảnh ống kính góc rộng. Ống kính Zuiko của Stylus 1 có 12 element, trong đó bao gồm 8 thấu kính phi cầu, và được chia thành 10 group. Stylus 1 có thể lấy nét ở khoảng cách gần nhất là 5 cm trong chế độ Super Macro, 10 cm ở chế độ thường và 80 cm ở chế độ tele.
Trong khi XZ-2 sử dụng nắp đậy gắn liền tự động mở ra mỗi lần bạn bật máy (đồng thời đưa ống kính vào vị trí chụp) gây khó chịu cho nhiều người, Stylus 1 sử dụng nắp đậy ống kính rời tự động, có khả năng bảo vệ ống kính khi được gắn hết cỡ vào thân máy.
Bộ lọc ND tích hợp có thể giảm tới tối đa 3 bước sáng, cho phép kiểm soát tốc độ màn trập và tránh tình trạng dư sáng khi chụp góc rộng và tạo bokeh, hoặc giảm tốc độ cửa trập để làm rõ chuyển động trong môi trường quá nhiều ánh sáng. Ngoài ra, ống kính chuyển đổi tầm xa (teleconverter) TCON-17X cũng tương thích với Stylus 1, cho phép tạo ra tiêu cự tối đa là 510m trong khi vẫn duy trì được khẩu độ f/2.8, theo tuyên bố của Olympus. Ống teleconverter này hiện có giá gốc tại Mỹ là 200 USD (khoảng 4,3 triệu đồng).
Ống ngắm điện tử (EVF) và màn hình LCD
Ống ngắm điện tử của Stylus 1 cùng loại với E-M2, có độ phân giải 1,44 triệu “chấm” với khả năng hiển thị gần 100% ảnh trường và khả năng phóng đại 1,15 lần. Stylus 1 có cảm biến ở gần mắt có khả năng phát hiện khi nào bạn đưa mắt lên gần ống ngắm và tắt màn hình LCD ở dưới.
Màn hình cảm ứng LCD của Stylus có có kích cỡ 3 inch, độ phân giải 1,04 triệu chấm, có khả năng xoay lên trên 80 độ và xoay xuống dưới 50 độ cho phép chụp trong nhiều điều kiện khác nhau. Màn hình cảm ứng cũng có menu điều hướng đơn giản, cho phép bạn thay đổi cài đặt trên giao diện Super Control Panel tương tự như E-M1. Stylus 1 cũng có tính năng Fast Touch AF (lấy nét nhanh trên màn hình cảm ứng) và hệ thống cửa trập giống như các máy ảnh dòng Olympus PEN (E-P5, E-PL5 và E-PM2).
Kết nối Wi-fi
Tính năng Wi-fi của Stylus 1 chắc chắn sẽ làm bạn thích thú. Đây là một trong số ít những mẫu máy ảnh compact được tích hợp bộ điều khiển nhiều tính năng thông qua Wi-fi. Phần lớn các mẫu compact hỗ trợ điều khiển từ xa qua Wi-fi đều chỉ cho phép bạn lấy nét và nhấn cò từ màn hình smartphone.
Song, cũng giống như mẫu Olympus E-M1 cao cấp, bạn có thể sử dụng một chiếc smartphone cài ứng dụng Image Share 2.1 của Olympus để lấy nét và chụp trên Stylus 1, và cũng có thể thay đổi tốc độ cửa trập, khẩu độ, ISO và mức bù sáng của Stylus 1 qua điện thoại. Đây là một tính năng hữu dụng và khá tân tiến.
Và cũng giống như những chiếc máy ảnh có Wi-fi, bạn có thể chia sẻ ảnh từ Stylus 1 lên PC hoặc smartphone/tablet. Olympus cũng đã cung cấp mã QR để đồng bộ hóa trực tiếp tới tablet và smartphone thông qua mạng Wi-fi.
Các chế độ chụp, màng lọc màu
Stylus 1 được tích hợp rất nhiều lựa chọn chế độ chụp rất sáng tạo, cho phép bạn thoải mái thể hiện ảnh chụp của mình. Chế độ đáng chú ý nhất là Photo Story, có biểu tượng hình vuông chia làm 3 bức ảnh trên thanh cuộn chọn chế độ. Photo Story đã từng xuất hiện trên Olympus E-M1 cho phép bạn chụp nhiều bức ảnh cùng lúc và xếp chúng vào một hình nền sáng tạo, ví dụ như một cuốn album ảnh ảo. Trong khi chế độ này không thực sự phù hợp với chiếc E-M1 chuyên nghiệp, Photo Story chắc chắn sẽ thu hút nhiều người dùng hơn trên chiếc Stylus 1.
Stylus 1 có hỗ trợ chế độ Panorama và 11 màng lọc màu “nghệ thuật” như Grainy Film (nhiễu phim), Diorama và Dramatic Tone… Bạn có thể tuỳ ý lựa chọn các màng lọc màu này (chụp nhiều bức ảnh liên tiếp, mỗi bức với một filter khác nhau). Tuy nhiên sau những giờ sử dụng đầu tiên, các biên tập viên của Imaging Resolution không thể tìm ra tính năng HDR tích hợp.
Quay video
Giống như phần lớn các mẫu Olympus khác, Stylus 1 có khả năng quay video Full HD 1080p, song chỉ với tốc độ 30 khung hình/giây. Chất lượng của Stylus 1 cũng chưa thực sự rõ ràng, do E-P1 và E-M1 có chất lượng quay video khá ấn tượng, trong khi XZ-2 và các model tầm thấp khác của Olympus lại có chất lượng quay video khá kém. Stylus có hỗ trợ quay video ở tốc độ 120 khung hình/giây và 240 khung hình/giây. Thời lượng quay video tối đa là 29 phút cho video thường và 20 giây cho video tốc độ cao.
Stylus 1 được trang bị một bộ microphone stereo cho phép giảm tiếng ồn từ môi trường. Bạn cũng có thể lồng tiếng vào ảnh tĩnh với thường lượng tối đa là 30 giây. Rất tiếc, bạn không thể gắn microphone rời vào Stylus 1.
Thiết kế
Điều đầu tiên mà bạn có thể nhận thấy khi cầm Stylus 1 lên tay là máy không quá nặng nhưng vẫn tạo cảm giác rất chắc chắn. Stylus 1 trông rất giống với Olympus OM-D E-M5, với ống ngắm điện tử lồi lên phía trên thân máy và tay cầm có góc tương tự, đồng thời cũng có kích cỡ khá giống. Tuy vậy, do có thân bằng nhựa nên Stylus 1 nhẹ hơn nhiều so với E-M5 thân kim loại.
Khi nhìn từ mặt trước, bạn sẽ thấy Stylus 1 sử dụng chung nhiều yếu tố thiết kế của OM-D E-M5 với phong cách khá hoài cổ và hình dạng khá truyền thống. Tay cầm của Stylus 1 cho phép bạn cầm tay một cách thoải mái và an toàn.
Ống kính kích cỡ lớn là một trong những yếu tố quan trọng nhất của chiếc máy ảnh dành cho người mới tập chơi này. Ống kính của Stylus 1 có nắp đậy có thể tháo rời, có khả năng mở ra tự động thành 4 cánh khi bạn kích hoạt ống kính.
Mặt trước của Stylus 1 là nút Fn2 có thể tùy chỉnh, cùng vòng lấy nét. Bao quanh ống kính là một “vòng điều khiển kết hợp” có thể tùy chỉnh các yếu tố phơi sáng như tốc độ cửa trập hoặc khẩu độ, đồng thời cũng có thể điều chỉnh tính năng lấy nét bằng tay giống như vòng lấy nét ty trên ống kính rời. Vòng điều khiển kết hợp của Stylus 1 có thể được tùy biến để hỗ trợ nhiều chức năng khác.
Phía trên máy có rất nhiều bánh xe (dial) điều khiển, bao gồm một bánh xe điều khiển chế độ ở phía bên trái bao gồm các kiểu phơi sáng PASM quen thuộc, các chế độ Scene, Art Filter và Story Mode cùng 2 chế độ tùy biến. Phía trên ống ngắm là hotshoe có kích cỡ chuẩn cho phép sử dụng đèn flash rời (cần chú ý máy không hỗ trợ microphone rời).
2 bên của ống ngắm là microphone tạo âm thanh stereo. Ở phía bên phải của ống ngắm là bánh xe điều khiển cỡ lớn có tính năng thay đổi dựa trên chế độ chụp hình hiện thời. Bánh xe điều khiển này không có chú thích, và cũng là 1 trong số rất nhiều bộ phận cho phép bạn tùy biến trên Stylus 1. Tiếp tục ở bên phải máy là nút cò với cần gạt zoom. Gần với rìa máy là nút quay video màu đỏ, cho phép người dùng dễ dàng quay video mà không cần để ý tới chế độ chụp. Cuối cùng, ở dưới nút quay video là nút bật/tắt nguồn.
