Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Khi được ra mắt, Facebook là một website đóng vai trò là mạng xã hội kết nối mọi người trên thế giới với nhau, và nó hầu như chỉ được sử dụng trên máy tính PC, hay laptop. Thế nhưng trước sự bùng nổ của các thiết bị di động trong vài năm gần đây, Facebook có lẽ đã nhận ra rằng đây mới là mảnh đất béo bở của họ.
Trở lại vào tháng 10/2012, giám đốc điều hành Mark Zuckerberg thậm chí tuyên bố với các nhà phân tích trong một buổi họp: “Hôm nay chúng ta không có gì phải tranh cãi, Facebook là một công ty điện thoại di động”. Niềm tin của Mark Zuckerberg thể hiện bằng việc ra mắt một loạt các tính năng hỗ trợ cho phiên bản di động của mạng xã hội. Và đến tháng 3 năm 2014, Facebook đánh dấu mốc 1 tỷ người sử dụng ứng dụng của họ trên các thiết bị di động.
Dựa trên những kinh nghiệm thực tế, tờ TheGuardian đã chỉ ra 8 điểm tương quan giữa Facebook và các thiết bị cầm tay, hay nói cách khác chúng thậm chí đóng vai trò là tương lai của mạng xã hội lớn nhất thế giới.
1. Thói quen sử dụng Facebook trên các smartphone vẫn tăng mạnh
Không gì có thể khẳng định điều này rõ ràng hơn con số hùng hồn với hơn 1 tỷ lượt người sử dụng Facebook trên các thiết bị di động hàng tháng trong quý đầu tiên năm 2014. Được biết, tỷ lệ này đã tăng tới 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời tần suất người sử dụng Facebook trên smartphone tăng 43%, hơn tháng 2/2013 tới 609 triệu người sử dụng mỗi ngày.
Cùng với số lượng người truy cập ấn tượng như vậy, chắc cũng dễ để hình dung về một con số khổng lồ từ khoản lợi nhuận thu được của các dịch vụ quảng cáo trên Facebook. Và một khi công ty đã có được nền móng tài chính vững mạnh, họ chắc chắn sẽ lại tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới.
2. Facebook đang xây dựng một mạng lưới các ứng dụng riêng
Các con số thống kê thói quen sử dụng của người dùng trong một tháng còn cho thấy, chỉ 55% lượng người truy cập trực tiếp Facebook từ smartphone của họ, tức là khoảng 441 triệu người dùng. Tiếp theo, Instagram và ứng dụng Facebook Messenger thu hút hơn 200 triệu lượt người dùng hàng tháng. Và cuối cùng chỉ riêng WhatsApp, thương vụ được Facebook mua lại với giá 19 tỉ USD mang lại cho họ tới 500 triệu lượt người sử dụng.
Đây là một chiếc lược kinh doanh hợp lý và thông minh của Facebook khi họ đang hướng việc thâu tóm gần như toàn bộ phương thức nhắn tin, liên lạc, chia sẻ thông tin giữa người dùng với nhau. Tất cả các ứng dụng trên sẽ có vai trò thúc đẩy, tác động cho chính sự phát triển của Facebook trong tương lai.
3. Không ngại ném tiền đầu tư cho ứng dụng và đội ngũ phát triển
1 tỷ USD cho Instagram vào tháng 4/2012 và 19 tỷ USD cho WhatsApp là những thương vụ đình đám hơn cả. Bên cạnh đó còn những thương vụ bị từ chối như Snapchat từ chối mua lại với giá 3 tỷ USD vào năm 2013, Facebook đang chứng tỏ rằng, họ không chỉ xây dựng các ứng dụng mới, mà họ còn sẵn sàng mua chúng.
Bên cạnh việc mua lại các thương hiệu nổi tiếng, Facebook còn hướng tới một mục đích sâu xa hơn, đó là sở hữu đội ngũ tài năng của các nhà phát triển, vốn đã có nhiều kinh nghiệm làm việc, hoặc có được tư duy tiên tiến đột phá. Họ được kỳ vọng sẽ nối tiếp cho thành công, đồng thời tạo thêm những tính năng mới hấp dẫn hơn cho mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
4. Facebook đang kiếm nhiều tiền hơn từ quảng cáo trên smartphone
Nhiều người sử dụng hơn đồng nghĩa với việc nhiều người nhìn thấy, và quan tâm đến các quảng cáo trên Facebook hơn. Trên thực tế trong thời gian gần đây Facebook còn đẩy mạnh quảng cáo hơn gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái, chưa kể tới việc mới đây mạng xã hội còn mua lại LiveRail – một công ty tư vấn và thiết kế các đoạn video quảng cáo.
