Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Không thể phủ nhận trong lịch sử hình thành và phát triển của HTC đã có những giai đoạn đầy thăng hoa. Xuất phát điểm từ một công ty gia công phần cứng nhưng với nhãn quan chiến lược xuất sắc, hãng điện thoại Đài Loan đã kết duyên cùng Android và trở thành OEM đầu tiên của Google. Tuy nhiên, khi mà miếng bánh Android dần dần bị chia cắt bởi quá nhiều ông lớn cộng với những sai lầm chủ quan, HTC chỉ còn thoi thóp nhìn Samsung hay Apple tung hoành trên chiến trường di động. Trong những nỗ lực cuối cùng ở “phút 90”, HTC đã đưa ra hướng đi của riêng mình, đó là hợp tác với các hãng sản xuất chip giá rẻ để kéo chi phí sản xuất và từ đó là giá thành sản phẩm xuống một mặt bằng chung thấp hơn.
Đối tác truyền thống Qualcomm sẽ không còn chi phối quá nhiều trên các sản phẩm của HTC nữa. Thay vào đó, HTC đã quyết định bắt tay cùng những cái tên mà chúng ta không thường xuyên bắt gặp như Spreadtrum, Broadcom và thậm chí cả ST Ericsson. Minh chứng cụ thể nhất là loạt sản phẩm thuộc dòng Desire vừa trình làng của HTC đều trang bị các mẫu chip giá rẻ kể trên. Theo đó, HTC Desire 501 sở hữu vi xử lý lõi kép ST Ericsson U8520 tốc độ 1,15 GHz, Desire 601 trang bị chip lõi tứ Broadcom Java SoC tốc độ 1,2 GHz. Còn mẫu điện thoại Desire 700 cao cấp hơn sẽ chạy vi xử lý lõi tứ Spreadtrum Shark tốc độ 1,2 GHz, chỉ duy nhất chiếc Desire 300 là vẫn trung thành với chip lõi kép Qualcomm Snapdragon S4 xung nhịp 1 GHz.
Tuy nhiên, thật không may là giá bán của các sản phẩm kể trên vẫn ở mức khá cao, có lẽ hãng điện thoại Đài Loan vẫn muốn tối đa hóa lợi nhuận của mình để bù vào những khoản lỗ mới ghi nhận trong thời gian qua. Người dùng rất khó chấp nhận mức giá lên tới 470 USD của Desire 700 hay 370 USD của Desire 601. Thực sự từ lời nói và việc làm của HTC lại đang có một sự mâu thuẫn không hề nhỏ. Hệ quả của chiến lược này chắc chắn sẽ được kiểm chứng sau một thời gian ngắn nữa và chúng ta có thể chờ xem liệu rằng HTC có thể “vượt vũ môn hóa rồng” như hãng đã từng làm được vào năm 2011 hay không.