Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Ưu điểm của việc quay phim HD trên máy ảnh DSLR
- Tính năng quay phim HD xuất hiện trên hệ máy chuyên nghiệp (như Canon EOS 1D mark IV, Nikon D3x) đến những máy bán chuyên (như Canon EOS 5D Mark II, Canon EOS 60D, Nikon D7000). Ngay cả những mẫu máy dòng phổ thông dành cho người dùng nghiệp dư như Canon EOS 550D, Nikon D5000… cũng có tính năng này như một yêu cầu bắt buộc để cạnh tranh trên thị trường.
- Không chỉ DSLR, các mẫu máy Micro Four Third của Olympus, Panasonic và máy ảnh mirrorless của Sony cũng tích hợp tính năng quay phim HD. Có thể gọi tên một vài sản phẩm tiêu biểu như Olympus E-O2, Panasonic Lumix GH2, Lumix G2 hay Sony A33, A55.
- Chất lượng quay phim HD của máy ảnh DSLR thật sự tốt, tương đương nhưng với các máy quay HD chuyên dụng. Lý do bởi sự hỗ trợ hoàn hảo từ hệ thống ống kính rời đa tiêu cự, góc rộng đến tele, Macro, Tilt-Shift hay cả FishEye (ống kính hiệu ứng mắt cá). Các nhiếp ảnh gia kiêm quay phim không chỉ được lợi từ chất lượng hình ảnh hoàn hảo mà còn hoàn toàn chủ động quay theo ý thích.
- Ngoài chất lượng phim không phải bàn cãi, DSLR quay phim còn có lợi thế đáng kể khác, đó là sự cơ động. Thay vì lỉnh kỉnh mang theo một máy ảnh ống kính rời và một máy quay HD (vốn có kích thước không nhỏ), thì bạn chỉ cần một máy ảnh DSLR là đủ. Với người dùng bán chuyên thì quả thật, không gì tiện hơn.
- Thêm nữa, nếu so sánh giá thành giữa máy ảnh DSLR và một máy quay HD chuyên dụng thì máy ảnh DSLR vẫn rẻ hơn. Đó là chưa kể với máy ảnh DSRL người dùng cũng dễ dàng tìm kiếm phụ kiện hỗ trợ quay phim vốn cũng đã phong phú hơn và có giá rẻ hơn.
- Phụ kiện hỗ trợ tính năng quay phim HD cho máy ảnh ống kính rời khá đầy đủ
Nhược điểm của việc quay phim HD trên máy ảnh DSLR
- Dung lượng lưu trữ nhỏ
Dễ dàng nhận thấy, điểm yếu nhất của máy ảnh DSLR là dung lượng lưu trữ nhỏ, dẫn đến thời gian quay phim sẽ rất ngắn. Cụ thể, người dùng chỉ có thể quay tối đa 5 phút trên máy Nikon D90. Những mẫu máy mới nhất tính đến thời điểm này là Sony A33, A55 cũng gặp vấn đề tương tự. Theo thông tin từ Sony, hai mẫu máy A33 và A55 có thể quay tối đa 9 phút ở 20 độ C, 6 phút ở 30 độ C. Điều này có nghĩa, nếu sử dụng tại Việt Nam vào mùa hè với nhiệt độ lên tới 41 độ C thì A33 và A55 chỉ có thể quay khoảng 3 đến 4 phút. Tất nhiên, đó chỉ là thông số lý thuyết. Một vài cuộc thử nghiệm thực tế cho thấy, nếu tắt chế độ chống rung hình ảnh (Steady Shot) trên A33 và A55 thì thời gian quay sẽ được kéo dài hơn nhưng cũng không thể quá được 30 phút.
Chính vì thể việc so sánh với thời gian quay lên đến nhiều giờ đồng hồ của máy quay HD chuyên dụng thì DSLR…không thể cạnh tranh. Để khắc phục điểm yếu của các máy ảnh ống kính rời khi quay phim, người sử dụng thường phải chia đoạn phim thành nhiều cảnh quay nhỏ vài phút, sau đó sẽ xử lý hậu kỳ để lồng ghép các cảnh quay đó lại thành một đoàn phim hoàn chỉnh.
- Âm thanh kém, chất lượng lọc âm không tốt
Một nhược điểm khác khi quay phim với DSLR là âm thanh khi thu kém, chất lượng lọc âm không tốt. Bên cạnh đó một vài khuyến cáo từ phía người sử dụng, quay phim bằng máy ảnh DSLR sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng và tuổi thọ của sensor – vốn chỉ được thiết kế để chụp ảnh.
Kết luận
Từ thông tin trên, có thể chắt lọc lại chế độ quay phim HD của máy ảnh DSLR có nhiều điểm cộng là chất lượng tốt như máy quay chuyên dụng, tính cơ động cao và có phụ kiện hỗ trợ tương đối đầy đủ, mặc dù còn tồn tại yếu kém về dung lượng lưu trữ cũng như âm thanh khi quay nhưng không vì thế mà chúng ta nên bỏ lỡ một thiết bị có khả năng quay phim chuyên nghiệp thế này.