Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Điện thoại cổ lên ngôi
Trong bối cảnh thị trường smartphone ngày một bùng nổ, với các sản phẩm mới ra mắt gần như mỗi ngày, người dùng dường như không còn cảm thấy hào hứng với những chiếc điện thoại thông minh đa chức năng như trước kia. Quên đi những ứng dụng, những trò chơi thú vị, các cuộc gọi video với những khuôn mặt cười, người dùng đang có xu hướng hoài cổ hơn khi tìm về những chiếc điện thoại cầm tay thời xưa cũ như Nokia 3310 hay StarTec Motorola 130 chỉ gói gọn chức năng trong nghe gọi và nhắn văn bản.
Nhu cầu ngày càng tăng đối với các mẫu điện thoại cổ, đặc biệt là của Nokia, Ericsson và Motorola, khiến giá của chúng được đẩy lên cao một cách không tưởng, thậm chí có những mẫu lên tới 1.000 euro, một mức giá không tưởng đối với những chiếc điện thoại một thời bị vứt vào sọt rác.
Motorola V3 – Huyền thoại một thời của làng điện thoại di động.
Djassem Haddad, chủ sở hữu trang web vintagemobile, cho hay: “Chúng tôi đang sở hữu nhiều mẫu điện thoại cũ có giá hơn 1.000 euro. Tuy nhiên, một số người thậm chí còn không thèm ngã giá, và chúng tôi đôi khi không tìm đủ nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là những chiếc điện thoại cũ được phát hành dưới dạng phiên bản giới hạn”.
Ông Haddad cũng cho biết người dùng bắt đầu tìm về các mẫu điện thoại cũ từ 2 đến 3 năm trước, song phải đến năm ngoái, nhu cầu mới thực sự bùng nổ.
Trong hai năm qua, ông Haddad đã bán được khoảng 10.000 chiếc điện thoại cổ. “Đối tượng tìm mua điện thoại cổ nhiều nhất là người cao tuổi, những người không đòi hỏi một chiếc điện thoại tính năng cao mà chỉ cần một chiếc điện thoại nghe gọi đơn giản, dễ dùng. Kế đó là những người muốn mua thêm một chiếc điện thoại giá rẻ dùng song song với smartphone”. Ông Haddad cũng cho biết mẫu điện thoại cổ bán chạy nhất hiện nay là Nokia 8210, với màn hình nhỏ đơn sắc, và nút bấm bằng nhựa.
Một điều trớ trêu là xu hướng hoài cổ của người dùng xuất hiện trong bối cảnh ngành công nghiệp viễn thông đang tìm cách loại bỏ hoàn toàn các loại điện thoại cũ, mở đường cho thời đại smartphone. Đây có lẽ cũng là điều vô cùng bất ngờ với Nokia và Motorola, hai hãng từng làm mưa làm gió trên thị trường điện thoại di động rốt cuộc phải chấp nhận thất bại vì không theo kịp thời đại.Xu hướng hoài cổ hay sự thụt lùi của smartphone?
Damien Dounari, chuyên gia về công nghệ mới tại Fada, thừa nhận sử dụng các loại điện thoại retro (điện thoại bấm số) đang trở thành một trào lưu mới. Thậm chí, có một số người quay về với điện thoại cổ bởi lẽ vào thời điểm chiếc điện thoại đó ra mắt, họ không đủ tiền để mua được nó, và giờ là cơ hội để họ trải nghiệm điều họ từng mơ ước, ông Dounari nói.
Một điều nữa khiến ngày càng nhiều người dùng săn lùng điện thoại cổ đó là tính “độc” và “lạ”. Ngày nay, mặc dù có rất nhiều loại smartphone ra đời, song về tổng thế chúng đều na ná nhau, cả về hình thức lẫn công nghệ. Điện thoại cổ thì ngược lại, có những mẫu điện thoại chẳng hạn như Motorola RARZR V3, Motorola StarTAC 130, Ericsson A2628 hay các mẫu điện thoại độc đáo của Nokia như 2110, 8800, 7280, đã trở thành huyền thoại về sự độc đáo và khác biệt, thậm chí đẳng cấp mà ngày nay không nơi nào có thể bắt chước hoặc làm lại.
Điện thoại cổ đang vô cùng hút khách.
“Ngày nay, quá nhiều mạng xã hội trực tuyến, email, ứng dụng và trò chơi khiến chúng ta trở thành nô lệ của công nghệ ngay cả trong cuộc sống hàng ngày. Thế nên, xu hướng người dùng tìm về những chiếc điện thoại nghe gọi cũ cũng là điều dễ hiểu”, ông Dounari nhận định.
Ở Việt Nam, trào lưu chơi điện thoại cổ cũng bắt đầu rộ lên trong vài năm trở lại đây. Bên cạnh đó, người dùng cũng bắt đầu tìm mua các loại điện thoại bấm số giá rẻ để dùng mặc dù đã sở hữu cả smartphone. Theo thống kê websosanh.vn, số lượt người truy cập tìm mua các loại điện thoại bấm số màn hình đơn sắc như Nokia 6820 và các loại điện thoại cũ khác cũng nhiều không kém so với lượt truy cập mua smartphone.
Một điều đáng nói là ngày càng nhiều người trẻ, ở độ tuổi từ 25-35, quay về sử dụng điện thoại retro. Đây quả thực là điều rất đáng quan tâm, bởi đây chính là những đối tượng mà các hãng sản xuất smartphone nhắm đến nhiều nhất, điều đó khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi: Phải chăng đây là một bước tụt lùi của smartphone?
Quốc Đạt (Theo AFP)