Bên cạnh đó ngay cả khi bạn không sử dụng một ứng dụng riêng của Facebook, bạn vẫn sẽ nhìn thấy quảng cáo của họ. Nguyên do của việc này bắt nguồn từ việc hầu hết các ứng dụng trên smartphone ngày nay đều được kết nối với Facebook hay Twitter, Google+. Thế nhưng chưa một mạng xã hội nào có được chiến lược và thời cơ như Facebook để đính kèm các banner, đoạn video quảng cáo đi kèm. Có thể hình dung được khoản lợi nhuận quảng cáo của Facebook trên các thiết bị di động là không tưởng!
5. Sự phân bổ cân bằng tinh tế giữa quảng cáo và cập nhật của người dùng
Tần suất xuất hiện của quảng cáo của Facebook so với những cập nhật của người dùng cũng là một điểm đáng được quan tâm. Thử nghĩ xem, nếu như Facebook cho hiển thị quá nhiều quảng cáo trong mục tin mới, thì cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ nhìn thấy ít hơn những cập nhật từ bạn bè và các trang mình quan tâm. Thế nên Facebook đã hết sức thông minh khi phối hợp tinh tế giữa quảng cáo vào cập nhật, để tạo một tâm lý thoải má nhất cho người sử dụng.
Mới đây người phát ngôn của Facebook cho biết, nếu như họ được quyền đăng quảng cáo trên các thiết bị di động thì chắc chắn quảng cáo mà bạn thấy cũng sẽ là những thứ chúng ta quan tâm. Sở dĩ có được nhận định trên là vì mạng xã hội Facebook sẽ có nhiều nguồn tin khai thác từ smartphone của bạn, như là hay sử dụng ứng dụng nào, quan tâm đến môn thể thao nào, xu thế tìm kiếm ra sao,..
6. Facebook đang thay đổi cách thức để người dùng đăng nhập vào ứng dụng khác
Từ trước đến nay người dùng vẫn quen với cách thức đăng nhập vào các ứng dụng bằng mạng xã hội nhờ công nghệ Facebook Connect. Tuy nhiên mới đây tại hội nghị phát triển F8 của các nhà đầu tư, Facebook đã công bố một hình thức đăng nhập hoàn toàn mới, đó là đăng nhập ẩn danh.
Tính năng đăng nhập ẩn danh sẽ cho phép người dùng truy cập vào ứng dụng bằng tài khoản Facebook, nhưng sẽ không phải chia sẻ thông tin cá nhân với bất kỳ nhà phát triển nào khác. Đây hứa hẹn sẽ là một tính năng hấp dẫn và đóng vai trò như một bước tiến lớn trong việc duy trì sự riêng tư cho người dùng.
7. Facebook muốn nghiên cứu thói quen của người dùng di động
Một tính năng mới đến từ ứng dụng của Facebook sẽ được ra mắt vào cuối tháng này được mô tả như một tùy chọn trong việc chia sẻ sở thích âm nhạc, truyền hình và phim ảnh. Về cơ bản, các chức năng của nó sẽ tương đương ứng dụng Shazam, cố gắng xác định được sở thích vào thói quen người dùng, để đưa ra các gợi ý hợp lý.
Facebook cũng nói rằng, tính năng này sẽ được sử dụng giống như một hình thức tag trong các hoạt động của bạn. Có thể hiểu rằng từ việc cập nhật trạng thái, comment, like, đều sẽ được đưa ra phân tích bởi hệ thống. Từ đây Facebook lưu lại thói quen và sở thích của từng người dùng, để có thể đưa ra các gợi ý, và hướng nhóm đối tượng, quảng cáo cho người dùng.
8. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như mạng xã hội công bố “Facebook Phone”
Trong năm 2012, đã có một loạt tin đồn xung quanh việc liệu Facebook có tung ra một chiếc smartphone của riêng mình. “Zuckerberg đang lo lắng rằng nếu anh ta không sớm tạo ra một chiếc điện thoại thông minh, thì Facebook sẽ chỉ đơn giản là trở thành một ứng dụng trên các nền tảng di động khác.”, tờ TheGuardian cho biết vào thời điểm đó.
Điều đó đã không xảy ra, và cho tới tháng 4/2013, Facebook đã ra mắt một ứng dụng Android có tên là Facebook Home cùng với nhiều tính năng đặc trưng của mạng xã hội này. Zuckerberg phát biểu: “Chúng tôi không sản xuất điện thoại, chúng tôi không xây dựng một hệ điều hành. Chúng tôi đang xây dựng một cái gì đó sâu sắc hơn rất nhiều”.
Thế nhưng đến nay tại thời điểm 2014, có lẽ đã đến lúc Zuckerberg xem xét lại quyết định tạo ra một chiếc smartphone, bởi chính anh cũng từng thừa nhận, gây dựng một ứng dụng luôn tiềm tàng những rủi ro nhất định, “Khi cài đặt một ứng dụng, người dùng sẽ gỡ bỏ nếu nó không hoạt động như họ mong đợi”. Liệu rằng trong một vài năm tới, chúng ta có được chiêm ngưỡng smartphone mang thương hiệu của mạng xã hội Facebook hay không? , câu trả lời vẫn còn ở phía trước.
Nguyễn Nguyễn
Theo TheGuardian