Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Điểm mạnh:
– Hiệu năng đồ họa cao.
– Tản nhiệt tốt.
– Lưng máy và thân bằng nhôm.
– Giá mềm.
Điểm yếu:
– Hơi cồng kềnh.
– Màn hình hơi tối.
– Loa âm lượng kém.
Càng ngày, giá thành của laptop màn hình cảm ứng chạy Windows 8 càng trở nên hấp dẫn. Sản phẩm laptop mới nhất của ASUS, chiếc VivoBook V451L là minh chứng điển hình cho xu hướng này. Với mức giá chỉ vào khoảng 699 USD (14,8 triệu đồng), VivoBook V451L sở hữu màn hình cảm ứng, vi xử lý Core i5, 4GB RAM, ổ cứng cơ 500GB kết hợp cùng ổ thể rắn 24GB. Thậm chí, ASUS còn cung cấp cả tùy chọn ổ DVD cho những người cần đọc/ghi loại đĩa khá “cổ” này.
Với cấu hình mạnh mẽ và giá khá “mềm” như vậy, liệu VivoBook V451L có thực sự là một sản phẩm đáng giá? Hãy tham khảo những đánh giá của LaptopMag để tìm ra câu trả lời thích hợp nhất.
Thiết kế
Thiết kế của VivoBook V451L có thể coi là đẹp, nhưng không có gì nổi trội. Lưng máy được làm bằng chất liệu nhôm đánh bóng màu xám đen với các đường vân dọc. Phía trên nắp máy có một đường gờ lên rất nhỏ, và logo ASUS được đặt ở giữa nắp màn hình.
Bao quanh bàn phím là phần thân làm bằng nhôm màu bạc khá chắc chắn. Bàn phím không bị đặt “chìm” như phần đông các mẫu máy khác mà “nổi” lên trên phần thân dưới. Phần đáy của VivoBook V451L sử dụng chất liệu nhựa màu đen quen thuộc.
Nút nguồn nằm ở góc trên bên trái của bàn phím, trong khi touchpad màu trắng ở phía dưới bàn phím có thể coi là chi tiết thiết kế nổi bật nhất của VivoBook V451L. Nhìn chung, thiết kế của VivoBook V451L hơi mờ nhạt so với các sản phẩm cạnh tranh như chiếc IdeaPad U430 Touch của Lenovo.
Với kích cỡ 34,8 x 24,1 x 2,54 cm, VivoBook V451L là một trong những sản phẩm dày và lớn nhất của phân khúc laptop cảm ứng 14 inch. Chỉ duy nhất chiếc Inspiron 14R (34,6 x 24,5 x 3,3 cm) của Dell dày hơn VivoBook V451L, trong khi cả IdeaPad U430 Touch (33,2 x 23,1 x 2,08 cm) và Toshiba Satellite E45T (34 x 23,3 x 2,03 cm) đều nhỏ và mỏng hơn VivoBook V451L.
Tuy vậy, cần phải chú ý rằng chỉ có VivoBook V451L có ổ đĩa quang, trong khi các model khác đều không có tùy chọn này. Với cân nặng 2,18 kg, VivoBook V451L cũng nặng hơn cả IdeaPad U430 (1,81 kg) và Satellite E45T (2 kg). Chiếc 14R của Dell vẫn là sản phẩm cồng kềnh nhất với cân nặng lên tới 2,27 kg.
Màn hình
Độ sáng màn hình của VivoBook V451L rất đáng thất vọng: 148 lux. Chiếc Satellite E45t cũng không hề sáng hơn, với độ sáng do LaptopMag đo được chỉ là 149 lux. IdeaPad U430 Touch (163 lux) và Inspiron 14R (172 lux) dù có độ sáng tốt hơn hẳn VivoBook V451L và Satellite E45t song cũng vẫn kém xa mức trung bình 210 lux của phân khúc laptop mỏng nhẹ.
Trong các sản phẩm cạnh tranh nói trên, chỉ có IdeaPad U430 Touch có màn hình 1600 x 900 pixel. Cả VivoBook V451L, Inspiron 14R và Satellite E45t đều sử dụng độ phân giải 1366 x 768 pixel quen thuộc trên các model tầm trung.
