Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Thiết kế
Nhìn chung thì thiết kế của Microsoft Surface Pro 6 không có nhiều thay đổi so với trước đây, chúng ta vẫn có một chiếc máy tính bảng lai laptop với màn hình 12,3 inch độ phân giải 2736 x 1824. Chất lượng hiển thị khá ấn tượng, màu sắc hài hòa chứ không quá rục rỡ như nhiều màn hình khác. Máy tính có độ hoàn thiện cao cấp, khung vỏ bằng hợp kim Magie-Nhôm. Sơn phủ cao cấp, tạo cảm giác thân thiện khi cầm trên tay. Các chi tiết, khớp nối, bản lề được làm rất chắc chắn và vững chãi ở mọi tư thế sử dụng.
Tuy nhiên, thiết kế có một điểm trừ lớn đó là viền màn hình vẫn rất dày. Đi ngược lại với xu thế 2018 là tràn viền trên mọi thiết bị, khiến cho khi bật máy lên có cảm giác ‘kém sang’ đi một chút. Còn lại rất ổn.
Mặt sau của máy thì chúng ta vẫn có logo Microoft dạng sáng bóng. Một phần chân để để điều chỉnh độ nghiêng khi nằm trên bàn, điều mình khá thích ở Surface Pro 6 so với những chiếc máy tính bảng khác vốn cần phải thêm phụ kiện hoặc dùng bàn phím để chống lên. Phần bản lề của chân đế vẫn được hoàn thiện khá chắc chắn. Cạnh phía trên vẫn có camera sau cùng mic.
Màn hình
Màn hình được giữ nguyên từ phiên bản năm 2017. Cùng tấm nền của LG, màn hình này cho khả năng hiển thị rất tốt với nhu cầu chỉnh sửa ảnh bán chuyên trở xuống. Màu sắc màn hình trung thực, khả năng thể hiện màu tốt (99% sRGB, 63% AdobeRGB), độ sáng cao (400 NITS), độ tương phản cao (~1400:1).
Cấu hình – Hiệu năng
Về cấu hình thì chúng ta có một chiếc máy chạy Intel Core i5 thế hệ thứ 8, cho hiệu năng cao hơn, tiết kiệm điện và ít sinh nhiệt hơn trong quá trình sử dụng so với các thế hệ trước, RAM 8GB, D 128GB, máy được cài sẵn Windows 10, Wifi, Bluetooth 4.1.
Trải nghiệm cho thấy cấu hình này đủ để làm việc với ứng dụng Office, các file tính nặng, công việc đồ họa. Ngoài ra, với card đồ họa tích hợp Intel Graphics UHD 620, máy có khả năng giải trí nhẹ bằng các tựa game eSport ở Setting thấp.
Tuy nhiên, với các tác vụ đòi hỏi sự ổn định về hiệu suất tối đa trong thời gian dài (VD: Render video) thì hiệu năng của máy sẽ không giữ được ở mức cao, máy sẽ tự động hạ xung nhịp xuống để đảm bảo về khả năng tản nhiệt cho hệ thống. Mặc dù cũng sẽ ít ai dùng để render với chiếc Surface Pro 6.
Loa – Âm thanh
Loa là một điểm cộng của Microsoft Surface Pro 6, âm lượng to và rõ ràng mặc dù đây chỉ là chiếc tablet tất cả trong một. Chất lượng âm thanh tốt, đủ để sử dụng nhu cầu công việc hàng ngày, cho trải nghiệm tốt. Thể hiện được sự cao cấp của sản phẩm.
Tản nhiệt
Nhiệt lượng tỏa ra không đáng quan tâm quá nhiều bởi thực chất đây là chiếc máy tính bảng nhưng mang sứ mệnh của một chiếc laptop đa dụng, có thể dùng thay bàn vẽ. Và do nó có một điểm lợi thế, đó là việc bàn phím tách rời, vì vậy khi sử dụng như một chiếc laptop thì sẽ không bị nóng ở phần kê tay như laptop thông thường, do mọi thứ đều đặt trên màn hình. Khi hoạt động với công việc cường độ cao, thời thiết khoảng 30 độ C, thì nhiệt độ khu vực nóng nhất ghi nhận được là trên 40 độ C.
Kết nối
Cổng kết nối là một điểm hạn chế khá lớn của Surface Pro 6, chỉ có 1 USB Type A, 1 Mini Displayport và 1 khe thẻ MicroSD. Không có khe thẻ SD cũng không có USB Type-C. Sẽ rất khó chịu nếu bạn thường xuyên phải truyền tải dữ liệu bên ngoài thông qua các kết nối vật lý này. Dù có mua Hub thì cũng sẽ bị hạn chế do cổng kết nối quá ít, lại không có cổng kết nối xịn như Thunderbolth 3. Ngoài ra có thêm jack audio mic.
Đánh giá chung
Microsoft Surface Pro 6 là một giải pháp cực hay dành cho những người có nhu cầu về một chiếc máy tính đa dụng, có khả năng vẽ vời bằng bút lên màn hình, yêu cầu một cấu hình tương đối ổn để xử lý mọi công việc văn phòng, đồ họa 2D. Mức giá của nó dao động từ 28 – 72 triệu tùy cấu hình.