Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Websosanh.vn – Hà Nội luôn được nhắc đến là một thủ đô vừa có nét hiện đại vừa có nét cổ kính, lâu đời. Cũng chính vì vậy mà những dịp lễ Tết, người dân khắp nơi vẫn thường chọn Hà Nội là một điểm đến du lịch, tham quan những danh lam thắng cảnh và những di tích lịch sử nổi tiếng.
Hà Nội không quá lớn đến nỗi bạn phải mất cả mấy ngày mới đi đủ hết những nơi cần đến của mảnh đất Hà Thành. Tuy nhiên, để cảm nhận được nét văn hóa thực sự của nơi đây, bạn không nên vội vã, vừa đến đã phải đi. Hãy lắng nghe Hà Nội một cách chậm rãi và bạn sẽ biết được rằng, vì sao những người đã sống lâu ở đây không thể dễ dàng dứt áo mảnh đất thủ đô này.
Nên đi du lịch Hà Nội vào mùa nào?
Hà Nội 4 mùa đều có cỏ cây hoa lá đặc trưng. Đến Hà Nội mùa nào bạn cũng có thể tìm thấy nét đẹp, nét đặc trưng riêng của mùa đó. Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc tham quan, đi lại, tốt hơn hết bạn nên đi vào mùa ấm áp, khô ráo và không ẩm ướt, cuối hạ và đầu thu sẽ là lý tưởng cho bạn. Nếu bạn có khả năng chịu lạnh thì bạn cũng có thể lên đường vào mùa đông. Nhưng chẳng mấy ai từ miền Trung, miền Nam ra mà dễ dàng hòa hợp được với khí trời rét buốt đến cắt da cắt thịt của miền Bắc được.
Nói chung, thời gian thích hợp nhất để du lịch ra Hà Nội là vào tháng 9 đến tháng 11 hoặc từ tháng 3 đến tháng 4, đó là lúc chuyển mùa thời tiết ấm áp và dễ chịu, không quá nắng gắt hay hanh khô.
Đi phương tiện gì đến Hà Nội?
Hà Nội là thủ đô của cả nước, vì vậy mà ở đây phương tiện gì cũng có. Bạn có thể đến đây bằng máy bay, ô tô, tàu hỏa, thậm chí là phượt bằng xe máy.
Nếu bạn đi bằng máy bay từ Hồ Chí Minh ra Hà Nội, thời gian mà bạn mất kể cả thời gian chờ và thời gian di chuyển là khoảng 5 giờ đồng hồ. Bạn có thể so sánh giá vé máy bay của hai hãng Vietjet Air và Vietnam Airlines và theo dõi các khuyến mãi của hai hãng này để tìm được chuyến bay hợp lý với giá rẻ nhất.
Nếu bay đến Hà Nội, bạn sẽ phải tìm được phương tiện để đi vào trung tâm thành phố. Với xe ô tô của sân bay, giá vé là tầm 35.000 VNĐ/người (điểm cuối là 1 phố Quang Trung, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội), với xe bus, bạn sẽ mất khoảng 9.000 VNĐ (bắt xe 07, điểm cuối là Cầu Giấy), còn với xe taxi, bạn có thể mất khoảng 300.000 VNĐ (thích hợp cho đi đông người).
Nếu bạn đi ô tô, có 3 bến xe lớn mà bạn có thể dừng chân đó là: Mỹ Đình, Giáp Bát va Nước Ngầm. Nếu đi từ thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể so sánh giá vé xe giường nằm của một số hãng xe uy tín, giá vé sẽ dao động trong tầm 550.000 VNĐ cho các loại xe thường. Thời gian đi ô tô chắc chắn sẽ lâu hơn thời gian đi máy bay, và giá của nó cũng có thể đắt hơn vì nếu bạn mua vé máy bay đúng dịp khuyến mãi, giá của vé máy bay sẽ còn rẻ hơn!
Đến Hà Nội thì đi tham quan ở đâu?
* Văn miếu Quốc Tử Giám
Giờ mở cửa: 08h00 – 17h00 giờ từ tháng 11 – tháng 3 và 07h30 – 18h00 giờ vào những tháng còn lại. Văn Miếu đóng cửa vào ngày chủ nhật. Địa điểm: 58 phố Quốc Tử Giám, Q. Đống Đa, khoảng 2km về hướng Tây từ hồ Hoàn Kiếm. Vé vào cổng: 10.000 VND/lượt, người già trên 60 tuổi: 10.000 VND/lượt.
* Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn
Quanh hồ trồng nhiều loại hoa và cây cảnh, giữa hồ có tháp Rùa, trên hồ có đền Ngọc Sơn. Xung quanh hồ còn có nhiều di tích lịch sử khác như cầu Thê, Tháp Bút khắc 3 chữ “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh), Đài Nghiên, đình Trấn Ba, tháp Hòa Phong…
Địa điểm: Phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Giờ mở cửa: 08h00 – 17h00 giờ. Giá vé: 10.000 VND/lượt, miễn phí cho trẻ em dưới 15 tuổi.
