Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Đây là lần đầu tiên dòng máy tính xách tay OmniBook của HP được khởi động lại kể từ năm 2002, và đây cũng là lần đầu tiên họ ra mắt một chiếc PC được trang bị chip xử lý Qualcomm Snapdragon X-series với công nghệ Copilot+ AI. Mặc dù không phải là chiếc laptop Qualcomm đầu tiên của HP – năm 2021 HP từng sản xuất EliteBook Folio cũng dùng chip ARM – nhưng OmniBook X 14 được định vị như một sản phẩm phổ thông hơn.
Và với việc dòng OmniBook sẽ thay thế cho các dòng Pavilion và Envy hiện tại của HP, nó cần phải thực sự nổi bật. Cũng giống như Microsoft Surface Laptop 7, đây là một chiếc laptop dành cho doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng được tăng cường bởi trí tuệ nhân tạo, nhắm vào cùng một đối tượng khách hàng giống MacBook Air M3 của Apple.
1. Thiết kế của HP OmniBook X 14
Về thiết kế, Omnibook X 14 gây ấn tượng với vẻ ngoài thanh lịch, tinh tế. Thân máy của nó được làm từ nhôm nguyên khối với kích thước gọn nhẹ 313 x 224 mm, chỉ dày 14,4mm ở phần dày nhất. So với kích thước màn hình 14 inch, đây là một thiết kế rất gọn gàng và tinh tế.
Toàn bộ thân máy được hoàn thiện liền mạch, với các khe tản nhiệt ở cạnh gáy và dưới đáy. Thiết kế tổng thể trông rất gọn gàng, không có những chi tiết cầu kỳ mà vẫn đảm bảo sự chắc chắn, bền bỉ.
Song, một điểm hạn chế của thiết kế này chính là hãng buộc phải hy sinh cổng kết nối. Omnibook X 14 chỉ có 2 cổng USB-C và 1 cổng USB-A, trong đó chỉ có một cổng USB-C 4.0 hỗ trợ tốc độ 40Gbps, còn lại là cổng USB 3.2 Gen 2 tốc độ 10 Gbps. Điều này có thể gây bất tiện khi người dùng muốn kết nối với nhiều thiết bị ngoại vi.
Bàn phím của Omnibook X 14 có bố cục phổ thông, nhưng các phím có kích thước lớn, khoảng cách đều và phím Shilf khá rộng rãi. Mặc dù hành trình phím hơi nông nhưng cảm giác gõ vẫn chắc chắn và nhanh nhẹn.
Touchpad cũng là một điểm cộng với tiết diện khá lớn so với tổng thể máy (12.5 x 8 cm). Bàn di này có độ chính xác và khả năng phản hồi tốt, thao tác rất mượt mà.
2. Màn hình của HP OmniBook X 14
Trong khi thiết kế chất lượng hoàn thiện của OmniBook X 14 nhận được nhiều lời khen thì phần màn hình lại không quá nổi bật. Tuy vậy, đây vẫn là một màn hình chất lượng, chỉ có điều nó không gây được ấn tượng mạnh mẽ mà thôi.
Màn hình của máy là loại LCD IPS 14 inch với độ phân giải 2240 x 1400 pixel, độ sắc nét và chi tiết tốt. Màu sắc của nó khá rộng với 99,9% độ phủ sRGB, 76% Adobe RGB và 81% DCI-P3. Độ chính xác màu cũng ở mức khá tốt với Delta E trung bình chỉ 1,55.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của màn hình này là độ sáng tối đa chỉ được có 300 nits (thực tế là 290 nits), chính điều này đã khiến màn hình này không thực sự nổi bật so với các laptop khác cùng phân khúc. Nhìn chung nó đủ dùng ở môi trường văn phòng, nhưng nếu nguồn sáng phòng quámạnh thì độ sáng này chưa đủ để đảm bảo nội dung hiển thị sắc nét.
Bù lại, chất lượng âm thanh lại là một điểm cộng của OmniBook X 14. Âm thanh tái tạo rõ ràng và mạnh mẽ, phù hợp cho cả giải trí lẫn họp trực tuyến. Webcam 1080p cũng ghi hình sắc nét, đặc biệt khi kết hợp với các tính năng của phần mềm Copilot+ PC Studio như làm mờ hậu cảnh
3. Cấu hình và hiệu năng của HP OmniBook X 14
HP OmniBook X 14 được trang bị chip Snapdragon X Elite của Qualcomm, cụ thể là bộ xử lý X1E-78-100. Nó có thể dễ dàng xử lý hàng chục tab Google Chrome và một số video Youtube mà không gặp vấn đề gì.