Ở phía sau của Stylus 1 là ống ngắm điện tử khá lớn, có khả năng phóng 1.15x (tương đương 0.58x trên máy 35mm) và hiển thị ảnh trường 100%. Phần lớn mặt sau của máy bị chiếm dụng bởi màn hình cảm ứng LCD 3 inch có khả năng xoay gập giống như trên E-M5 và E-M1. Cũng giống như các mẫu Olympus khác, Stylus 1 có cảm biến để chuyển đổi giữa màn hình LCD và ống ngắm khi người dùng đưa máy lên mắt. Bên trái ống ngắm là bánh xe chỉnh diopter; nút chọn giữa ống ngắm/LCD thủ công nằm bên phải ống ngắm.
Stylus 1 có nút Fn1 có thể tùy biến ở ngay trên phần đặt ngón cái. Ở dưới là 4 nút điều hướng rất quen thuộc với người dùng máy ảnh phổ thông. Nút Playback nằm ở phía trên 4 nút điều hướng này, trong khi nút Menu và Info nằm ở phía dưới. Nút Menu sẽ mở ra hệ thống menu của máy, bạn có thể dùng 4 nút điều hướng và nút OK ở giữa để lựa chọn. Nút Info cho phép bạn lựa chọn nhiều tính năng như level gauge, quang đồ, báo shadow clipping.
4 nút điều hướng bao gồm 4 tính năng chính thường thấy: nút phía trên chỉnh phơi sáng (khẩu độ, tốc độ cửa trập), nút bên phải chỉnh flash, nút phía dưới chỉnh chế độ chụp liên tiếp/chụp từng tấm (drive mode) và hẹn giờ, nút bên trái dùng để chọn điểm lấy nét.
Ở phía dưới của Stylus 1 là khe cắm tripod 1/4-20 quen thuộc, cũng như khe cắm pin Li-ion và thẻ nhớ SD. Rất tiếc, khe cắm tripod ở quá gần so với khe cắm thẻ nhớ/pin, và do đó bạn sẽ không thể thay đổi 2 khu vực này khi chụp với tripod.
Ở 2 bên của máy là các tai cắm dây dạng hình tam giác giống như các mẫu Olympus khác. Phía bên phải của máy có khe cắm USB 2.0/AV/Remote và cổng microHDMI Type-D.
Phía bên trái của máy là nút chọn giữa zoom rộng và zoom tele cho phép zoom mượt nhưng chậm hơn so với cần gạt zoom trên cò. Bạn có thể điều chỉnh tốc độ zoom cho nút bấm này, song lại không thể điều chỉnh tốc độ của cần gạt. Nằm phía trên nút chọn zoom là nút bật flash nằm ngay phía trên ống ngắm. Stylus 1 hỗ trợ hệ thống flash không dây RC của Olympus (FL-50R, FL-36T, FL-300R và FL-600R), cho phép điều khiển 4 kênh flash riêng biệt.
Trải nghiệm sử dụng
Nhờ có tay cầm và phần để ngón cái hơi cong, bạn có thể cầm Stylus 1 một cách thoải mái. Nút cò được bố trí hợp lý để bạn có thể chụp bằng một tay.
Trong khi màn hình của Stylus 1 có độ phân giải cao hơn người tiền nhiệm, bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt giữa 1040K chấm (Stylus 1) và 912K chấm là không đáng kể. Ống ngắm điện tử (EVF) có độ phân giải 1,44 triệu chấm là đủ để nhìn rõ song lại không gây cản trở quá nhiều tới tầm nhìn của người dùng. Tầm nhìn trên ống ngắm rất rộng và đủ thoải mái cho mắt người, mặc dù nếu bạn dùng kính bạn có thể phải dí sát kính vào ống ngắm để nhìn đủ khung hình. Ống ngắm cũng có chất lượng hình ảnh rất chính xác, đem lại ảnh sắc nét từ góc này sang góc khác, gần như không bị méo màu.
Do được trang bị EVF nên flash tích hợp của Stylus 1 nằm dưới hotshoe, cho phép Olympus tích hợp bánh xe chọn chế độ vào bên trái và một bánh xe điều khiển tùy chỉnh bên phải. Giống như trên XZ-2, Stylus 1 có bánh xe điều khiển xung quanh chân ống kính. Nhìn chung, số lượng tùy chỉnh cho các bánh xe điều khiển là khá hạn chế: bạn chỉ có thể chọn giữa thay đổi chế độ hoặc độ bù sáng, hoặc lựa chọn xem bánh xe xoay nào sẽ điều chỉnh tính năng nào. Trong một số chế độ, bạn có thể chọn độ bù sáng cho ánh sáng môi trường hoặc độ sáng của đèn flash.
