Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
1. Tổng quan thiết kế HP EliteBook Ultra G1q
Về thiết kế, HP EliteBook Ultra G1q sở hữu vẻ ngoài vô cùng thanh lịch và chuyên nghiệp nhờ việc sử dụng chất liệu kim loại cao cấp. Đặc biệt, sản phẩm được lựa chọn sắc xanh dương thẫm, tạo nên sự khác biệt so với các mẫu máy xám, bạc thông thường. Điều này giúp máy không bị nhàm chán mà thay vào đó là một vẻ đẹp lịch lãm và phù hợp với không gian làm việc chuyên nghiệp.
Về kích thước, HP EliteBook Ultra G1q có độ dày chỉ 8,4 mm tại vị trí mỏng nhất và 14,4mm ở điểm dày nhất, trọng lượng chỉ 1,34 kg. Như vậy, máy có thể được coi là một trong những mẫu máy tính xách tay siêu mỏng và nhẹ trên thị trường hiện nay. Điều này giúp người dùng có thể dễ dàng bê vác máy đi làm việc hay di chuyển đến các địa điểm khác mà không cảm thấy nặng nề.
Mặc dù được thiết kế mỏng nhẹ, HP EliteBook Ultra G1q vẫn không thiếu các cổng kết nối đa dạng. Máy có hai cổng USB-C, một cổng USB-A cùng với một jack 3,5 mm kết hợp cả tai nghe và mic. Điều này giúp người dùng có thể kết nối đa dạng các thiết bị ngoại vi, từ chuột, bàn phím, ổ cứng di động đến tai nghe và loa ngoài một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, một điểm trừ là máy không có cổng HDMI, vì vậy nếu muốn kết nối màn hình hoặc tiv bên ngoài, ta cần phải có bộ chuyển đổi tương ứng.
2. Màn hình của EliteBook Ultra G1q
Màn hình của HP EliteBook Ultra G1q có kích thước 14 inch với độ phân giải 2.2K (2240 x 1400 pixel) và công nghệ tấm nền IPS. Đây là một cấu hình màn hình khá tốt cho một chiếc máy tính xách tay thương mại.
Chất lượng hiển thị của màn hình cũng rất ấn tượng, với độ sắc nét cao, màu sắc chân thực và góc nhìn rộng nhờ công nghệ IPS. Tuy nhiên, máy sử dụng tấm kính phủ nên có thể bị phản chiếu dưới ánh sáng mạnh. Thêm nữa là độ sáng màn hình chỉ được 300 nits, hơi thấp so với một số mẫu máy khác trong cùng phân khúc, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng hiển thị dưới ánh sáng mạnh của máy.
Màn hình này có cảm ứng hỗ trợ 10 điểm chạm, mang đến khả năng tương tác mượt mà và phản hồi nhanh cho những người ưa thích thao tác trực tiếp. Nó cũng được tích hợp công nghệ Low Blue Light để giảm mỏi mắt khi sử dụng trong thời gian dài, một tính năng thể hiện sự chu đáo của HP dành cho những người thường xuyên phải làm việc nhiều giờ với màn hình máy tính.
3. Bàn phím và Touchpad
Bàn phím trên EliteBook Ultra G1q mang đến trải nghiệm gõ phím tuyệt vời, điều này rất quan trọng đối với một thiết bị hướng đến người dùng tập trung vào năng suất. Layout bàn phím tiêu chuẩn đối với một chiếc laptop 14 inch, có đèn nền, các phím cách đều nhau với hành trình phím vừa phải và phản hồi tốt, cho phép ta gõ phím thoải mái và chính xác.
Việc tích hợp phím Microsoft Copilot chuyên dụng là một tính năng tiên tiến phù hợp với thiết kế tập trung vào AI của EliteBook Ultra G1q. Phím này cung cấp quyền truy cập nhanh vào trợ lý AI của Windows, cho phép người dùng tận dụng khả năng AI cho nhiều tác vụ khác nhau một cách liền mạch.
Bên cạnh đó, touchpad của máy cũng có kích thước vừa phải, không quá lớn mà cũng không quá nhỏ. Touchpad này hỗ trợ cử chỉ đa điểm, cho phép người dùng thoải mái sử dụng các tính năng cảm ứng trên Windows.
4. Cấu hình và hiệu năng của HP EliteBook Ultra G1q
Chiếc laptop HP 14 inch này được trang bị bộ xử lý Qualcomm Snapdragon X Elite (X1E-78-100) 12 nhân, kết hợp với 16GB RAM LPDDR5X 8400MHz và ổ SSD PCIe NVMe 1TB. Đây là cấu hình khá mạnh mẽ so với phân khúc laptop doanh nghiệp, mang đến bước nhảy vọt đáng kể về hiệu suất và hiệu quả cho các thiết bị Windows-on-ARM.
Cấu hình 12 lõi của bộ xử lý, kết hợp với Hexagon NPU (Neural Processing Unit) có khả năng xử lý 45 TOPS (Trillion Operations Per Second – nghìn tỷ phép tính mỗi giây), cung cấp đủ năng lượng cho các tác vụ được tăng tốc bằng AI. Điều này biến EliteBook Ultra G1q thành một chiếc PC AI thế hệ tiếp theo thực sự, có khả năng xử lý AI cục bộ để nâng cao năng suất và quy trình làm việc sáng tạo. Điểm chuẩn của nó như sau:
- Geekbench 6: 2337 điểm đơn nhân, 13.173 điểm đa nhân
Về mặt đồ họa, GPU Qualcomm Adreno mang lại hiệu suất tương đối tốt, phù hợp với các tác vụ đồ họa từ nhẹ đến trung bình. Mặc dù không có khả năng chơi game, nhưng nó vẫn có khả năng xử lý các tác vụ đồ họa chuyên nghiệp ở mức độ nhất định.
