Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Vào dịp Tết, bên cạnh bàn thờ gia tiên thì trang trí bàn thờ ông Địa ngày Tết cũng là một việc cần thiết nhằm thể hiện sự tôn trọng, lòng thành kính với các vị tiên phù hộ cho việc kinh doanh của gia đình hoặc doanh nghiệp, đồng thời mang lại may mắn và cầu mong một năm làm ăn phát đạt. Dưới đây là cách trang trí bàn thờ ông Địa ngày Tết đủ lễ, đúng chuẩn mà gia đình và doanh nghiệp có thể tham khảo.
1. Vị trí đặt bàn thờ ông Địa đúng phong thủy
Bàn thờ ông Địa, ông Thần Tài thường được đặt ở cửa chính vì đây được xem là vị trí vượng khí để đón tài lộc và may mắn vào nhà. Bên cạnh đó, hướng đặt bàn thờ ông Địa cần phù hợp với mệnh của gia chủ, cụ thể như sau:
- Người mệnh Kim cần đặt bàn thờ quay về hướng Đông Bắc, Tây Nam hoặc Tây Bắc.
- Người mệnh Mộc cần đặt bàn thờ quay về hướng Đông, Đông Nam hoặc Tây Bắc.
- Người mệnh Thủy cần đặt bàn thờ quay về hướng Tây, Tây Bắc, Tây Nam hoặc Đông Bắc.
- Người mệnh Hỏa cần đặt bàn thờ quay về hướng Nam, Đông Nam, Đông hoặc Bắc.
- Người mệnh Thổ cần đặt bàn thờ quay về hướng Đông Nam, Đông Bắc.
2. Các vật phẩm, đồ trang trí bàn thờ ông Địa ngày Tết
2.1. Các vật phẩm cơ bản
Bàn thờ ông Địa, ông Thần Tài sẽ có vật phẩm, đồ trang trí cơ bản như sau:
- Bài vị của ông Địa, ông Thần Tài thường sẽ có khắc câu đối “Thổ năng sinh bạch ngọc – Địa khả xuất hoàng kim” hoặc 4 chữ “Chiêu tài tiến bảo”.
- Lư hương và bộ đỉnh thờ cúng được chạm khắc tinh xảo và đặt đúng chỗ, không nên tự ý di chuyển hay thay đổi lư hương vì điều này sẽ ảnh hưởng đến cung tài lộc của gia chủ hoặc doanh nghiệp. Lư hương cần được dọn sạch sẽ vào ngày 23 tháng Chạp và khi dọn dẹp, số lượng chân nhang còn trong lư hương phải là số lẻ và phần chân nhang được rút ra nên được đốt rải rác ngoài vườn.
- 3 chén gạo, muối, nước cần được thay mới và sau khi kết thúc nghi lễ cúng bái, gia chủ cần rải muối xung quanh ngôi nhà để xua đi vận rủi và chào đón một năm mới bội thu.
2.2. Hoa trang trí bàn thờ ông Địa ngày Tết
Bàn thờ ông Địa ngày Tết cần được trưng hoa tươi để tỏ lòng thành kính với các vị tiên phù hộ cho sự nghiệp của gia đình hoặc công ty. Mỗi loài hoa sẽ có ý nghĩa khác nhau nên gia chủ có thể tham khảo và trưng các loại hoa sau đây:
- Hoa cúc vàng biểu tượng cho sự trường thọ, sự giàu sang và là loài hoa thường được dùng trong trang trí Tết vì chúng lâu tàn.
- Hoa đồng tiền tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc và mong ước sức khỏe dồi dào trong năm mới.
- Hoa mẫu đơn đại diện cho sự thịnh vượng, phồn vinh và mang lại may mắn cho gia chủ.
- Lưu ý khi cắm hoa, gia chủ nên chọn những cành có nhiều nụ hoa, lá xanh tươi tốt để bàn thờ ông Địa đẹp hơn. Hoa trang trí bàn thờ Thổ Địa – Thần Tài cần cắm số lẻ, thường là 9 bông vì đây là số tượng trưng cho sự vĩnh cửu, trường thọ, hạnh phúc và may mắn.
2.3. Mâm ngũ quả
Gia chủ có thể chưng mâm ngũ quả với các loại trái cây như: Cam, táo, đào, nho, dứa, chuối, bưởi, phật thủ, lựu,… để cầu may mắn và một năm bình an, thành công, thịnh vượng. Không nên dùng trái cây giả, trái có gai nhọn, mùi quá nồng, trái cây mọc sát đất hoặc trái cây quá chín.
2.4. Các đồ trang trí khác
Ngoài những vật phẩm cơ bản, gia chủ có thể trang trí thêm các đồ vật như: Tỳ hưu, ly nước Minh Đường Tụ Thủy, tháp tỏi, bát bánh văn xương, bát hương Thất bảo, đèn trang trí,… để bàn thờ Thần Tài – Thổ Địa thêm phần đẹp mắt và mang đến tài lộc, giàu sang, thành công cho doanh nghiệp và gia đình.
3. Cách trang trí bàn thờ ông Địa ngày Tết đẹp mắt và đúng chuẩn
Dưới đây là cách trang trí bàn thờ ông Địa ngày Tết chuẩn phong thủy mà gia đình và các doanh nghiệp, công ty có thể tham khảo để đón một cái Tết đầy tài lộc, may mắn và thịnh vượng.
- Bài vị Thổ Địa – Thần Tài thường được khắc câu đối “Thổ năng sinh bạch ngọc – Địa khả xuất hoàng kim” hoặc 4 chữ “Chiêu tài tiến bảo” để cầu may mắn và tài lộc.
- Tượng ông Địa được đặt bên phải, còn ông Thần Tài sẽ được đặt bên trái. Chính giữa là 3 hũ đựng gạo, muối, nước.
- Tiếp theo đó là lư hương đặt chính giữa bàn thờ và tránh xê dịch lư hương trong khi dọn dẹp để không làm ảnh hưởng đến tài lộc của gia chủ.
- Đặt lọ hoa bên phải, gần dĩa tỏi và đặt mâm ngũ quả ở bên trái bàn thờ. Nếu bàn thờ không đủ chỗ thì mâm ngũ quả có thể đặt dưới đất, chính giữa và sát với khám thờ.
- Tiếp đến sắp xếp 5 chung nước theo hình chữ thập mang ý nghĩa ngũ phương và ngũ hành.
- Có thể đặt thêm dĩa tỏi và ông cóc để thu hút vượng khí. Lưu ý tượng cóc cần đặt hướng ra ngoài vào buổi sáng và buổi tối thì quay tượng cóc vào trong.
- Bát nước có rắc cánh hoa hồng nên đặt trên đất với ý nghĩa là giữ tiền của không trôi đi.
Trên đây là cách trang trí bàn thờ ông Địa ngày Tết chuẩn xác và theo phong thủy mà gia đình và doanh nghiệp có thể áp dụng để thu hút tài lộc cũng như thể hiện tấm lòng của mình với thần linh. Hy vọng bài viết của Websosanh.vn sẽ mang đến những thông tin hữu ích giúp gia đình chuẩn bị và trang trí nhà để đón một mùa Tết 2024 ấm no, đong đầy hạnh phúc.