Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Sau hàng loạt tính năng mới được triển khai lên mạng xã hội lớn nhất hành tinh, mới đây Facebook lại tiếp tục thử nghiệm một tính năng kì quặc khác cho người dùng smartphone và nó chắc chắn sẽ gây khó chịu với không ít người dùng.
Được thử nghiệm để theo dõi hoạt động nghe nhạc hay xem phim của người dùng, Facebook sẽ tự kích hoạt microphone trên smartphone sau đó theo dõi âm thanh xung quanh để đoán xem người dùng đang nghe hay đang xem gì. Những nội dung này sau đó sẽ được tự động đăng tải lên trang cá nhân của người dùng trên Facebook.
Tính năng này trước mắt sẽ được áp dụng vào những người dùng di động của Facebook.
Ví dụ như bạn đang xem bộ phim Game of Thrones hay nghe một bài hát của ca sĩ Katy Perry. Facebook sẽ tự động lấy thông tin này và đăng tải lên trang cá nhân ngay sau khi việc xác nhận được hoàn thành. Tính năng này được phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng Shazam, và nó sẽ là một tính năng tuyệt vời nếu như Facebook không… tự động đăng tải những gì người dùng nghe hay xem vào thời điểm đó.
Những gì Facebook “nghe” được, sau đó sẽ được xử lý và tự động đăng tải lên trang cá nhân của người dùng.
Chỉ sau khoảng thời gian ngắn thử nghiệm, đã có tới hơn nửa triệu người dùng Facebook khiếu nại lên mạng xã hội này đòi gỡ bỏ tính năng nói trên. Theo như Facebook, tính năng này được phát triển chỉ với mục đích chia sẻ tốt hơn cho người dùng, thế nhưng với việc sử dụng microphone mọi lúc mọi nơi, người dùng Facebook có thể bị theo dõi lúc nào không hay biết.
Một số người dùng Android đã nhận thấy Facebook yêu cầu truy cập cả microphone của người dùng.
Đại diện Facebook cho hay, họ không có ý định theo dõi hay đe dọa người dùng, tính năng này sau đó sẽ được phát triển để kích hoạt khi người dùng muốn chia sẻ mà thôi. Thêm vào đó, Facebook không sử dụng bất kì hệ thống lưu trữ nào để ghi lại các âm thanh từ người dùng, khả năng nhận diện âm thanh theo phim hay bài hát sẽ chỉ quét khi gặp đoạn âm thanh có tần số giống.
Trái ngược với thông báo từ Facebook, một số chuyên gia công nghệ cho hay tính năng này sẽ được Facebook áp dụng để theo dõi xu hướng xem, nghe của người dùng. Từ đó định hướng nhu cầu và áp dụng các đoạn quảng cáo phù hợp.
Tất nhiên, đích đến cuối cùng của Facebook vẫn là quảng cáo.
Hiện tại, vẫn chưa rõ những hiểm nguy mà ứng dụng này có thể mang lại, thế nhưng tính năng theo dõi trên đang được áp dụng ở Mỹ và sẽ sớm được triển khai ở Úc, sau đó là hàng loạt quốc gia nói tiếng Anh khác. Hãy tưởng tượng bạn theo dõi một chương trình ca nhạc với nhiều ca sĩ tham gia và Facebook sẽ tự động cập nhật 5 phút một lần những gì bạn vừa nghe, đây sẽ là trải nghiệm vô cùng khó chịu cho người dùng.