Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Sau khi chính thức quyết định trở thành “người nhà” của Microsoft, Nokia đã bắt đầu quá trình chuyển đổi từ hệ điều hành Symbian sang Windows Phone với một loạt smartphone Lumia nhờ vào số tiền hàng tỉ USD được tài trợ bởi hãng công nghệ này. Chính vì lẽ đó, việc Nokia cho tung ra series điện thoại giá rẻ chạy Android tại triển lãm công nghệ MWC 2014 vừa qua đã khiến cho các tín đồ công nghệ và cả giới chuyên môn “xầm xì” không ngớt. Tại sao Nokia lại cho tung ra loạt smartphone mang mã hiệu X, X+ và XL? Chiến lược ẩn sau nước cờ mạo hiểm này là gì? Đâu là cơ hội và thách thức dành cho hãng công nghệ này?
1. Phát súng đầu tiên mang tên Android
Mới đây, Nokia vừa quyết định đi một nước cờ khá mạo hiểm bằng việc trình làng dòng điện thoại giá rẻ sử dụng nền tảng Android tại sự kiện công nghệ đình đám thế giới MWC 2014 sau khi đã thiết lập mối quan hệ khá chặt chẽ với Microsoft. Theo giải thích của hãng này, Nokia X, X+ và XL được coi như là một phương thức để tạo ra những thiết bị có thể lấp vào khoảng trống giữa nền tảng Asha và Windows Phone. Mặc dù Windows Phone 8.1 đã nhận được khá nhiều thay đổi phần cứng đáng giá từ Microsoft nhưng thực tế là Nokia cần phát triển những mẫu máy mới với khả năng thâm nhập các thị trường mà Windows Phone hiện không thể cạnh tranh được một cách đầy đủ.
Mặc dù sở hữu cấu hình khá tương đồng với chiếc Lumia 520 đang rất được ưa chuộng, loạt smartphone Nokia X mang đến một vài khác biệt nhỏ ở camera, dung lượng bộ nhớ và các phím điều hướng. Đồng thời, Nokia X Series cũng chính thức nói không với các dịch vụ của Google mặc dù sử dụng hệ điều hành Android. Thay vào đó, những chiếc smartphone này sẽ được tích hợp một loạt các sản phẩm do chính Nokia hoặc Microsoft phát triển như: Outlook.com (thay vì Gmail), Nokia Here (thay vì Google Maps), Skype (thay vì Hangouts)… Rõ ràng, Nokia tạo ra Nokia X không phải vì đang dần mất niềm tin vào Windows Phone và muốn “đứng núi này trông núi nọ” với nền tảng của Google.
2. Nokia X series – “con ngựa gỗ thành Troy” của Microsoft
Chiến lược của hãng này là đưa những chiếc smartphone của mình len lỏi vào tất cả những ngóc ngách dù là nhỏ nhất mà thế hệ Lumia chưa thể làm được, thu hút khách hàng tiềm năng (đặc biệt là những người đang sở hữu smartphone giá rẻ và feature phone) sử dụng và tạo cơ hội để các dịch vụ của Nokia và Microsoft tiếp cận được với càng nhiều người dùng càng tốt. Theo Stephen Elop, giám đốc bộ phận thiết bị và dịch vụ của Nokia, bằng việc lựa chọn các dòng chip Snapdragon 200 và 400, Nokia có thể dễ dàng cho tung ra những chiếc “Lumia trong hình hài Android” với mức giá vô cùng hấp dẫn để dễ dàng “trà trộn” vào thị trường smartphone Android với hàng trăm triệu người dùng mà không cần để tâm nhiều đến gánh nặng phải xây dựng thêm một hệ sinh thái mới. Nói cách khác, Nokia X đóng vai trò là một thiết bị trung gian, một cách thay đổi trải nghiệm giúp người dùng dễ dàng hơn trong quyết định chuyển từ Android sang Windows Phone.