Trong bài kiểm tra hiệu suất tổng thể Geekbench 6.3, chiếc laptop HP 14 inch này đạt 12.861 điểm, vượt qua mức trung bình của laptop cao cấp là 9.907 điểm. Thậm chí nó còn vượt qua Macbook Air M3 (12.052 điểm) và Asus Zenbook 14 Core Ultra 7 155H (12.707 điểm). Kiểm tra thực tế hiệu suất convert video trong HandBrake, OmniBook X 14 mất khoảng 5 phút 46 giây để chuyển một video 4K thành 1080p, nhanh hơn Macbook Air M3 (6 phút 30 giây).
Về đồ họa, giống như hầu hết laptop sử dụng Snapdragon X Elite hiện nay thì HP OmniBook X 14 không đáp ứng được kỳ vọng cao, GPU Adreno là chưa đủ để đưa nó đi xa hơn.
Trong bài kiểm tra đồ họa tổng hợp 3DMark Fire Strike, laptop 14 inch này chỉ đạt 5.330 điểm, tụt lại khá xa so với nhóm laptop cao cấp (8.812 điểm). Trải nghiệm thực tế với tựa game Sid Meier’s Civilization VI: Gathering Storm (cài đặt Medium, 1080p), HP OmniBook X 14 chỉ đạt trung bình 20FPS, không đạt được mức tối thiểu 30FPS để chơi được.
4. Hiệu suất AI
HP OmniBook X 14 không phải một chiếc laptop Windows thông thường, nó là một chiếc PC Copilot+. Giống như hầu hết laptop Windows 11 hiện đại, ta có thể khởi động Copilot bằng phím chuyên dụng trên bàn phím.
Tuy nhiên, PC Copilot+ khác với laptop Windows 11 ở chỗ nó hỗ trợ một số tính năng AI. Chẳng hạn như tính năng Cocreator trong ứng dụng Paint có thể hoàn thiện một bức vẽ từ những nét vẽ phác thảo đơn giản của người dùng. Hay như tính năng Image Creator trong Photos, có thể tạo ra một bức ảnh AI dựa trên những dòng chữ mà ta nhập vào. Đây là những tính năng khiến Windows ngày càng trở nên thú vị hơn.
Tuy nhiên, nó cũng có một tính năng khá gây tranh cãi, đó là Recall. Tính năng này sẽ theo dõi lịch sử sử dụng laptop giống như cách chúng ta theo dõi lịch sử trình duyệt vậy. Ta có thể chuyển đổi dòng thời gian để xem những gì mà mình đã làm cách đây vài giờ, đây là một tính năng rất tiện dụng, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những rủi ro về bảo mật. Hiện tại, tính năng này đang tạm thời bị khóa, và cho đến khi Microsoft giải quyết được vấn đề về bảo mật thì nó mới quay trở lại, nhưng khả năng cao cũng chỉ có một số người trong Windows Insiders được tiếp cận và trải nghiệm.
Độc lập với Copilot là một ứng dụng được HP cài đặt sẵn có tên là HP AI Companion. Ứng dụng này hoạt động dựa trên GPT-3.5 để ta có thể đặt câu hỏi và nhận về những giải đáp giống như bất kỳ chatbot AI nào khác. Tuy nhiên, phải nói rằng tính năng này khá thừa thãi khi mà Copilot hiện đã được tích hợp GPT-4 Turbo mạnh mẽ hơn.
5. Thời lượng pin
Màn hình thiếu ấn tượng, hiệu suất cũng không phải đỉnh cao, nhưng HP OmniBook X 14 đã gỡ gạc lại thống trị hoàn toàn ở một lĩnh vực quan trọng khác: thời lượng pin. Khi thử nghiệm chạy video 1080p, nó đạt con số không thể tin được là 16 giờ 47 phút.
Trước khi HP OmniBook X 14 xuất hiện thì Lenovo ThinkPad X1 Gen 9 là chiếc laptop Windows có thời lượng pin dài nhất với 14 giờ 21 phút ở cùng điều kiện test, ngay cả Macbook Air M3 của Apple cũng chỉ được khoảng 10 giờ 36 phút mà thôi.
6. Tạm kết
Tổng thể mà nói, mặc dù HP OmniBook X 14 không hiệu năng bằng nhiều laptop cao cấp khác, nhưng nó là một chiếc laptop mỏng, nhẹ hơn với thời lượng pin ‘vô song’. Nó cũng mang lại giá trị sử dụng tuyệt vời khi so sánh với các laptop cùng phân khúc, bao gồm Microsoft Surface Laptop 7 và Macbook Air M3. Điều duy nhất khiến nó hơi kém so với các đối thủ là màn hình không đủ sáng, nhưng độ phân giải và khả năng tái tạo màu sắc không thành vấn đề.
Trên hết, với mức giá cạnh tranh từ 1.199 USD (khoảng 27,7 triệu đồng), chiếc laptop HP 14 inch này có giá ngang bằng với Macbook Air M3 phiên bản cơ sở (8CPU, 8GPU, 256GB). Nếu xét về khía cạnh giá trị, OmniBook X 14 thực sự rất hấp dẫn.