Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
1. Chợ tết
Chợ Tết – Một nét văn hóa đặc trưng của vùng nông thôn miền Trung
Ở miền Trung, chợ Tết cũng được coi là một nét văn hóa rất riêng, nhất là ở những vùng nông thôn miền Trung. Chợ tết tấp nập, ngập tràn hương thơm của những hàng bán hương trầm. Người bán chở thùng hương to kèm theo những cây hương đại, to như ống tay trẻ con ở phía sau xe, vừa đi vừa đốt thơm lừng để mời gọi khách mua hàng. Thay vì họp ở các nơi quen thuộc, chợ tết lại họp ở đình làng, bên mé sông hay ngã ba đường, gọi là “chợ mua may – chợ cầu lộc”.
Chợ Tết thôn quê gần gũi với những loại rau củ, trái cây vườn nhà,… Nhắc đến tết là không thể nhắc đến chợ hoa, một chợ hoa xuân ở miền Trung có thể sưu tập đầy đủ bất kỳ loài hoa nào từ Bắc chí Nam. Chợ hoa không thiếu sắc hồng của đào, không thiếu quất từ Hà Nội hay sắc vàng của mai Nam Bộ đưa về. Tuy nhiên cũng giống phương Nam, người miền Trung hay chơi hoa mai trong ngày Tết.
2. Cúng ông Táo
Ngày 23 tháng Chạp, khác với người miền Bắc có tục thả cá vàng để tiễn ông Táo về trời. Người miền Trung không cúng cá chép vì kiêng theo sự tích cá chép hóa rồng, mà rồng lại tượng trưng cho vua chúa nên không được đụng chạm đến. Do đó, trong mâm cơm cúng ông Táo của người miền Trung thường chỉ có xôi, thịt heo luộc và ít hoa quả. So với các nghi lễ của người miền Bắc thì ở miền Trung đơn giản hơn rất nhiều. Sau lễ cúng, ba ông Táo của các gia đình sẽ được thay mới, các ông Táo cũ được đem đi đặt ở một góc đình, miếu hoặc gốc cây đầu làng – những nơi linh thiêng, không ai dám xâm phạm.
3. Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả của người miền Trung
Miền Trung quanh năm bão lũ, hạn hán, đất đai vốn cằn cỗi, ít hoa trái, thêm vào đó Tết thường rơi vào mùa đông khắc nghiệt, và cả những hậu quả mà thiên tai để lại trước đó chưa dứt thế nên cây trái đặc sản địa phương rất hiếm. Người dân quê vì thế mà cũng không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên.
Ngoài ra, vì ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc – Nam nên mâm ngũ quả vẫn bày biện đủ: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài… Người miền Trung không hay dùng các loại chuối, trái cây có vị đắng, cay, mà chỉ chọn loại có vị ngọt, tròn, thơm và lâu hư úng để chưng mâm ngũ quả cho đẹp mắt, độc đáo, mong cầu an vui, hạnh phúc cho gia đình trong năm mới. Thường thì người Trung cũng không chưng trái cam, trái quýt vì theo quan niệm của người dân nơi đây rằng “cam đành quýt đoạn”.
4. Mâm cỗ
Mâm cỗ của người miền Trung
Cũng như các vùng miền khác trên cả nước chiều 30 Tết sẽ làm mâm cơm tất niên cúng tổ tiên sau đó cả gia đình quây quần cùng nhau ăn bữa cơm tiến năm cũ và đón năm mới. Ở miền Trung cũng như vậy, mâm cúng thì tùy theo hoàn cảnh sẽ có món mặn gồm thịt heo, thịt gà, hoặc cả hai loại, các món xào, canh… Nhưng khác với miền Bắc, cúng giao thừa phải có gà sống thiến thì ở miền Trung, mâm cúng giao thừa đơn giản chỉ gồm một ít bánh trái, mứt và xôi chè. Người miền Trung quan niệm rằng, mâm cúng giao thừa là vật phẩm cho sáng mùng một do đó đâu năm mới nên đón nhận những thứ thanh tao, ngọt ngào…
Người miền Trung ăn cả bánh chưng và bánh tét nhưng chỉ mâm cỗ tiến cúng ở miếu điện trong cung đình thì chỉ dâng cúng bánh chưng. Vào những dịp nhà vua tế Trời ở đàn Nam Giao hoặc tế các vị Tiên đế ở Thế miếu, vật phẩm là bộ tam sinh (trâu, heo, dê) để nguyên con chưa qua chế biến, lễ vật này còn gọi là cỗ thái lao. Ngoài dân gian, khi cúng Đất thì bộ tam sinh là miếng thịt heo, con cua, cái trứng chỉ luộc chín chứ không chế biến.