Số lượng tùy chỉnh cho các nút có thể tùy chỉnh lớn hơn so với các bánh xe điều khiển. Bạn có thể lựa chọn gần như là tất cả các cài đặt cho nút Fn1 nằm phía trên máy, nút Fn2 nằm phía trước, nút “record” ở phía trên và nút phải, nút dưỡi ở đằng sau thân máy. Bạn có thể chọn tính năng cho cần gạt nằm xung quanh nút Fn2, lựa chọn hướng tăng hoặc giảm cho Phơi sáng, Menu, lấy nét tay và Zoom. Bạn cũng có thể tùy chỉnh để nút Playback khởi động máy hay không.
Trong khi Stylus 1 có rất nhiều nút bấm/bánh xe điều khiển có thể tùy chỉnh được, số lượng tùy chỉnh mà Stylus 1 cung cấp vẫn còn thua kém so với các mẫu máy ảnh chụp liền cao cấp khác như RX100 hoặc RX100 II của Sony. Nút Fn1 có thể sử dụng 9 tính năng, trong khi nút Fn2 có thể sử dụng 14 tính năng.
Bù lại, nút Fn2 có cách hoạt động khá hay. Thay vì lựa chọn 1 tính năng để gán vào nút Fn2, bạn có thể lựa chọn một số lượng tùy ý trong số 14 tùy chọn. Bấm nút Fn2 sẽ cho phép bạn duyệt qua các tính năng mà bạn đã lựa chọn, tức là bạn có thể lướt qua cả 14 tính năng bằng cách bấm nút này nhiều lần. Stylus 1 sẽ nhớ tính năng mà bạn sử dụng cuối cùng, và sẽ đưa bạn trở lại tính năng này khi bạn nhấn nút Fn2. Tuy vậy, nếu bạn muốn trở lại tính năng sử dụng trước đó, bạn sẽ phải chọn tới 13 lần. Rõ ràng, đây là một thiếu sót đáng tiếc, song Olympus cũng có thể dễ dàng thay đổi thiếu sót này bằng cách sửa firmware trước khi phát hành máy.
Khi nhấn nút OK, Stylus 1 sẽ hiển thị menu nhanh bao gồm 2 nhóm biểu tượng, mỗi nhóm gồm 7 biểu tượng. Bạn có thể sử dụng các bánh xe xoay phía trên và phía trước máy để lựa chọn.
Bánh xe chọn chế độ của Stylus 1 có 2 chế độ tùy biến. Trong 2 chế độ này, máy sẽ lưu lại tất cả các tùy chỉnh mà bạn đã sử dụng trong lần chụp trước. Nhờ đó, bạn có thể tạo ra 2 chế độ riêng (ví dụ như một chế độ chụp ngoài trời và một chế độ chụp trong nhà) và lựa chọn giữa chúng một cách dễ dàng.
Cũng giống như chiếc E-M1, Stylus 1 có thêm chế độ Photo Story với biểu tượng một hình vuông được chia làm 3 phần. Chế độ này cho phép bạn ghép nhiều tấm ảnh vào cùng một bức ảnh “sáng tạo: bạn có thể lựa chọn kích cỡ của sản phẩm cuối, số lượng ảnh gốc được đưa vào bức ảnh kết hợp. Bạn cũng có thể chọn 1 trong 3 loại “Fun Frame” (“khung hình vui nhộn”) để tạo ra những bức ảnh có thể in ngay lập tức. Sau khi lựa chọn loại khung hình, bạn có thể chụp lại các tấm ảnh gốc mới để kết hợp cho vừa ý mình.