Mặc dù VivoBook V451L được trang bị công nghệ Splendid Technology cho phép chỉnh nhiệt độ màu, chiếc laptop này có màu tối không được ấn tượng cho lắm. Một bức ảnh chụp các chú vẹt vốn có màu sắc rất rực rỡ lại biến thành một bức hình nhòe nhoẹt thiếu sức sống. Cả màu xanh lẫn màu đỏ trong bức ảnh đều quá mờ nhạt và kém hấp dẫn.
Bù lại, các cử chỉ cảm ứng trên màn hình của VivoBook V451L khá nhạy và chính xác, ví dụ như cử chỉ kéo để zoom hoặc chuyển đổi giữa các ứng dụng. Góc nhìn của màn hình đủ rộng để bạn có thể chia sẻ cùng một người bạn khác.
Âm thanh
Bộ loa của VivoBook V451L được tích hợp công nghệ SonicMaster HD và Waves MaxxAudio 3. Bên cạnh đó, công nghệ phần mềm AudioWizard cũng được trang bị cho VivoBook V451L.
Tuy vậy, chất lượng loa của chiếc laptop này không được tốt như mong đợi. Trong bản nhạc Happy của ca sĩ Pharrel, âm thanh rất mỏng và âm lượng quá nhỏ để lấp đầy một căn phòng nhỏ. Keyboard bị vỡ tiếng, trong khi giọng hòa âm lại bị tách biệt quá mức. Phần âm bass bị mất hoàn toàn, khiến cho tiếng snare là âm thanh duy nhất mà các biên tập viên của LaptopMag có thể nghe thấy từ bộ gõ.
AudioWizard có nhiều tùy chọn cài đặt sẵn, bao gồm Music (Nhạc), Movie (Phim) và Gaming (Trò chơi). Theo LaptopMag, tùy chọn Gaming đem lại trải nghiệm âm thanh tốt nhất trong số 3 tùy chọn này. Tùy chọn Movie quá tập trung vào giọng hát còn tùy chọn Music lại thiếu sức sống hơn 2 tùy chọn còn lại. Việc tắt AudioWizard sẽ khiến trải nghiệm loa nói chung trở nên rất khó chịu.
Âm lượng của VivoBook V451L khi đo từ khoảng cách 60 cm là 73 decibel, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 82 db của phân khúc laptop mỏng nhẹ. Satellite E45t cũng chỉ đạt 73 db, trong khi Inspiron 14R đạt tới 81 db còn IdeaPad U430 Touch đạt 90 db.
Bàn phím
VivoBook V451L có bàn phím Chiclet (phím vuông, các góc bo tròn) kích cỡ khá lớn với bố cục phím khá rộng rãi. Các phím có kích cỡ lớn và phản hồi lực khá tốt. Độ sâu của phím khi nhấn không được tốt, song tốc độ gõ phím của LaptopMag khi thử nghiệm VivoBook V451L lên tới 58 từ/phút, cao hơn mức trung bình 55 từ/phút.
Touchpad
Touchpad kích cỡ khá lớn (10 x 7cm)của VivoBook V451L đem lại trải nghiệm sử dụng khá thoải mái khi thực hiện các cử chỉ cảm ứng quen thuộc như cuộn bằng 2 ngón hay kéo để zoom. Cũng giống như phần lớn các mẫu laptop khác của ASUS, VivoBook V451L có bảng điều khiển Smart Gesture để tùy biến các cử chỉ cảm ứng đa điểm. Tất cả các cử chỉ cảm ứng trên Windows 8 đều rất mượt và chính xác.
Hai phím chuột của VivoBook V451L đều được gắn liền trên bề mặt của touchpad nhưng vẫn tạo ra phản hồi lực khá chắc chắn.
Tản nhiệt
Trong thử nghiệm của LaptopMag, sau khi chiếu video Hulu trong vòng 15 phút, touchpad của VivoBook V451L đạt nhiệt độ 27,8 độ C; hàng phím giữa đạt 29,4 độ C còn thân dưới của máy đạt 31,7 độ C. Cả 3 vị trí này đều có nhiệt độ thấp hơn 35 độ C – mức có thể gây khó chịu cho người dùng.
Webcam
Webcam của VivoBook V451L có thể quay video ở độ phân giải HD 720p thông qua ứng dụng camera tích hợp trên Windows 8.1. Hình chụp của VivoBook V451L có lượng chi tiết khá tốt, ví dụ như những đường len trên áo. Tuy vậy, màu sắc của hình ảnh qua webcam không được trung thực: màu xanh lá cây của chiếc tai nghe bị ngả vàng trong hình ảnh.
Kết nối
Ở cạnh bên phải của VivoBook V451L là đầu đọc DVD, cổng USB 2.0, đầu đọc thẻ SD và cổng cắm tai nghe/microphone kết hợp. Bên trái của máy là cổng HDMI, cổng LAN (Ethernet), khe khóa Kensington, khe cắm dây nguồn và 2 cổng USB 3.0.
Hiệu năng
Vi xử lý Intel Core i5-4200U xung nhịp 1.6 GHz và dung lượng RAM lên tới 6GB của VivoBook V451L hứa hẹn sẽ không khiến bạn phải thất vọng. VivoBook V451L có thể vừa chơi video trên Netflix, vừa mở 8 tab trên Firefox, Chrome và Internet Explorer, đồng thời quét hệ thống mà không bị chậm, giật.
Điểm số của VivoBook V451L trên PCMark 7 là 2.782, cao hơn mức 2.417 của Inspiron 14R (sử dụng vi xử lý Core i3-4010U 1.7 GHz). Tuy vậy, cả IdeaPad U430 Touch (3.785) và Satellite E45t (4.316) đều vượt xa VivoBook V451L, dù cả 2 model cạnh tranh này cũng chỉ sử dụng Core i5-4200U.
Ổ cứng cơ của VivoBook V451L có tốc độ khá chậm. Chiếc laptop của ASUS phải mất tới 33 giây mới có thể khởi động xong Windows 8, chậm hơn hẳn 10 giây so với mức trung bình của phân khúc laptop mỏng nhẹ. Satellite E45t với ổ SDD mSATA 32GB kết hợp với HDD 750GB 5400 vòng/phút có thời gian khởi động vừa bằng mức trung bình (23 giây), trong khi Inspiron 14R chỉ mất 17 giây. IdeaPad U430 Touch khởi động nhanh nhất: 16 giây.
Trong thử nghiệm copy file, VivoBook V451L mất 3 phút 38 giây để copy 4,97GB dữ liệu. Tốc độ của VivoBook V451L là 23 MB/giây, chậm hơn cả Satellite E45t (28 MB/giây), IdeaPad U430 Touch (29 MB/giây) và Inspiron 14R (30 MB/giây).
Trên OpenOffice Spreadsheet, VivoBook V451L mất 5 phút 18 giây để ghép 20.000 tên vào địa chỉ. Satellite E45t chậm hơn một chút với thời gian 5 phút 20 phút, trong khi IdeaPad U430 Touch chỉ mất 5 phút 11 giây.
Đồ họa
Với đồ họa tích hợp Intel HD, VivoBook V451L chỉ có thể giúp bạn chơi các game casual như Candy Crush Saga trên trình duyệt. Các game có đồ họa nặng như Bioshock Infinite hay Crysis 3 hiển nhiên nằm ngoài tầm với của VivoBook V451L.
Điểm số của VivoBook V451L trên 3DMark IceStorm Extreme là 31.215, cao hơn mức trung bình 30.311. Dù cũng có đồ họa tích hợp Intel HD song IdeaPad U430 Touch chỉ đạt 21.339 điểm, trong khi Inspiron 14R đạt 20.836. Với đồ họa Mobile Intel HD, Satellite E45t đạt điểm số 23.907.
Ở độ phân giải 1366 x 768 pixel, trò chơi World of Warcraft đạt 42 khung hình/giây. Cả VivoBook V451L, Satellite E45t (36 khung hình/giây) và Inspiron 14R (34 khung hình/giây) đều vượt qua mức 30 khung hình/giây – mức tối thiểu để mang lại trải nghiệm game chấp nhận được. Chiếc IdeaPad U430 đạt 35 khung hình/giây ở độ phân giải 1366 x 768 pixel và 29 khung hình/giây ở độ phân giải mặc định 1600 x 900 pixel.
