Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Là tượng đài của làng tai nghe true wireless in-ear, AirPods của Apple luôn gặp thách thức từ nhiều thương hiệu lớn nhỏ với đủ loại kiểu dáng, mẫu mã, đặc tính khác nhau. Tuy nhiên, vị thế của AirPods vẫn ở đó, và chưa thực sự có một cặp TWS nào hạ bệ được họ trên thị trường. Nhưng hiện tại, có vẻ Apple sẽ cần dè chừng khi mà một thương hiệu âm thanh lão làng khác – Marshall – đã tham gia cuộc đua giành ngôi với mẫu Minor 3.
Ngoại hình Marshall Minor 3 rất giống AirPods, nhưng sang trọng hơn nhiều
Từ ngoại hình sản phẩm, có thể thấy Marshall đã ‘vay mượn’ ý tưởng của tai nghe AirPods 1 và Airpods 2. Nhưng sự khác biệt cũng là thứ chúng ta dễ dàng nhìn ra được.
Đầu tiên và quan trọng nhất, case sạc của nó được phủ lớp giả da màu đen sần, logo Marshall màu trắng in ở mặt trước nổi bật. Mặc dù hình thức không khác gì case sạc của Airpods nhưng rõ ràng về mặt thẩm mỹ Minor 3 hoàn toàn ăn đứt đối thủ. Nằm ở mặt sau là một chấm đèn LED nhỏ để hiển thị trạng thái sạc pin, đèn sẽ sáng lên ngay khi bạn mở nắp hoặc nhấn nút ở đáy hộp. Mặt đáy hộp là cổng sạc USB-C và nút ghép nối bluetooth.
Về tai nghe, mặt dù cùng có thiết kế dạng thanh nhưng Minor III vẫn tạo được sự khác biệt. Thanh rộng hơn và ngắn hơn, buồng âm lớn hơn và phần cuống cũng dài hơn một chút. Ngoại hình của nó cũng rất sang trọng với lớp phủ màu đen vằn vện ở phần cuống, ở trên là lớp sơn đen mờ với logo ‘M’ màu trắng.
Trọng lượng của cặp tai nghe này chỉ 4g mỗi bên, rất nhẹ nhàng và đeo trong thời gian dài cũng không gây áp lực lên tai. Ngoài ra nó còn có tiêu chuẩn chống nước IPX4, không quá xuất sắc so với nhiều tai nghe true wireless hiện nay nhưng nên nhớ rằng đối thủ của nó thậm chí còn không có tiêu chuẩn chống nước nào.
Marshall Minor 3 có những tính năng gì?
Ghép nối Minor 3 rất đơn giản, nó hỗ trợ Google Fast Pair nên chỉ cần đặt cạnh thiết bị hỗ trợ công nghệ tương ứng sẽ có pop-up hiển thị thông báo kết nối. Nếu muốn thực hiện thủ công thì người dùng chỉ cần nhấn và giữ nút ghép nối Bluetooth ở mặt đáy.
Vì là kiểu semi-in-ear, cho nên khả năng cách ly tiếng ồn của nó không được đánh giá cao nhưng đổi lấy, đó là sự thoải mái trong nhiều giờ sử dụng. Bạn có thể đeo tai nghe trong nhiều giờ mà không hề cảm thấy bí tai, mỏi hay cấn tai giống như tình trạng tai nghe in-ear hay gặp phải.
Về cơ chế điều khiển, tai nghe có cảm biến điện dung ở phần đầu. Cảm ứng rất nhạy và chính xác tuy nhiên lại hơi hạn chế về mặt thao tác, nó không có lệnh gọi trợ lý ảo và cũng không thể kiểm soát được âm lượng khi nghe.
- Nhấn một lần để play/pause bản nhạc
- Nhấn hai lần để chuyển sang bài nhạc tiếp theo
- Nhấn ba lần để quay lại bản nhạc trước đó
Không đa dạng thao tác, cũng không có kết nối đa thiết bị, nhưng bù lại Marshall Minor 3 có khả năng kết nối rất ổn định với Bluetooth 5.2. Trong phạm vi 10 mét, nó gần như không mắc bất kỳ lỗi tín hiệu nào.
