Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
1. Nguồn gốc và đặc điểm của bánh chưng gù
Ẩm thực của Việt Nam cực kỳ phong phú, đặc biệt là ẩm thực vùng cao luôn có một sức hút kỳ lạ đối với du khách nói chung và người Kinh nói riêng. Bánh chưng – một loại bánh truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ Tết của người Việt cũng được sáng tạo ra thành nhiều phiên bản và nhiều loại. Trong đó có bánh chưng gù tượng trưng cho bản sắc văn hóa riêng biệt của vùng cao nguyên đá Hà Giang. Loại bánh này có nguồn gốc từ người Dao Đỏ ở Yên Bái, Hà Giang và Lào Cai.
Đặc điểm độc đáo của bánh chưng gù thể hiện ngay ở cái tên của nó. Khác với bánh chưng truyền thống hình vuông tượng trưng cho đất mà ta đã học từ thời tấm bé, bánh chưng gù có kích thước khá nhỏ và hình dạng hơi cong giống như tấm lưng bị gù. Nếu như bánh chưng truyền thống được gói 4-5 lớp lá dong hoặc lá chuối thì loại bánh vùng cao này chỉ được gói bằng 1 lớp lá. Phần vỏ bánh được làm từ gạo nếp hương tuyển chọn, ngâm với nước lá riềng giúp bánh mềm dẻo hơn. Phần nhân thì tương tự như bánh truyền thống của người Kinh, gồm đậu xanh và thịt ba chỉ có nêm sẵn một chút gia vị.
2. Bánh chưng gù có mùi lá riềng đặc trưng khó quên
Nếu đã từng được thưởng thức món bánh đặc sản này thì chắc hẳn bạn sẽ phải “nhớ thương” rất lâu vì hương vị của nó là sự kết hợp giữa truyền thống và đặc trưng của vùng cao. Và cái làm nên sự đặc trưng này nằm ở công đoạn chuẩn bị gạo nếp khi gói. Theo đó, gạo nếp không chỉ được ngâm với nước thông thường mà còn ngâm với nước lá riềng xay lọc sạch. Nhờ vậy nếp được nhuộm một màu xanh tự nhiên và vỏ bánh nấu xong sẽ tỏa ra mùi thơm đặc trưng làm nên hương vị và thương hiệu của bánh chưng gù Hà Giang.
Phần nhân bánh cũng có sự độc đáo hơn so với nhân bánh chưng truyền thống. Thịt lợn làm nhân đúng chuẩn phải là thịt lợn đen địa phương, đem ướp với tiêu xay và các gia vị ở cùng cao. Nhân thịt và đỗ cùng các gia vị hòa quyện đem đến cho thực khách một trải nghiệm khó quên.
3. Ý nghĩa của bánh chưng gù đối với người dân vùng cao
Bánh chưng gù có hình dáng hơi cong, hay nói chính xác là nó giống như bị “gù” nên mới có cái tên như thế. Hình dạng đặc biệt này không chỉ để lại ấn tượng cho thực khách mà nó còn chứa đựng những ý nghĩa thân thương của người dân vùng cao nói chung, trước hết là đại diện cho người phụ nữ vùng cao.
Hà Giang vốn là một nơi cư trú của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như người Mông, Tày, Dao, Nùng. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thì chắc các bạn đã biết, vô cùng khó khăn và vất vả, người Hà Giang lại càng vất vả hơn khi ¾ địa hình toàn là núi đá, khí hậu khắc nghiệt. Đến với vùng đất này không khó để bạn bắt gặp hình ảnh người phụ nữ đeo gùi trên lưng để vượt đèo, lội suối, tấm lưng phải gù xuống để địu bao gánh nặng cuộc sống trên vai. Người Dao Đỏ đã lấy chính hình tượng này để đặt tên cho bánh chưng gù với mong muốn ca ngợi sự chăm chỉ của con người, đặc biệt là người phụ nữ vùng cao.
Bánh chưng gù Hà Giang còn là sản vật của đất trời và là nét đặc trưng không thể trộn lẫn của đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là thành quả lao động vất vả và sự khéo léo, tỉ mỉ của bàn tay người vùng cao. Ăn một miếng bánh, cảm nhận được mùi lá riềng thơm ngát là lại nhớ đến những núi đá trùng điệp và cuộc sống của đồng bào dân tộc Hà Giang.
4. Cách gói bánh chưng gù đặc sản Hà Giang
Món bánh truyền thống mà độc đáo này đã chiếm trọn trái tim của nhiều thực khách, tuy nhiên không phải ai cũng có cơ hội đi Hà Giang để thưởng thức. Nếu vậy sao bạn không thử làm tại nhà để gia đình và bạn bè ăn thử? Nguyên liệu thì cực kỳ đơn giản gồm 1kg gạo nếp, 800gr thịt ba chỉ, 700gr đậu xanh, lá riềng, lá dong, dây lạt, gia vị gồm muối và tiêu (tăng giảm và điều chỉnh lượng nguyên liệu cho phù hợp).
4.1. Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
- Sau khi đã rửa nếp và đậu xanh sạch sẽ thì ngâm trong nước khoảng 4-5 tiếng.
- Cắt nhỏ và xay lá riềng để lấy nước cốt.
- Rửa sạch thịt ba chỉ, cắt thành từng miếng vừa ăn rồi ướp với ½ muỗng muối và ½ muỗng tiêu.
- Lá dong rửa sạch, cắt bỏ phần sống lá cứng.
- Ngâm dây lạt trong nước khoảng 10 phút cho mềm.
4.2. Bước 2: Nhuộm màu xanh cho nếp và ướp đậu
- Nếp sau khi đã ngâm với nước bạn hãy trộn với nước cốt lá riềng để ngấm và lên màu.
- Đậu xanh ướp với ½ muỗng muối cho đậm đà.
4.3. Bước 3: Tiến hành gói bánh
Khác với bánh chưng vuông, gói bánh chưng gù không cần đến khuôn mà chủ yếu là sự khéo léo của đôi tay.
- Đầu tiên hãy lật mặt sau của 2 chiếc lá dong nguyên rồi xếp tráo đầu đuôi chồng lên nhau.
- Cho lần lượt nếp, nhân đậu xanh, nhân ba chỉ, nhân đậu xanh và cuối cùng là phủ một lớp nếp lên nữa.
- Túm hai bên mép lá lại rồi xếp chặt tay, túm phần đầu lá dong và vuốt dẹp để định hình được phần nhân bên trong. Dựng bánh lên rồi vỗ xuống để nhân nén xuống và làm như vậy đối với đầu còn lại.
Nếu thấy phần giữa bánh gù là đã thành công, lúc này chỉ cần quấn dây lạt xung quanh và xoắn chặt để hoàn thành.
4.4. Bước 4: Nấu bánh chưng gù
Bánh chưng gù hay các loại bánh chưng khác sẽ ngon hơn khi nấu bằng bếp củi. Cho nước ngập bánh và đun trong khoảng 4 tiếng là có thể thưởng thức.