Còn mâm cơm để cúng ông bà trong 3 ngày Tết là mâm cỗ có nhiều món ăn được chế biến gồm đủ các thành phần: Thượng cầm (các loại gia cầm biết bay như chim, gà, vịt…), hạ thú (các gia súc trên mặt đất như: heo, bò, gà…), các loài thủy tộc dưới nước như: tôm, cua, cá… trong dân gian mâm cơm như vậy được gọi là hào soạn.
Những món ăn trên mâm cỗ Tết miền Trung thì thường có dưa món, giò lụa Huế, thịt đông, gà bóp rau răm, chả Huế, thịt heo luộc, giá chua, bát ninh măng khô, bát miến Huế, cá chiên, hay đĩa ram… Ở nhiều nơi, người ta còn làm cả các món: cuốn diếp gỏi ngó sen, gỏi bao tử, bánh răng bừa hay các món đặc biệt xà lách gân bò, chả tôm, nem bọ lụi… để dâng lên tổ tiên ngày Tết.
Mặc dù không cầu kỳ trong các nghi lễ cúng gia tiên, cúng trời đất như ở miền Bắc. Các món ăn ngày Tết cũng không nhiều và đa dạng như hai miền Bắc, Nam song những tập tục, những thói quen và truyền thống đón Tết của người miền Trung cũng rất độc đáo, hấp dẫn và góp phần đa dạng màu sắc ngày Tết nguyên đán của người Việt Nam.
5. Ngày cuối cùng của năm cũ
Sáng 30 Tết, những người đàn ông trụ cột trong gia đình thường đi mộ thắp hương ông bà tổ tiên, mời ông bà cùng về ăn Tết với con cháu. Các bà nội trợ thì đi sắm sửa những vật dụng cuối năm, nấu nướng chuẩn bị mâm cúng Tất niên. Những ai nợ nần gì cũng lo trả hết hoặc phải khất nợ cho rõ ràng, nếu không chủ nợ đòi lúc đầu năm thì xem như mắc nợ cả năm.
Chiều 30 Tết, nhà nào cũng tiến hành cúng Tất niên để tiễn năm cũ đón năm mới. Lễ này thường có một mâm ở bàn thờ gia tiên, một mâm ở giữa nhà và mâm thị thực đặt ở trước cổng. Lễ cúng có đầy đủ các món mặn, thịt heo, thịt gà, các món canh, xào…. 30 tháng Chạp được xem là ngày đoàn tụ gia đình, con cái dù ở xa đến mấy cũng về thăm ông bà, cha mẹ. Sau khi cúng Tất niên, cả gia đình thường quây quần bên nhau trong không khí ấm ấp, rộn ràng bên nồi bánh chưng, bánh tét.
6. Xông đất
Sáng mồng một, người miền Trung cũng có tục “xông đất “ như người miền Bắc. Thường thì họ hay nhờ những người lớn tuổi, còn mạnh khỏe, có vai vế và uy tín trong xã hội hoặc nhờ những đứa trẻ thông minh, hoạt bát, vui vẻ đến “xông đất” đầu năm, chứ không cần hợp tuổi với gia chủ như người miền Bắc.