Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Websosanh – Với những thay đổi toàn diện trong cách thức thi và tuyển sinh đại học và tốt nghiệp THPT năm 2015, các bạn học sinh lớp 12 đang hoang mang không biết rằng mình sẽ phải thi những môn nào, và thi ở đâu.
Năm 2015 mọi quy chế thi cử đều hoàn toàn thay đổi
Theo quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT, thì kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2015 được gộp làm 1 kì thi duy nhất, gọi là kì thi quốc gia năm 2015.
Những môn thi trong kì thi quốc gia nắm 2015
– Môn thi bắt buộc: Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
– Môn thi tự chọn tự đăng kí: Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
– Môn thi cho các thí sinh đã tốt nghiệp THPT và chỉ muốn thi tuyển sinh đại học: Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.
– Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.
Cấu trúc đề thi quốc gia năm 2015
Về đề thi: Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí: Thi tự luận, thời gian thi 180 phút; Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ: Thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút. Đề thi đánh giá thí sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh.
Về tổ chức thi: Việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Bộ GD-ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực.
Xét công nhận tốt nghiệp THPT: Các sở GDĐT kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng: Trước ngày 01/01 hằng năm, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng (gọi chung là trường ĐH, CĐ) công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh.
Căn cứ kết quả thi, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định của quy chế. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân.
Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố công khai Đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của quy chế. Tại các địa phương không có cụm thi do trường đại học chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT sẽ thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì.
Danh sách các 38 cụm thi của kì thi quốc gia năm 2015
1. Các cụm thi đặt tại Thành phố Hà Nội
Khu vực Hà Nội có 08 cụm thi do các trường đại học (ĐH) chủ trì như sau:
Cụm thi số 1: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội;
Cụm thi số 2: Trường ĐH Kinh tế quốc dân;
Cụm thi số 3: Trường ĐH Thủy lợi;
Cụm thi số 4: Học viện Kỹ thuật quân sự;
Cụm thi số 5: Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội;
Cụm thi số 6: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội;
Cụm thi số 7: Trường ĐH Lâm nghiệp;
Cụm thi số 8: Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Các cụm thi này dành cho thí sinh của Thành phố Hà Nội và 05 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Bắc Ninh.
2. Các cụm thi đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh
Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có 08 cụm thi do các trường ĐH chủ trì như sau:
Cụm thi số 9: ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh;
Cụm thi số 10: Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh;
Cụm thi số 11: Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh;
Cụm thi số 12: Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh;
Cụm thi số 13: Trường ĐH Sài Gòn;
Cụm thi số 14: Trường ĐH Tôn Đức Thắng;
Cụm thi số 15: Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh;
Cụm thi số 16: Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.
Các cụm thi này dành cho thí sinh của Thành phố Hồ Chí Minh và 06 tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận và Tây Ninh.
3. Các cụm thi đặt tại Thành phố Hải Phòng
Khu vực Hải Phòng có 02 cụm thi do các trường đại học (ĐH) chủ trì như sau:
Cụm thi số 17: Trường ĐH Hàng hải Việt Nam;
Cụm thi số 18: Trường ĐH Hải Phòng (phối hợp với Trường Đại học Giao thông vận tải).
Các cụm thi này dành cho thí sinh của Thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương.
4. Các cụm thi đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác
Cụm thi số 19: đặt tại tỉnh Sơn La, do Trường ĐH Tây Bắc chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội), dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Điện Biên và Sơn La
Cụm thi số 20: đặt tại tỉnh Thái Nguyên, do ĐH Thái Nguyên chủ trì, dành cho thí sinh của 05 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn và Thái Nguyên.
Cụm thi số 21: đặt tại tỉnh Tuyên Quang, do Trường ĐH Tân Trào chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2), dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Hà Giang và Tuyên Quang.
Cụm thi số 22: đặt tại tỉnh Phú Thọ, do Trường ĐH Hùng Vương chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Mỏ – Địa chất), dành cho thí sinh của 04 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Lai Châu.
Cụm thi số 23: đặt tại tỉnh Thái Bình, do Trường ĐH Y Thái Bình chủ trì, dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Thái Bình và Hưng Yên.
Cụm thi số 24: đặt tại tỉnh Thanh Hóa, do Trường ĐH Hồng Đức chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Y Hà Nội), dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Thanh Hóa và Ninh Bình.
Cụm thi số 25: đặt tại tỉnh Nghệ An, do Trường ĐH Vinh chủ trì, dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh.
Cụm thi số 26: đặt tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, do ĐH Huế chủ trì, dành cho thí sinh của 03 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Cụm thi số 27: đặt tại Thành phố Đà Nẵng, do ĐH Đà Nẵng chủ trì, dành cho thí sinh của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Cụm thi số 28: đặt tại tỉnh Bình Định, do Trường ĐH Quy Nhơn chủ trì, dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Bình Định và Quảng Ngãi.
Cụm thi số 29: đặt tại tỉnh Gia Lai, do Cơ sở Trường ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh Gia Lai chủ trì, dành cho thí sinh của các tỉnh: Gia Lai và Kon Tum.
Cụm thi số 30: đặt tại tỉnh Đắk Lắk, do Trường ĐH Tây Nguyên chủ trì, dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Đắk Lắk và Đắk Nông.
Cụm thi số 31: đặt tại tỉnh Lâm Đồng, do Trường ĐH Đà Lạt chủ trì, dành cho thí sinh của các tỉnh: Lâm Đồng và Ninh Thuận.
Cụm thi số 32: đặt tại tỉnh Khánh Hòa, do Trường ĐH Nha Trang chủ trì, dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Khánh Hòa và Phú Yên.
Cụm thi số 33: đặt tại Thành phố Cần Thơ do Trường ĐH Cần Thơ chủ trì, dành cho thí sinh của Thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang.
Cụm thi số 34: đặt tại tỉnh Đồng Tháp, do Trường ĐH Đồng Tháp chủ trì, dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Đồng Tháp và Long An
Cụm thi số 35: đặt tại tỉnh Trà Vinh, do Trường ĐH Trà Vinh chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh), dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Trà Vinh và Vĩnh Long.
Cụm thi số 36: đặt tại tỉnh Tiền Giang, do Trường ĐH Tiền Giang chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh), dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Tiền Giang và Bến Tre.
Cụm thi số 37: đặt tại tỉnh An Giang, do Trường ĐH An Giang chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh), dành cho thí sinh của 02 tỉnh: An Giang và Kiên Giang.
Cụm thi số 38: đặt tại tỉnh Bạc Liêu, do Trường ĐH Bạc Liêu chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Y Dược Cần Thơ), dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Bạc Liêu và Cà Mau
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam
O.N
Nguồn: Bộ giáo dục và đào tạo