Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Thiết kế
A4Tech Bloody B820R có layout Fullsize 104 phím chuẩn ANSI phổ thông, dễ dàng trong việc sử dụng các công việc văn phòng thường ngày liên quan đến nhập liệu và cả nhu cầu chơi game. Ngoại hình của nó mình đánh giá là gọn gàng, na ná chiếc DareU EK1280 hay Rapoo V500.
Font chữ trên chiếc A4Tech Bloody B820R sẽ được hướng theo phong cách hiện đại với các đường đứt đoạn ở một số ký tự, nói thêm về khả năng xuyên LED thì mình thấy các ký tự ở đây thể hiện đèn LED rất khá, đồng đều và sáng rõ, không bị mờ.
Đối với những ai hay sử dụng các phần mềm nghe nhạc như Foobar v.v.. thì nhà sản xuất cũng trang bị đầy đủ cụm phím Multimedia với các chức năng cơ bản để thao tác trực tiếp dễ dàng hơn. Ngoài ra thì chúng ta cũng sẽ có thêm nút F8 với chức năng khoá phím Windows để không bị bấm nhầm trong quá trình chơi game.
Một điểm đặc biệt một chút trên chiếc A4Tech B820R đó là vị trí đèn báo các nút CAPSLOCK, SCROLL LOCK hay NUMLOCK sẽ nằm ở trên các phím INSERT, HOME v.v.. thay vì ở phía góc trái bên trên cụm phím số như thông thường, khá lạ mắt.
Hệ thống Led
Bloody B820r được trang bị led nhưng đáng tiếc chỉ là rainbow mà không phải RGB. Để điều chỉnh các hiệu ứng đèn LED mà không cần phải sử dụng trình điều khiển thì chúng ta sẽ sử dụng tổ hợp phím FN + F12 với tổng cộng là 6 hiệu ứng màu được nhà sản xuất cài đặt sẵn trên phím.
Nếu như đã cài đặt trình điều khiển thì bạn sẽ có thể chuyển đổi thêm được thêm 4 kiểu hiệu ứng màu, với tổng cộng là 10 hiệu ứng, thông qua tổ hợp phím từ FN + 1 – 9. Có một điều hơi đáng tiếc là nếu tắt trình điều khiển đi thì bạn sẽ lại chỉ có thể thay đổi hiệu ứng LED qua phím FN + F12 chứ không sử dụng thao tác FN + hàng số 1 đến 9 nữa.
Switch – Keycap
Switch của chiếc A4Tech Bloody B820R được sử dụng ở đây sẽ là kiểu quang học có TACTILE (Khấc cản) tương tự như Blue Switch, tuổi thọ phím theo như hãng đưa ra rất đáng ngạc nhiên, lên tới 100 triệu lần nhấn phím, ngoài ra thì B820R cũng có khả năng hot swap (thay nóng phím) cho các switch trong trường hợp 1-2 switch bị hỏng thì có thể thay thế dễ dàng hơn.
Chất liệu Keycap vẫn sẽ là nhựa ABS xuyên LED, hãng cũng đã cách điệu một chút cho Keycap của chiếc bàn phím này với các đường góc cạnh phía dưới giúp tăng độ hầm hố tổng thể. Đối với những người yêu thích việc thay đổi ngoại hình cho chiếc bàn phím thân yêu của mình thì hãng A4Tech cũng không quên tặng kèm một bộ Keycap xuyên LED cho các nút chính gồm WASD và QERF có màu cam rất nổi bật.
Trải nghiệm thực tế
Bàn phím cho cảm giác gõ khá tương đồng với những chiếc bàn phím cơ sử dụng Switch quang học mà mình đã thử trước đây, lực nhấn nhẹ nhàng, tiếng clicky khá to, rõ ràng.
Đèn LED sáng khá rõ ràng kể cả trong điều kiện ánh sáng thông thường như văn phòng làm việc của công ty, vào buổi tối sẽ rực rỡ nữa, một phần do thiết kế phím nổi lên trên mặt plate giúp hắt ánh sáng tốt hơn.
Trình điều khiển của A4Tech Bloody B820R cũng khá đơn giản, bạn có thể thay đổi các tổ hợp phím hiệu ứng đèn LED và Macro v.v… Ngoài ra thì hãng cũng cho phép người dùng nhập/xuất các profiles từ những người sử dụng khác.
Lời kết
A4Tech Bloody B820R hiện đang được bán với mức giá 1.850.000Đ. Ưu điểm của nó là có thiết kế gọn gàng, đẹp mắt và sang trọng, switch quang học loại bỏ hoàn toàn độ trễ, dễ dàng thay thế switch. Ở tầm giá này, Bloody B820r có thể xem như một điểm sáng của toàn bộ phân khúc. Và nếu được trang bị thêm RGB, font chữ in đẹp hơn thì chắc chắn A4Tech Bloody B820r sẽ gần như trở thành vô đối ở phân khúc này.