Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Thiết kế
Nói về tổng thể bàn phím thì G512 có thiết kế full-size 104 phím tương tự G413, thiết kế phím hở chân theo xu hướng bàn phím cơ hiện nay. Vỉ phím được làm bằng hợp kim nhôm-magnesium loại được dùng trên máy bay. Lớp nhôm này dày khoảng 3 mm và đây cũng là yếu tố khiến bàn phím trở nên chắc chắc hơn và bền bỉ hơn.
Thiết kế phần đáy vẫn rất quen thuộc với các họa tiết chéo hầm hố, 6 miếng feet cao su dày chống trượt và các rãnh luồn dây dành cho chuột hay tai nghe. Riêng phần chân chống được thiết kế mở sang 2 bên mang lại độ vững chãi tốt hơn so với thiết kế mở lên thông thường.
Dây cáp của G512 cũng rất dày, bện dây dù chắc chắn và có 2 đầu USB gồm một đầu dành cho tín hiệu từ bàn phím và một đầu dữ liệu cho cổng USB tích hợp trên bàn phím.
Switch – Keycap
G512 sử dụng switch Romer-G do chính Logitech phát triển, loại switch này giúp các sản phẩm bàn phím cơ của Logitech dễ tiếp cận người mới dùng bàn phím cơ hơn. Đặc tính của loại switch này là nó khá giống với Cherry MX về lực nhấn 45g cũng như có khấc phản hồi xúc giác tuy nhiên hành trình phím ngắn hơn và điểm kích hoạt cũng sớm hơn. Tổng hành trình phím của nó là 3,2mm, điểm kích hoạt 1,5mm.
Với 2 thông số này thì có thể thấy Romer-G cho tốc độ phản hồi nhanh hơn Cherry MX, đó là chưa kể đến những khác biệt về thiết kế 2 cặp lá kim loại và cơ chế đóng mở mạch so le thay vì chỉ 1 cặp lá tĩnh và dộng chặp vào nhau để đóng mở mạch như switch Cherry MX. Độ bền của loại switch này cũng vì thế mà cao hơn, lên tới 70 triệu lần nhấn.
Trải nghiệm thực tế
Qua trải nghiệm thực tế với G512, mình có thể nhận định chiếc bàn phím này cho cảm giác gõ khá giống với Cherry MX nhưng không cần nhiều lực, chỉ cần nhích nhẹ ngón tay là đã ăn phím do điểm kích hoạt phím khá sớm như đã đề cập ở trên.
Với game thủ thì chiếc bàn phím này tương đối lý tưởng để chơi những tựa game đòi hỏi thao tác spam phím nhanh và liên tục, tình trạng phím không nhận tín hiệu cũng không thấy xuất hiện nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm giao tranh. Tuy nhiên, với người dùng văn phòng thì nó không mấy lý tưởng vì thiết kế thiếu khấc phản hồi cùng hành trình phím ngắn khiến cảm giác nhấn không được thoải mái cho lắm.
Về keycap thì G512 vẫn sử dụng loại ABS khá mỏng như phần ký tự và 4 chấu để gắn với silder trên switch được làm cứng hơn. Nắp keycap có ký tự được khoét rỗng và đắp bên dưới là một lớp nhựa trong mờ và sần.
Hệ thống LED
Về hệ thống đèn, G512 được trang bị hệ thống LED RGB với một thanh tinh thể để đưa ánh sáng len thay vì là một lỗ trống. Hiệu quả của thiết kế này giúp ánh sáng được tỏa đều và đi thẳng lên ký tự trên keycap chứ không lan xuống chân phím như các dòng bàn phím LED phổ biến.
Đánh giá chung
Trong tầm giá dưới 3 triệu đồng thì Logitech sẽ là bàn phím cơ rất đáng để bạn sở hữu. Thiết kế của nó không hầm hố, không nhiều điểm nhấn nhưng đủ tối ưu cho việc chơi game, phím bấm nhạy, rất đã tay và khi bật led lên thì trông rất sang, không màu mè nhưng vẫn đủ để thu hút ánh nhìn và nổi bật trong màn đêm.