Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Đèn ông sao
Đèn ông sao luôn được nhắc đến như một loại đồ chơi trung thu “không thể thiếu” dành cho các bé. Hầu như tuổi thơ mỗi người đều gắn liền với chiếc đèn ông sao đêm trung thu. Đối với đèn ông sao, dù là ngày xưa hay bây giờ, chiếc đèn 5 cánh vẫn là món đồ chơi được các em bé rất yêu thích.
Có rất nhiều sự tích được kể về sự ra đời của chiếc đèn ông sao, chưa ai biết nó bắt nguồn thực sự từ đâu, nhưng sự xuất hiện của nó đã đem lại cho trẻ con nhiều thế hệ niềm vui mỗi dịp Tết trung thu về.
Mặt nạ trung thu
Ngày xưa, mặt nạ được làm từ giấy bồi một cách thủ công, có khi người phải làm trước cả tháng trời. Những chiếc mặt nạ đủ hình dạng, đủ màu sắc được trẻ em vô cùng yêu thích. Mặt nạ phổ biến nhất là hình ảnh những nhân vật trong chuyện cổ tích như Tấm Cám, Thạch Sanh, Sơn Tinh – Thủy Tinh…, trong phim truyện như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng, Đường Tăng, Na Tra thái tử…, nhân vật lịch sử và các con vật trâu, lợn, hổ, gấu..
Ngày nay, có đủ loại mặt nạ với nhiều mẫu mã khác nhau của Trung Quốc. Chúng được gắn đèn nhấp nháy lại nhìn có vẻ “hiện đại”. Tuy nhiên, so với sự giản dị của mặt nạ giấy bồi, loại mặt nạ nhựa của Trung Quốc vô cùng độc hại, mặc dù đẹp nhưng các mẹ không nên mua tặng bé.
Trống bỏi (trống trung thu)
Thứ đồ chơi chân quê này gồm các chất liệu: Đất sét, cán nhựa, que sắt, giấy hồng, dây nylông. Đất sét được người dân lấy từ ngoài ruộng về, nặn thành chiếc trống có kích cỡ chỉ lớn hơn đồng xu một chút, rồi cắm que sắt vào hai bên sườn. Sau khi phơi khô, hai mặt “trống” được bọc bằng giấy đỏ. Điều quan trọng là giấy phải dán chặt kín mặt trống, nếu không, sẽ không tạo ra tiếng kêu đanh, gọn, vui tai đặc trưng. Công đoạn cuối là buộc dây, tra cán nhựa, làm “dùi” cho trống. Khi này, nó sẽ trở thành món đồ chơi rất ngộ: Dùng tay quay chiếc trống, sẽ phát ra những âm thanh “tạch tạch” đanh gọn, vui tai, rất hợp với trẻ nhỏ.
Chiếc trống này tuy rất hay, trẻ con rất thích, nhưng đặt nó cạnh những trò chơi đắt tiền thật nhỏ nhoi. Người lớn thì tiếc rằng, vì sao những giá trị truyền thống lại càng ngày càng mai một. Còn trẻ con thì lại vẫn chơi những thứ đồ hiện đại mà người lớn mua về.
Đèn kéo quân, đèn cù
Đèn kéo quân
Đèn kéo quân và đèn cù là hai loại đèn từng được rất nhiều trẻ con yêu thích mỗi dịp Tết trung thu. Đèn kéo quân thì gá buộc những vòng tròn quanh thân trục với những hình người, thú, cảnh vật to nhỏ theo các truyện cổ tích. Khi đèn được đốt lên, nhờ sức đẩy của ngọn nến thắp bên trong mà trục đèn quay tròn, các hình thể cũng quay theo, hiện ra bốn mặt của cây đèn. Còn đèn cù (hay còn gọi là đèn ông sư) quay nhờ bánh xe một cạnh tiếp xúc với đế đèn, cạnh kia lăn trên đất.
Đèn cù
Ngày xưa, cứ đến đêm Rằm tháng 8, mọi người lại nô nức kéo nhau ra đường, cầm theo chiếc đèn kéo quân, đèn cù. Cứ thể cả đường sáng rực ánh nến cùng những hình ảnh vô cùng đẹp mắt. Tuy nhiên, giờ đây, giữa rừng đồ chơi hiện đại hơn, đẹp mắt hơn, những cảnh như thế rất hiếm gặp, nếu có thì cũng chỉ có trong ký ức của người già.
Đầu sư tử
Múa Lân hay còn gọi là múa Sư tử vào Tết Trung Thu là một tục lệ xuất xứ từ Trung Hoa có từ hàng ngàn năm trước. Thể theo sách Tàu thì “Kỳ” là tên con Sư tử đực, “Lân” là tên con Sư tử cái. Người ta không phân biệt chúng là đực hay cái nên gọi chung là Kỳ Lân.
Theo dân gian, Kỳ Lân là con vật thần thoại huyền bí, mình hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng trên trán, lông trên lưng màu ngũ sắc, lông dưới bụng màu vàng. Đó là con vật rất hiền (còn gọi là nhân thú), không đạp lên cỏ cây, không làm hại vật sống. Kỳ Lân chỉ xuất hiện khi có Thánh nhân ra đời hoặc dưới thời thái bình thịnh trị. Như vậy trò múa Lân trong đêm Trung Thu tượng trưng cho sự xuất hiện của Kỳ Lân, cũng là sự cầu mong đất nước thái bình, thịnh trị, nhà nhà gặp nhiều may mắn.
Hiện nay, mỗi dịp Tết trung thu về chúng ta vẫn được thưởng thức những màn múa lân vô cùng điệu nghệ và đẹp mắt.
Tò he
Không thể không nhắc đển món đồ chơi này trong mỗi dịp trung thu. Tò he được làm từ những loại bột có nhiều màu sắc, với nhiều hình thù khác nhau luôn là món đồ chơi khiến các em yêu thích. Cứ mỗi mùa trung thu đến, trẻ con lại được người lớn tặng cho một chú tò hè.
Giờ đây, có thể những món đồ chơi này không còn quá phổ biến nhưng với nhiều người, đây là “tuổi thơ”, là “ký ức” không bao giờ có thể quên được. Mỗi mùa trung thu về, họ lại bồi hồi nhớ lại!
Hương Giang
Tổng hợp
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam