Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Trường đầu tiên thể hiện tinh thần yêu nước ở khu vực phía Nam trước tình hình căng thẳng ở biển Đông là THPT Lê Qúy Đôn (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Buổi lễ chào cờ hôm 12/5 của trường đã trở nên vô cùng sống động khi hơn 800 học sinh và giáo viên cùng nhau xếp thành tấm bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khi lá cờ Tổ quốc được kéo lên, tất cả mọi người cùng nắm chặt tay đặt lên tim, đồng thanh hát vang bài Quốc ca với khí thế hào hùng.
Cô Hồ Thị Lâm – Hiệu trưởng trường cho biết, đây là một trong những hoạt động nhằm giáo dục tinh thần, ý thức yêu nước và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc cho các em học sinh, góp phần phản đối việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa Việt Nam.
Hơn 800 học sinh và giáo viên trường THPT Lê Qúy Đôn xếp hình tổ quốc. Ảnh: Trường THPT Lê Qúy Đôn |
Cũng trong ngày này, thầy cô và học sinh trườngTHPT Nhân Việt (TP HCM) đã tổ chức chuyên đề Chung tay bảo vệ Biển Đông trong buổi chào cờ đầu tuần. Sau khi hát vang quốc ca, trong không khí trang trọng, tất cả thầy cô giáo và các em học sinh đã cúi mình, dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Theo thầy hiệu trưởng Bùi Gia Hiếu, nhà trường tổ chức buổi sinh hoạt đặc biệt này nhằm giáo dục ý thức về chủ quyền biển đảo cho họs ainh. Đồng thời, đây là dịp để định hướng cho các em về việc thể hiện tinh thầnyêu nước một cách đúng đắn và thiết thực.
“Tình cảm của người dân đất liền với những chiến sĩ nơi đảo xa ngày đêm bảo vệ Tổ quốc đang in dấu trong lòng học sinh chúng em. Hôm nay, ngày mai và cả tận sau này, tình yêu về biển đảo và những người lính biển sẽ không bao giờ tắt, mà trở thành ngọn đuốcbùng cháy mãnh liệt”, nữ sinh Thái Phương Thảo – lớp 12A2 bày tỏ.
Thầy và trò trường THPT Nhân Việt cùng hướng về Biển Đông. Ảnh: Trường THPT Nhân Việt |
Tương tự, khi đứng lên bục phát biểu, Phó hiệu trưởng THPT Tây Thạnh (TP HCM) đột nhiên hỏi: “Nếu xảy ra chiến sự, các em có sẵn sàng gặp thầy ở biển không?”. Ngay lập tức các học trò đồng thanh đáp lớn: “Có ạ!”.
Khác với những ngày đầu tuần khác, từ sáng sớm 12/5, sân trường THPT Tây Thạnh đã vang vọng những bài hát về biển đảo. “Cũng là buổi chào cờ, sinh hoạt đầu tuần nhưng hôm đó cảm giác của em lạ lắm. Em thật sự nghĩ đến những vấn đề đất nước, không khí biển đảo tràn ngập trong trái tim. Chắc với thầy cô và các bạn đều thế”, nữ sinh lớp 11 của trường thổ lộ.
Không dừng lại ở những tiết sinh hoạt, trong đề thi ôn luyện tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ môn Ngữ Văn, TS.Trịnh Thu Tuyết – giáo viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đã đưa bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển vào đề thi của mình.
Đề thi được ra theo phương pháp mới với yêu cầu rèn kỹ năng đọc hiểu và viết. Trong câu 4, Tiến sĩ Tuyết trích dẫn lời nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Chúng ta là con dân của đất Việt, ông cha ta từ nghìn năm trước đã lên rừng, đã xuống biển để khai phá, dựng xây non nước này. Và, biển – đảo ấy là một phần gia tài nghèo khó mà ông cha ta tự nghìn xưa đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền đời lại cho cháu con hôm nay”. Yêu cầu của cô đối với học sinh là viết luận trong bối cảnh ngày 1/5 vừa qua Trung Quốc đã đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào lãnh thổ Việt Nam.
Cô Tuyết cho biết phần bài làm của các em đã thể hiện được những suy nghĩ của riêng mình về tình yêu quê hương đất nước.
Cũng bày tỏ lòng yêu Tổ quốc, các bạn sinh viên các trường ĐH, CĐ ở Hà Nội cùng nhau luyện tập nhảy flashmob để hướng về Biển Đông. Không quản ngại, cứ đều đặn lúc 6-7h30, hay 18-20h hàng ngày, nhóm sinh viên này lại cùng nhau tụ hội ở vườn hoa Lý Thái Tổ, trong những chiếc áo đỏ thắm biểu tượng lá cờ Tổ quốc, để cùng tập nhảy với bài Khát vọng Biển Đông.
Những điệu nhảy sôi động, mạnh mẽ của các bạn sinh viên trên nền nhạc Khát vọng biển Đông. Ảnh: Báo Nông nghiệp VN |
Trên nền nhạc hào hùng, hàng chục sinh viên được nữ HLV thể dục Nguyễn Thùy Linh hướng dẫn từng động tác mạnh mẽ, sôi động. Nhiều người dân tới đây tập thể dục cũng đã hòa vào điệu nhảy cùng các bạn sinh viên.
Một sinh viên Khoa Báo chí – truyền thông, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết, “Khát vọng biển Đông” sẽ được tổ chức liên tục trong vòng một tuần, từ 9 đến 18/5. Chương trình ra đời nhằm hướng tới Kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5). Bên cạnh đó, kêu gọi lòng đoàn kết, hướng về biển Đông, đồng thời thể hiện tình yêu với biển đảo, khát vọng tuổi trẻ Việt Nam.
Không chỉ ở trường học, trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook, những thông tin mới nhất về các vấn đề liên quan tới Biển Đông được cộng đồng mạng cập nhật liên tục. Giới trẻ Việt Nam cũng đã đồng loạt thay avatar bằng những hình ảnh mang linh hồn của tổ quốc, hướng về biển đảo. Đó là quốc kỳ Việt Nam đỏ thắm hoặc những hình ảnh thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, thể hiện chủ quyền hay đơn giản là hình ảnh của những người lính biển đang ngày đêm làm nhiệm vụ.
Những bài hát, bài thơ về biển đảo, về lính biển cũng được chuyền tay nhau làm nên hào khí dân tộc trong lúc đất nước gặp khó khăn: “Em hãy đưa điện thoại kề gần nôi/ Để con chúng mình nghe tiếng của biển khơi/ Anh không thể ẵm bồng ru con ngủ/ Gửi tiếng biển về yên giấc con thôi”, bài thơ của một người lính hải đảo gửi về đất liền khiến hàng triệu con tim thổn thức; những bài hát nhưTổ quốc nhìn từ biển, Giai điệu Tổ quốc… chưa bao giờ được phổ biến rộng rãi và được những người con Việt hát với cả tấm lòng như thế.
Nguyễn Loan