Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Với chiếc Redmi Note có cấu hình và giá bán như thế, Xiaomi đủ sức đọ với cả các đại gia quốc tế như Samsung, LG, Nokia, HTC, Sony… chứ đừng nói đến hàng mác Việt còn “chân yếu tay mềm” chưa đủ lực làm chuyện lớn. Sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc có điều kiện thuận lợi để làm rẻ, vì họ có một thị trường đến hơn 1,3 tỉ dân, lượng sản xuất lớn san sẻ ra giúp cho giá thành trên mỗi sản phẩm giảm xuống rất nhiều. Đây cũng là thứ “vũ khí” lợi hại có ưu thế cạnh tranh trên toàn cầu của hàng hoá và sản phẩm Trung Quốc gây sức ép đến ngột ngạt đối với cả các thương hiệu Mỹ và Châu Âu.
Khách quan mà nhận xét, do giá rẻ nên thương hiệu Xiaomi dù chưa lan tỏa rộng ra toàn cầu nhưng tại Trung Quốc nó đã rất quen thuộc. Theo nghiên cứu của hãng Canalys quí I/2014 vừa qua, Xiaomi chính là thương hiệu smartphone bán chạy thứ 3 tại Trung Quốc và cũng lần đầu tiên thương hiệu này lọt vào Top 10 nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.
Lẽ ra, với một thương hiệu cũng gọi là có tiếng như vậy, người tiêu dùng không cần phải lo lắng khi mua điện thoại Xiaomi. Tuy nhiên, những ai đã trót mua Redmi Note có lý do để lo ngại khi các thành viên của diễn đàn công nghệ IMA Mobile (Hồng Kông) phát hiện rằng smartphone Redmi Note được cài đặt sẵn những ứng dụng chạy ngầm và tự động gửi các thông tin cá nhân như tin nhắn, hình ảnh hoặc các tập tin đa phương tiện đến máy chủ đặt tại Trung Quốc. Ngay sau đó, Công ty An ninh mạng Bkav cũng đã phân tích, mổ xẻ Redmi Note và đưa ra kết luận rằng có bằng chứng cho thấy chiếc điện thoại của Xiaomi đã gửi số điện thoại của người dùng đến máy chủ của Xiaomi.
Người dùng Việt thời gian gần đây bị ám ảnh bởi những ứng dụng chạy ngầm tự động gửi tin nhắn. Dư âm vụ Công ty IMMC tại Hà Nội lập “chợ nội dung số mmoney.vn” để đẩy các “ứng dụng đen” vào điện thoại di động từ đó vận hành cơ chế tự động gửi tin nhắn từ thuê bao di động đến đầu số tính phí ngầm “móc túi” người tiêu dùng với tổng số tiền “nhặt bạc cắc” mà lên đến 9 tỉ đồng. Trường hợp Xiaomi vấn đề còn trở nên nghiêm trọng hơn khi Bkav phát hiện ra rằng “ngay cả khi người dùng có lựa chọn tắt tính năng User Experience Program (thống kê, thu thập thông tin hoạt động cá nhân của người sử dụng) thì máy vẫn gửi dữ liệu về máy chủ“. Bkav cho rằng “nhiều khả năng, quá trình này đã được tích hợp sâu vào firmware của thiết bị, nghĩa là người dùng không thể gỡ bỏ chúng”.
Những cáo buộc về việc Redmi Note “theo dõi người dùng” dù một chiều nhưng cho thấy rất rõ là có cơ sở, song lời giải thích từ hãng Xiaomi lại chưa thực sự thuyết phục người tiêu dùng, đặc biệt là khách hàng của Xiaomi ở thị trường hải ngoại. Xiaomi thừa nhận Redmi Note tự động tải dữ liệu lên máy chủ song không gửi thông tin cá nhân mà chỉ gửi thông tin về hoạt động của người dùng để qua đó giúp cải thiện chất lượng sản phẩm. Làm sao người tiêu dùng biết được Redmi Note chỉ gửi thông tin về hoạt động của người dùng mà không gửi thông tin cá nhân? Ngay cả khái niệm “thông tin về hoạt động của người dùng” cũng rất chung chung và trừu tượng chứ chưa được định nghĩa hay khu biệt cụ thể và rõ ràng. Và trên thực tế nếu hãng này “nói một đằng làm một nẻo” thì người tiêu dùng bình thường cũng khó biết được, hoặc khi biết được thì sự cũng đã rồi…
Giao thương rộng mở hay “bước ra biển lớn” luôn là khát vọng chính đáng và đáng trân trọng của doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp Việt. Ở đây không hề có ý đồ chính trị hoá vấn đề kinh tế hay công nghệ, bởi vụ tai tiếng “theo dõi người dùng” của Xiaomi đã bị phát hiện và được thừa nhận, và chính điều đó đã trở thành một vết ố trên “thương hiệu đang trỗi dậy” Xiaomi. Trỗi dậy mà lại cài theo các hoạt động ngầm gửi thông tin về máy chủ thì thực sự đáng quan ngại đối với người dùng nơi nơi.
Theo lẽ thường khi nhà sản xuất cài đặt ứng dụng chạy ngầm vào trong sản phẩm bán ra thị trường để sau đó vận hành các ứng dụng này theo một cơ chế xâm phạm đến quyền lợi/lợi ích/thông tin cá nhân của khách hàng mà không hề có sự thông báo hay xin phép thì việc làm đó không khác một sự gài bẫy. Việc gài bẫy ứng dụng “móc túi” người dùng còn có thể thấy được mục đích và đo lường được hậu quả chứ còn việc gài bẫy thu thập thông tin cá nhân thì thật khó lường vì khó biết được mục đích rõ ràng của hành vi đó. Hành vi tai tiếng của Xiaomi vẫn đang trong một góc khuất của sự không minh bạch và vết ố Redmi Note chắc sẽ không dễ phai đối với người tiêu dùng tại các thị trường mà vốn dĩ lâu nay đã gặp không ít vấn đề về chất lượng/phẩm cấp của hàng hoá Trung Quốc.
Người tiêu dùng Việt cũng như tại một số quốc gia khác lâu nay có phần dị ứng với phẩm chất hàng hóa và sản phẩm của Trung Quốc nhưng hầu hết là đối với các sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm. Bây giờ với “vết ố Redmi Note” khiến sự thận trọng và dè chừng đã lan sang cả lĩnh vực kĩ thuật công nghệ. Vụ tai tiếng này chẳng khác nào một barie do chính Xiaomi dựng lên tự ngăn cản hành trình vào thị trường các nước trong đó có thị trường Việt Nam mà Xiaomi đang tính tới.
Đến đây thì sự “sực tỉnh” của “thượng đế” cũng có thể đi đến một đúc kết: “Tiền nào của nấy” là chuyện thường tình. Nhưng đáng nói hơn là trong nhiều chuyện thường tình lại có những thứ rất khó lường về hiểm hoạ. Redmi Note có thể là một “của” như vậy.
Theo Vnreview