Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
1. Những điều thú vị về bánh tét 3 màu
Cùng với bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền là bánh tét với hình dạng thon dài không thể thiếu trong mâm cơm. Bánh tét cũng có nhiều loại như bánh tét truyền thống với nếp và nhân đậu thịt giống bánh chưng, hay ở miền Tây có bánh tét Long An, bánh tét lá cẩm, bánh tét nhân sâm, bánh tét 3 màu (bánh tét tam sắc) và nổi tiếng nhất là bánh tét 3 màu ở Trà Cuôn, Trà Vinh. Không đơn thuần là một món bánh ăn trong ngày Tết, bánh tét tam sắc 3 màu có quanh năm đã trở thành đặc sản và mang lại thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình ở Trà Cuôn, thậm chí được xuất ngoại.
Khác với bánh tét truyền thống phần vỏ nếp bên ngoài chỉ có một màu xanh nhạt của lá dong hoặc lá chuối, bánh tét tam sắc đúng như cái tên của nó là phần nếp có 3 màu xanh – cam – tím hòa quyện. Đặc biệt phần nếp màu xanh của bánh tét 3 màu không phải từ lá dứa mà là dùng lá bồ ngót (lá rau ngót) xay nhuyễn vắt lấy nước để tạo màu và mùi thơm khác biệt. Hai màu còn lại là màu cam và màu tím lần lượt lấy từ gấc và lá cẩm. Tất cả đều là những “chất tạo màu từ thiên nhiên” cực kỳ dân dã, gần gũi với cuộc sống người dân miền Tây.
Nếp được chọn làm bánh tét 3 màu Trà Vinh thường là nếp sáp Long An có độ dẻo và bảo quản được lâu. Đậu xanh làm bánh là loại đậu hạt to, tròn đều được đãi sạch vỏ rồi nấu chín. Thịt ba chỉ gói bánh được cắt thành miếng dài khoảng 7-8cm rồi tẩm ướp với các gia vị quen thuộc như muối, đường, hành lá, ngoài ra còn có thêm trứng muối và tôm khô (tùy nơi). Bánh thành phẩm sau khi nấu không chỉ đẹp mắt mà còn thơm, dẻo, vỏ bánh và nhân bánh hòa quyện cùng hương vị đặc trưng từ các nguyên liệu khiến người ta khó quên.
Bánh tét tam sắc trong ngày đầu năm mới làm người ta liên tưởng ngay tới hình ảnh gia đình quây quần, sum họp. Nhiều người còn cho rằng màu sắc sặc sỡ của bánh sẽ mang đến như ý, tài lộc và may mắn.
2. Cách gói bánh tét 3 màu Trà Vinh
Gây ấn tượng với màu sắc đẹp mắt và hương vị đặc trưng nhưng không phải ai cũng có cơ hội được thưởng thức món bánh tét Trà Vinh 3 màu chính gốc. Thay vào đó bạn có thể học cách gói để gia đình thưởng thức và cho mâm cơm ngày Tết thêm rực rỡ.
2.1. Chuẩn bị nguyên liệu gói
Dù là làm loại bánh nào thì khâu chuẩn bị nguyên liệu cũng rất quan trọng vì nó quyết định chất lượng của thành phẩm sau này. Nguyên liệu của bánh tét tam sắc miền Tây bạn cần chuẩn bị gồm:
- Gạo nếp
- Đậu xanh không vỏ
- Thịt nạc heo, mỡ lưng heo
- Trứng vịt muối
- Lá chuối
- Rau ngót, lá cẩm, gấc
- Hành lá
- Gia vị: đường, muối, tiêu, hạt nêm
- Dây lạt
2.2. Các bước sơ chế và cách gói chi tiết
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Vo sạch gạo nếp rồi ngâm trong 8 tiếng và để cho ráo nước.
- Lá rau ngót rửa sạch, mang đi xay rồi vắt lấy nước và trộn đều vào một phần gạo để tạo màu xanh.
- Lá cẩm làm tương tự rồi trộn với một phần nếp để tạo màu tím.
- Gấc không xay nhuyễn mà bóc ra lấy hột để tạo màu đỏ.
- Đậu xanh rửa sạch rồi ngâm khoảng 4 tiếng cho mềm.
- Thịt nạc và mỡ lưng heo rửa sạch rồi cắt thành từng miếng dài khoảng 7-8cm, sau đó ướp chung với các gia vị như muối, tiêu, hạt nêm và hành lá trong khoảng 30 phút.
- Lấy lòng đỏ trứng muối riêng ra rồi cắt đôi.
- Lá chuối cần chọn loại bản to, không bị rách sau đó rửa sạch thật kỹ và lau khô.
Bước 2: Sên nhân đậu xanh
Đậu xanh sau khi ngâm thì đem đi nấu cùng với đường, sên cho đến khi sệt lại và để cho nguội.
Bước 3: Làm nhân bánh tét tam sắc
Đây cũng là điểm đặc biệt hơn ở bánh tét Trà Cuôn so với bánh tét truyền thống khi phần nhân sẽ được làm riêng trước và có nhiều thành phần hơn. Đầu tiên bạn dàn đều một lớp đậu xanh khoảng 20cm, tiếp đến đặt miếng thịt và khoảng 4 miếng trứng muối lên rồi cuộn chắc tay tất cả lại với vỏ là phần đậu.
Bước 4: Tiến hành gói bánh
Gói bánh tét 3 màu không cần đến khuôn và chủ yếu là sự khéo léo của đôi tay. Trước hết bạn đặt 2-3 lớp lá chuối xen kẽ nhau rồi múc lần lượt các màu gạo nếp, dùng tay nắn và dàn thành hình chữ nhật nằm cạnh nhau sao cho phần nếp tạo thành một hình vuông trên bề mặt lá chuối. Sau đó chỉ cần cho nhân đã cuộn lên rồi nhanh tay cuộn tròn để nhân không bị lòi ra ngoài.
Bẻ một đầu lá gập lại rồi dựng bánh lên, thêm một chút nếp bên trên rồi dùng tay nắn cho chặt bánh, dùng thêm 2 miếng lá chuối nhỏ đặt theo hình chữ thập để bịt đầu bánh lại. Cuối cùng là quấn bánh bằng dây lạt như gói bánh tét truyền thống.
3. Cách nấu bánh tét 3 màu
Những đòn bánh tét 3 màu sau khi đã được gói sẽ xếp vào nồi to. Sau đó đem đi luộc trên bếp củi lửa lớn trong khoảng 8-10 tiếng để bánh được chín đều. Một đòn bánh tét tam sắc Trà Vinh ngon, chất lượng sẽ để được từ 5-7 ngày tùy điều kiện thông thường và lâu hơn khi được hút chân không.
Thành phẩm cho ra bánh màu sắc tươi tắn, rực rỡ xanh – cam – tím cùng phần nhân hương vị đặc trưng của đậu, thịt, trứng muối kết hợp. Bạn có thể ăn kèm với thịt kho hột vịt hoặc thêm củ kiệu chua ngọt để giải ngấy.
Tự gói bánh tét 3 màu thì hương vị không thể chuẩn như người Trà Cuôn, Trà Vinh gói nhưng rất thú vị và làm phong phú thêm món ăn ngày Tết. Tốt nhất là nếu có dịp về Trà Vinh, bạn hãy thưởng thức món bánh tét miền Tây nức tiếng này.