- 3DMark Time Spy: 1811 điểm
- 3DMark Time Spy Extreme: 902 điểm
- 3DMark Solar Bay: 9848 điểm
- 3DMark Steel Nomad: 495 điểm
Với 16GB RAM LPDDR5x được hàn trên bo mạch chủ, về cơ bản là chiếc laptop HP 14 inch này cho khả năng đa nhiệm tương đối mượt mà, chỉ có điều là ta không nâng cấp được mà thôi. Ổ cứng PCIe NVMe 1TB đảm bảo thời gian khởi động và khởi chạy ứng dụng nhanh, góp phần tạo nên cảm giác nhanh nhạy tổng thể của hệ thống.
Trong suốt quá trình thử nghiệm, chiếc laptop 14 inch này cho trải nghiệm sử dụng tương đối thuận lợi. Nó hoàn thành các ứng dụng năng suất cơ bản đến khối lượng công việc đòi hỏi khắt khe một cách dễ dàng, duy trì hiệu suất mượt mà toàn thời gian mà không gặp vấn đề gì. Đặc biệt nhất là dù chạy với hiệu suất cao trong thời gian dài nhưng laptop hoàn toàn im ắng, tiếng quạt rất êm hoàn toàn không gây khó chịu ngay cả ở môi trường văn phòng.
5. Window trên ARM
Như đã nói, EliteBook Ultra G1q là một trong những chiếc laptop AI sử dụng hệ điều hành Windows 11 của Microsoft được thiết kế riêng để chạy trên kiến trúc Arm, nhằm nâng cao hiệu suất mà không ảnh hưởng đến thời lượng pin.
Khác biệt cối lõi giữa Window-on-Arm và Windows thông thường nằm ở khả năng tương thích ứng dụng. Trong khi Windows 11 tương thích với hầu hết các ứng dụng cũ mới được thiết kế cho kiến trúc x86/x64 (32 bit và 64 bit), thì Windows 11 trên EliteBook Ultra G1q chỉ tương thích với các ứng dụng ‘native’ Arm64, hoặc nếu muốn chạy các ứng dụng x86/x64 cần phải thông qua môi trường giả lập Prism.
Nhưng nhìn chung thì hầu hết các ứng dụng cần thiết để sử dụng hàng ngày nói chung như bộ Office (Word, Excel, PowerPoint…), các trình duyệt như Chrome, Firefox, Opera; và phần mềm sáng tạo như Adobe Photoshop và Photoshop Lightroom vẫn chạy khá hoàn hảo, vì chúng có sẵn phiên bản Arm gốc. Một số phần mềm như Adobe Acrobat và Reader, tuy không có phiên bản Arm nhưng vẫn có thể chạy tốt trên máy thông qua giả lập.
Dù vậy, vẫn còn một danh sách dài các ứng dụng và phần mềm chưa sẵn sàng cho Windows 11 chạy Arm. Trong đó, một vài ứng dụng khá quan trọng có thể kể đến như Illustrator, InDesign, After Effects, Premiere Pro và Media Encoder. Hiện các nhà phát triển vẫn đang nỗ lực triển khai phiên bản Arm cho các ứng dụng này, nhưng thời gian hoàn thành cụ thể thì chưa biết lúc nào.
Ngoài ra, một bất cập khác của Windows-on-Arm là khó khăn trong việc tương thích với các thiết bị cũ như máy in, máy quét… Một số thiết bị đời cũ sẽ không thể thiết lập kết nối được với EliteBook Ultra G1q ngay cả khi đã cài đặt phần mềm trong môi trường giả lập.
6. Hiệu suất AI của EliteBook Ultra G1q
Dựa trên nền tảng AC AI Microsoft Copilot+, EliteBook Ultra G1q được tích hợp nhiều tính năng AI như Studio Effects giúp nâng cao trải nghiệm họp trực tuyến, Cocreate cho khả năng tạo nội dung trong ứng dụng Pain, Image Creator để tạo hình ảnh từ văn bản trong Photos và Live Captopn để dịch nội dung âm thanh và video sang phụ đề. Cơ bản mà nói thì các tính năng AI này mang đến sự mới mẻ so với trải nghiệm Windows thuần túy, tuy nhiên, tính thực dụng của chúng thì vẫn cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.
7. Thời lượng pin
Màn hình và hiệu suất không quá nổi bật, nhưng thứ mà HP EliteBook Ultra G1q có thể gỡ gạc lại được là thời lượng pin. Chiếc laptop 14 inch này cung cấp khoảng 14 giờ sử dụng chỉ với một lần sạc đầy, đối với nhu cầu sử dụng hỗn hợp (như làm việc văn phòng), nó cũng ổn định ở mức 10 giờ, đủ cho hầu hết mọi người.
8. Tạm kết
Với mức giá khởi điểm từ 1.699 USD (khoảng 39 triệu đồng), HP EliteBook Ultra G1q đại diện cho một bước tiến đáng kể trong thế giới laptop chuyên nghiệp, đặc biệt là đối với hệ sinh thái Windows-on-Arm. Từ cấu trúc mỏng và nhẹ đến màn hình hướng đến năng suất, hiệu suất mượt mà và thời gian sử dụng pin lâu, chiếc laptop HP 14 inch này đáp ứng mọi yêu cầu của một chiếc máy tính xách tay tốt.
Tuy nhiên, trước khi mua Elitebook Ultra G1q, bạn nên cân nhắc thật kỹ về nhu cầu của bản thân, và tìm hiểu xem liệu phần mềm mình hay dùng có phù hợp với kiến trúc Arm không đã nhé.