Nếu nói đâu là nhược điểm lớn nhất của Minor 3, có lẽ đó là việc nó không tương thích với ứng dụng Marshall Headphones nên người dùng khó lòng thay đổi EQ, cá nhân hoá tai nghe theo phong cách sử dụng của mình.
Hiệu suất âm thanh của Marshall Minor 3
Bàn về chất lượng âm thanh, Minor 3 được kỳ vọng sẽ làm tốt hơn so với hầu hết tai nghe open-fit khác trên thị trường. Và kết quả cũng hoàn toàn đúng vậy, với driver 12 mm kết hợp codec SBC và aptX, cặp true wirless này cung cấp thứ âm thanh khá cân bằng, nếu không muốn nói là trung tính và tự nhiên, mang đậm hương vị của hãng.
Âm bass mà tai nghe này cung cấp không quá nhiều do bản thân thiết kế mở nhưng đủ to và rõ ràng để nghe thấy. Giọng hát được nhấn mạnh một chút nhưng không quá nhiều đến mức làm nó bị nịnh một cách thái quá. Âm cao cũng tương tự, nó khá rõ ràng và chi tiết nhưng nếu tăng âm lượng lên cao quá thì âm sắc có thể khiến bạn cảm thấy hơi đau đầu. Âm trường nhiều hơn một chút so với AirPods, không chật chội mà vẫn khá chuẩn.
Về chất lượng cuộc gọi, trên mỗi tai nghe có một micro thu nhận giọng nói, tuy hơi ít nhưng nó tốt đến ngạc nhiên. Khi sử dụng ở môi trường tĩnh, âm thanh thu được rất rõ ràng và dễ nghe. Kể cả khi sử dụng ngoài đường, giọng nói của bạn vẫn hiện diện phía trước tiếng ồn ngoại cảnh để người nghe có thể hiểu được rõ những gì bạn nói.
Thời lượng pin
Marshall cho biết tai nghe Minor 3 có 5 giờ sử dụng và case sạc cung cấp thêm 20 giờ nữa, thời gian sạc tai nghe khoảng 45 phút. Về mặt lý thuyết nó nhiều hơn AirPods 2 một chút nhưng vẫn thuộc dạng tầm trung ở thời điểm hiện tại, vì tất cả tai nghe true wireless hiện nay đều có mức sử dụng dài hơn thế. Tuy nhiên mức pin của Marshall lại không hoàn toàn đồng nhất khi sử dụng, tuỳ thuộc vào loại codec, nó sẽ tiêu thụ năng lượng khác nhau. Ví dụ với codec SBC nó có thể kéo dài đến 6 giờ, còn khi dùng codec aptX thì nhỉnh hơn 5 giờ một chút, đó là với mức âm lượng 50%.
Bạn có nên mua tai nghe Marshall Minor 3 không?
Đẹp và có chất lượng build tốt, Marshall Minor 3 là cặp TWS có hình thức rất tương xứng giá trị của nó. Tuy nhiên, thực tế đây lại không phải mẫu tai nghe dành cho mọi người. Bởi lẽ đại đa số người dùng hiện nay đều ưa thích loại in-ear hơn vì nó cung cấp âm thanh và khả năng cách ly tiếng ồn ngoại cảnh tốt hơn, mẫu open-fit này rất kén người. Còn về mặt tính năng, chất âm lẫn thời lượng pin, cùng tầm giá trên thị trường cũng có rất nhiều lựa chọn tốt hơn Minor 3.
Dù vậy, Minor 3 vẫn có những giá trị nhất định để bạn sở hữu một cặp. Thứ nhất, ngoại hình của nó quá đẹp, nổi bật so với nhiều đối thủ. Thứ hai, thứ âm thanh sáng, rõ ràng của nó rất dễ nghe và thưởng thức, thiên về kỹ thuật nhiều hơn, phù hợp cho những ai muốn thay đổi phong cách nghe. Thứ ba, chất lượng cuộc gọi quá tốt khiến Minor 3 thích hợp ‘đồng hành’ mọi nơi mọi lúc với những người bận rộn, thường xuyên trò chuyện qua điện thoại. Và nếu trong thời gian tới Marshall có tung ra bản vá cho phép Minor 3 tương thích với ứng dụng đồng hành, tin rằng giá trị sử dụng của cặp TWS này sẽ còn cao hơn nữa.