Ở tùy chỉnh tối đa, VivoBook V451L tụt xuống còn 22 khung hình/giây. Satellite E45t chỉ đạt 17 khung hình/giây, Inspiron 14R tụt xuống 14 khung hình/giây. IdeaPad U430 Touch đạt 14 khung hình/giây ở độ phân giải 1366 x 768 pixel và 13 khung hình/giây ở độ phân giải mặc định.
Pin
Trong thử nghiệm lướt web qua Wi-Fi ở độ sáng màn hình 40%, VivoBook V451L đạt 6 giờ 54 phút, thấp hơn mức trung bình 6 giờ 56 phút một khoảng không đáng kể. Tuy vậy, tất cả các sản phẩm cạnh tranh đều có thời lượng pin tốt hơn rất nhiều: Satellite E45t đạt 8 giờ 06 phút; IdeaPad U430 Touch đạt 8 giờ 26 phút còn Inspiron 14R thậm chí còn đạt gần 9 giờ liên tục (8 giờ 57 phút).
Phần mềm
VivoBook V451L được ASUS trang bị một số phần mềm khá hữu ích. Ứng dụng ASUS Installation Wizard cho phép người dùng lựa chọn ứng dụng và driver để cài đặt. Công nghệ Splendid Technology cho phép bạn lựa chọn độ sáng và độ bão hòa của màu sắc.
VivoBook V451L cũng có giao diện VivoBook Tile khá giống với các ô Live Tile của Windows 8 và Windows Phone. Từ giao diện này, người dùng có thể truy cập vào Control Panel hoặc My Computer hoặc xem các thông tin về hệ thống, thay đổi độ sáng và âm lượng. Cho dù khá tiện dụng nhưng bạn có thể điều chỉnh phần lớn các tùy chọn mà VivoBook Tile cung cấp ở các phần khác trên Windows.
Ứng dụng Power 4 Hybrid cho phép người dùng tạo ra các tùy chỉnh điện năng riêng, tùy thuộc tình trạng đang cắm pin hay sử dụng sạc. MyBitcast cho phép bạn đồng bộ ghi chú với tài khoản ASUS WebStorage. Người mua VivoBook V451L sẽ được tận hưởng 32GB miễn phí trên dịch vụ WebStorage trong vòng 3 năm.
Các ứng dụng của bên thứ 3 bao gồm Netflix, Fresh Paint, Music Maker Jam, Kindle, Adobe Reader X và một bản dùng thử của Microsoft Office 365 trong vòng 30 ngày.
Kết luận
Ở tầm giá 699 USD (14,8 triệu đồng; giá gốc tại Mỹ), bạn có thể lựa chọn những chiếc laptop có pin tốt hơn, màn hình sắc nét và sáng hơn, thiết kế đẹp hơn như IdeaPad U430 Touch hoặc Inspiron 14R. Nếu DVD là một yêu cầu bắt buộc của bạn, VivoBook V451L sẽ là sản phẩm bạn nên lựa chọn. Tuy vậy, trong khi VivoBook V451L còn nhiều thiếu sót thì chiếc laptop này vẫn là một sản phẩm có thể đáp ứng được các nhu cầu cơ bản một cách khá toàn diện.
Có thể nói rằng VivoBook V451L giống như một chiếc xe hơi hạng trung. Chiếc xe này sẽ đưa bạn đến bất kì nơi nào bạn muốn, song tốc độ của nó không quá nhanh và ngoại hình của nó cũng không quá nổi bật. Dù sao, thân nhôm của VivoBook V451L cũng tạo ra cảm giác khá dễ chịu, vi xử lý Core i5 có đủ sức mạnh để thực hiện các công việc văn phòng, trong khi đồ họa tích hợp của VivoBook V451L có sức mạnh đáng ngạc nhiên. Thời lượng pin của VivoBook V451L cũng là đủ dùng, và máy cũng tỏa rất ít nhiệt khi hoạt động.
Theo Vnreview