Màn hình cảm ứng làm việc khá tốt song lại có vẻ hơi hạn chế. Màn hình này có nhiều công dụng, tùy thuộc vào chế độ chụp mà bạn sử dụng, song trong phần lớn các chế độ, tính năng của màn hình cảm ứng chỉ là chọn điểm lấy nét và nhấn cò. Trong chế độ iAuto, màn hình sẽ hiển thị một thẻ nhỏ ở phía bên trái, cho phép bạn chỉnh độ bão hòa màu, cân bằng màu, độ sáng, mức độ làm mờ nền (khẩu độ), khả năng thu lại chuyển động (tốc độ cửa trập) hoặc 1 số mẹo chụp ảnh. Màn hình cảm ứng không hỗ trợ nhiều trong việc lựa chọn menu, trên cả Quick Menu và trên menu chính. Khi mở giao diện Super Control Panel, bạn có thể chạm vào cài đặt mà bạn muốn thay đổi, song sau bước này màn hình cảm ứng chỉ đóng vai trò hiển thị mà thôi. Để thay đổi các tùy chỉnh, bạn sẽ phải nhấn nút Ok và sau đó sử dụng các nút điều hướng để thay đổi.
Thử nghiệm của Imaging Resources được tiến hành trên một phiên bản mẫu (phiên bản firmware 0.9), song trải nghiệm sử dụng là khá dễ chịu. Trong khi Stylus 1 không có khẩu độ f1.8 siêu nhanh khi chụp góc rộng như XZ-2, khẩu độ f/2.8 không thể thay đổi được của máy không quá xa so với khẩu độ f/2.5 của XZ-2 ở chế độ tele. Stylus 1 cũng có ống kính zoom 10.7x cho phép bạn đạt tiêu cự chuyển đổi lên tới 300mm. Trong khi chất lượng ảnh chụp của Stylus 1 chưa được kiểm nghiệm rõ ràng, có lẽ người dùng sẽ sẵn sàng giảm bớt khẩu độ một chút để đạt được tiêu cự cao tới như vậy. Một điểm hơi thiếu sót là Stylus 1 lẽ ra nên có tiêu cự chuyển đổi tối thiểu là 24mm thay cho 28mm, song đây cũng không phải là một vấn đề quá lớn.
Adapter CLA-13 và ống tele TCON-17X có thể nâng tiêu cự lên 510mm trong khi vẫn giữ khẩu độ f/2.8
Một trong những điểm đáng khâm phục nhất của Stylus 1 là máy rất nhạy: độ trễ khi nhấn cò là không đáng kể, bất kể là khi chụp góc rộng hoặc tele tối đa. Điều kì lạ là chụp tele nhanh hơn chụp góc rộng, khác hẳn với các mẫu máy khác. Ở thời điểm này, thông số phóng macro tối đưa chưa được công bố, song các biên tập viên của Imaging Resources khẳng định Stylus 1 chụp macro rất tốt. Tỉ lệ phóng to tối đa có vẻ đã xảy ra ở mức zoom 2.2x, và ảnh chụp được hiển thị rõ ràng 3 màu đỏ, xanh lá và xanh da trời trên MacBook Air 2013 11 inch.
Chế độ quay video của Stylus 1 không có gì đặc biệt. Bạn có thể nghe thấy tiếng zoom hoạt động trong khi đang quay phim. Stylus 1 cũng sẽ tự động lấy nét theo thời gian thực, dù thời gian lấy nét không quá nhanh. Đây không phải là một mẫu máy ảnh dùng để quay các hoạt động thể thao, mặc dù Stylus 1 có hỗ trợ quay phim tốc độ cao 120 khung hình/giây (640 x 480 pixel) hoặc 240 khung hình/giây (320 x 240 pixel).
Cũng giống như các mẫu máy ảnh có cảm biến tỉ lệ 4:3 khác, khi bạn quay phim HD hình ảnh đột ngột bị phóng to (thay đổi tiêu cự thực). Điều này có thể khiến bạn gặp lỗi khung hình khi quay phim, và thậm chí cũng không được khắc phục khi chuyển sang quay ở tỉ lệ 16:9. Tình trạng này không hề diễn ra khi bạn quay phim tốc độ cao.
Nhìn chung, trải nghiệm cầm tay và sử dụng Stylus 1 là rất dễ chịu. Hiện tại, model Stylus 1 được thử nghiệm mới là model mẫu, song rất có thể sản phẩm cuối cũng sẽ có chất lượng tương tự. Do có cảm biến nhỏ hơn, Stylus 1 có thể sẽ có chất lượng kém hơn Sony RX10, song lại có giá thành và kích cỡ dễ chịu hơn rất nhiều. Stylus 1 là một chiếc máy ảnh khá hoàn hảo để mang theo các chuyến đi. Nhìn chung, Stylus 1 hứa hẹn sẽ là một sản phẩm có sức cạnh tranh cao trong phân khúc thị trường của mình nhờ chất lượng ảnh chụp tốt, kích cỡ nhỏ và giá mềm.
Theo Vnreview