Có người nói rằng Microsoft đang “nuôi ong tay áo” tuy nhiên không đời nào có chuyện người khồng lồ công nghệ để yên cho đối tác phần cứng lớn nhất của mình chuyển sang sử dụng một nền tảng khác mà không thực thi bất cứ kiểm soát nào. Theo phân tích của trang tin The Verge, việc nghiên cứu và phát triển thế hệ smartphone dòng X chính là một trong những lí do chính dẫn tới việc diễn ra thương vụ mua lại Nokia của Microsoft. Bằng cách thâu tóm Nokia, Microsoft giành được quyền định hình chiến lược của Nokia với dòng smartphone X series nói riêng và các kế hoạch với Android nói chung. Thông qua đó, Microsoft cũng đảm bảo được rằng những chiếc điện thoại Android này sẽ không ăn mất thị phần của Lumia. Stephen Elop cũng chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ rằng bạn sẽ nhìn thấy ở Microsoft một tầm nhìn rất rộng về thế giới điện toán và làm cách nào chúng tôi có thể phục vụ người tiêu dùng tốt nhất trong bối cảnh một nhóm mới sẽ được thành lập, và sự lãnh đạo tiếp tục tiến về phía trước. Tôi chắc rằng sẽ có nhiều ý kiến khác nhau (bên trong nội bộ Microsoft), nhưng tôi cũng biết rằng với chiến lược đặt điện toán đám mây lên hàng đầu, cùng với đó là tham vọng đưa dịch vụ đám mây đến hàng triệu người dùng mới, thì đây là một cơ hội rất lớn”.
3. Cơ hội và thách thức của Microsoft
Sự tăng trưởng của Windows Phone có lẽ là quá chậm so với những gì cả Nokia và Microsoft kì vọng. Đồng thời, hệ điều hành này cũng không, hay ít nhất là chưa, đến tiếp cận được với một số lượng người dùng khổng lồ như những gì Symbian từng làm được. Nokia X series xuất hiện nhằm khắc phục những điều này. Có thể nói, những chiếc smartphone Lumia trong hình hài Android chính là một phép thử giúp Nokia tìm hiểu xem liệu họ có thể lôi kéo bao nhiêu khách hàng tiềm năng, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển, sử dụng smartphone cũng như dịch vụ của họ. Trong góc nhìn của Nokia, loại bỏ Google khỏi Android chính là điểm mấu chốt để chiếm lấy hàng triệu người dùng đang chuẩn bị bỏ điện thoại phổ thông và chuyển sang dùng smartphone, đồng thời thu hút người dùng đến với hệ sinh thái của Microsoft thay vì tiếp cận với những thứ do Google cung cấp. Đây chính là một cơ hội lớn đáng để Microsoft trân trọng.
Sau khi giải quyết dứt điểm thương vụ thâu tóm Nokia, Microsoft sẽ phải quyết định xem liệu họ có nên từ bỏ dòng X hoàn toàn hay không. Nếu giữ lại thì làm thế nào để có thể cân bằng giữa việc duy trì các thiết bị chạy Android trong khi vẫn thúc đẩy Windows Phone tiến về phía trước. Đây thật sự là một công việc vô cùng khó khăn trong khi không hề có bất kỳ sự đảm bảo nào về việc Nokia X thật sự có thể “mồi chài” để đưa người dùng đến với hệ sinh thái của Microsoft. Không những thế, nếu ở Windows Phone các dịch vụ Microsoft được tích hợp chặt chẽ vào hệ điều hành thì nguy cơ lớn bởi trong X Platform chúng chỉ là các ứng dụng riêng lẻ và có thể dễ dàng bị thay thế bởi người dùng. Việc hỗ trợ ứng dụng Android một cách rộng rãi cũng khuyến khích người dùng Nokia X lên cửa hàng trực tuyến và cài đặt bất kì thứ gì họ muốn, tạo điều kiện cho họ nhanh chóng chia tay với các dịch vụ Microsoft.
Việc sử dụng Android là do Nokia chọn, còn bây giờ thì Microsoft cần quyết định xem phải làm gì tiếp theo. “Sai một ly đi một dặm”. Nếu không thể đưa ra một nước cờ đúng đắn cho thế trận này, rất có thể Windows Phone sẽ trở thành nền tảng di động kế tiếp bị thất bại trong cuộc chiến di động đang ngày càng khốc liệt này.
Tham khảo: TheVerge