* Hồ Tây
Hồ Tây, mặt gương của Hà Nội, có diện tích rộng hơn 500 ha với một bề dày lịch sử mấy nghìn năm. Đường vòng quanh hồ dài tới 17km. Ngành địa lý lịch sử đã chứng minh rằng hồ là một đoạn sông Hồng cũ còn rớt lại sau khi sông đã đổi dòng… Có thể do sông hồ biến đổi như vậy mà đã xuất hiện nhiều truyền thuyết về hồ và tên gọi của hồ.
* Lăng Bác – Chùa Một Cột
Chùa Một Cột ngay gần Lăng Bác, bạn có thể đi bộ đến tham quan công trình kiến trúc độc đáo này.
Giờ mở cửa: Lăng Bác mở cửa 5 ngày một tuần, vào các buổi sáng thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật. Từ tháng 4 đếng tháng 10, mở cửa từ 7h30 – 10h30; Từ tháng 11 đếntháng 3 mở cửa từ 8h00 đến 11h00 giờ; ngày lễ, thứ Bảy, Chủ nhật mở cửa thêm 30 phút. Hàng năm Lăng đóng cửa để làm nhiệm vụ tu bổ định kỳ vào 2 tháng: tháng 10 và tháng 11.
* Nhà cổ 87 Mã Mây
Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây nằm ở phía bắc Hồ Hoàn Kiếm, trong khu vực phố cổ Hà Nội. Ngôi nhà được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX và còn giữ lại được khá đầy đủ các chi tiết kiến trúc cổ Hà Nội.
Giờ mở cửa: 8h00 – 20h00, 19h00 mỗi ngày có biểu diễn nghệ thuật dân gian Đào Xá, ca trù trong 60 phút. Giá vé tham quan: 5.000 – 10.000 VND/lượt.
Địa điểm: 87 Mã Mây, Hàng Buồm, Hoàn Kiếm.
Ở phố Mã Mây cũng có một quán Bún đậu mắm tôm rất nổi tiếng, bạn sẽ mê mẩn món ăn này nếu được thưởng thức tại đây!
* Ngôi nhà cổ 38 Hàng Đào
Ngôi nhà 38 Hàng Đào, nguyên là đình Đồng Lạc (đình chợ bán yếm lụa). Đình được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII) với quy mô rộng rãi: Nhưng vì chiến tranh, đình bị phá huỷ. Khoảng năm 1856 (niên hiệu Tự Đức, Bính Thìn), ngôi đình này được trùng tu.
* Vườn hoa Nhật Tân
Ở đây quanh năm có hoa nở, từ bách nhật, hướng dương, hoa cánh bướm, hoa móng rồng… Lệ phí để vào mỗi vườn là 20.000 đồng/người. Địa điểm: Đi vào từ ngõ 264 Âu Cơ, Quận Tây Hồ.
* Phố cổ Hà Nội
Hà Nội nổi tiếng với 36 phố phường. Vì vậy, một khi bạn đã đến Hà Nội thì không thể không đến đây được. Khu phố cổ Hà Nội đã từng được các du khách phương Tây ví với thành Venice cổ kính, cho đến hôm hay vẫn là khu phố cổ xưa độc đáo ở Việt Nam.
Khu phố cổ Hà Nội thường được gọi là khu 36 phố phường nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội, thuộc quận Hoàn Kiếm, có diện tích là 100 ha, được giới hạn phía bắc là đường Hàng Đậu, phía nam là các đường phố Hàng Bông – Hàng Gai – Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía đông là đường Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải, phía tây là đường Phùng Hưng.
* Cột Cờ Hà Nội
Cột cờ là một trong những công trình kiến trúc thuộc khu vực thành cổ Hà Nội còn nguyên vẹn.
Cột cờ nằm trong khuôn viên Bảo tàng Quân đội, đường Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình.
* Đền Bạch Mã
Đền thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay là 76 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền thờ thần Long Đỗ tức Bạch Mã, vị thần bảo hộ kinh thành Thăng Long.
* Các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội như Royal city…
* Làng cổ Đường Lâm (cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 50 km).
Về phượng tiện đi: Từ Hà Nội, bạn có thể tới Đường Lâm bằng ôtô, xe máy, thậm chí là xe buýt, sau đó bắt xe ôm đến làng.
– Bằng xe Buýt: Bến xe Kim Mã -> Sơn Tây: tuyến 70; Bến xe Hà Đông -> Sơn Tây: tuyến 77; Bến xe Mỹ Đình -> Sơn Tây: tuyến 71.
– Bằng ôtô khách: tuyến Mỹ Đình – Phú Thọ (mất chừng 1 tiếng 15 phút).
– Bằng taxi: Bạn có thể xem giá vé xe taxi ở Hà Nội để lựa chọn cho mình một hãng xe uy tín.
* Làng gốm Bát Tràng (cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km).
Đường đi: Từ phía trung tâm Hà Nội có thể đi theo cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì. Qua sông Hồng, bạn rẽ phải chừng 10 – 15 km là đến cổng làng Bát Tràng. Bạn cũng có thể đi xe bus số 47 từ bến Long Biên 1, cuối đường Yên Phụ đến thẳng Bát Tràng.
Đến đây, bạn sẽ có cơ hội tự mình nặn ra những chiếc cốc, chiếc bát để mang về làm kỷ niệm. Chắc chắn bạn sẽ có những món đồ mang về khoe bạn bè và người thân.
Hương Giang
Tổng hợp
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam