Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Komasu KM-1516 – máy làm kem tự động làm lạnh
Khác với máy Komasu KM-138 sử dụng một âu làm lạnh rời để làm lạnh kem và âu này phải được để trong ngăn đá tủ lạnh ít nhất 8 giờ trước khi lấy ra làm kem, máy Komasu KM-1516 được trang bị một lốc làm lạnh giống như một tủ lạnh nhỏ, cho phép tự động làm lạnh kem cùng với động cơ quay đảo kem. Với loại máy làm kem tự động này, bạn có thể làm kem bất cứ lúc nào, không cần phải chờ thời gian làm lạnh bowl, lượng kem làm được trong một mẻ cũng lớn hơn – khoảng 1,5 lít kem thành phẩm, so với 0,9 lít kem của máy KM-138.
Máy làm kem Komasu KM-1516 có kích thước khá lớn 402x281x245 (mm), tương đương một chiếc lò vi sóng 25 lít, và nặng tới 12,2 kg. Nếu mua chiếc máy này, bạn phải tính tới không gian đặt máy phải rộng rãi, vì không giống lò vi sóng hay lò nướng đưa thực phẩm vào bằng cửa trước, chiếc máy làm kem này sẽ cần đưa nguyên liệu vào từ phía trên nên cần không gian thoáng để dễ thao tác. Máy khá nặng nên việc bê máy di chuyển trong bếp sẽ vất vả nên nếu có thể bạn hãy bố trí một nơi đặt máy cố định, khi cần làm kem sẽ không “ngại” phải lấy rồi cất máy. Hơn nữa, theo khuyến cáo của nhà sản xuất, bạn chỉ nên cắm điện sau khi đặt máy ở vị trí cố định ít nhất 24 giờ.
KM-1516 sử dụng lớp vỏ bằng thép không gỉ cao cấp ở hai bên hông máy và trên đỉnh máy, trông khá sạch sẽ và ít bám bẩn. Ở mặt trước và mặt sau máy là các tấm ốp bằng nhựa có khe cửa thông gió, với hệ thống quạt tản nhiệt bên trong.
Hai bên hông máy và đỉnh máy dùng chất liệu thép không gỉ
Mặt trước (ảnh trái) và mặt sau (ảnh phải) đều có các khe thông gió
Máy có một âu rời dùng để chứa kem, có một ống trục ở giữa để gắn vào trục xoay của động cơ, có quai xách để có thể nhấc ra khỏi máy dễ dàng. Khi sử dụng, bạn đặt âu vào trục động cơ, gắn tiếp phới trộn, sau đó đậy nắp bằng cách xoay nắp đậy theo chiều kim đồng hồ. Phụ kiện kèm theo máy có một cốc đong nguyên liệu và một thìa múc kem bằng nhựa, bạn nên dùng thìa múc kem này để vét kem ra, không dùng thìa kim loại để tránh gây xước cho âu làm kem.
Các phụ kiện (từ trái sang): phới trộn, âu đựng kem, nắp đậy
Cốc đong và thìa múc kem
Đầu tiên, bạn lắp âu đựng kem vào theo trục động cơ
Sau đó lắp phới trộn vào
Đậy nắp
Theo thiết kế thì mặt trên của máy là mặt chính, nơi bạn thực hiện các thao tác vận hành máy. Ngoài phần chứa âu làm kem, bạn sẽ thấy một núm xoay tròn dùng để đặt thời gian vận hành máy, cho phép đặt tối đa 60 phút, kèm theo một ô tròn chứa đèn LED thể hiện nhiệt độ của máy trong suốt quá trình làm kem.
Núm xoay cài đặt thời gian có thể xoay ngược được, do đó nếu bạn thấy kem đã đủ độ đông đặc mong muốn thì có thể xoay ngược núm này và tắt máy. Trường hợp kem chưa đủ độ đông, bạn cũng có thể vặn thêm thời gian.
Lưu ý cắm điện và vặn núm hẹn giờ để vận hành máy rồi mới đổ nguyên liệu vào
Cũng giống như máy KM-138, bạn cần cho máy chạy trước khi đổ nguyên liệu vào qua khe tiếp nhiên liệu (tờ hướng dẫn sử dụng máy ghi hơi khó hiểu là khe dự trữ). Lúc mới bắt đầu chạy, nhiệt độ hiển thị là khoảng 30-31 độ C, sau đó nhiệt độ sẽ giảm dần đến -21 độ C để làm lạnh kem. Mặc dù theo hướng dẫn sử dụng thì bạn không cần làm lạnh nguyên liệu trước khi cho vào máy, nhưng để kem được ngon và rút ngắn thời gian chạy máy hơn, bạn nên để nguyên liệu vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 20-30 phút rồi mới cho vào máy, bởi máy luôn cần khoảng 10-15 phút để hạ dần nhiệt độ xuống mức làm lạnh, nên với một số công thức kem sẽ bị tách nước khi nguyên liệu đưa vào máy chỉ ở nhiệt độ phòng.
Nhiệt độ khi mới cắm điện là 31 độ C
Nhiệt độ giảm dần trong khoảng 10 phút đầu
Kem bắt đầu đặc dần khi nhiệt độ giữ ở mức -21 độ C
Thích và không thích khi sử dụng
Máy làm kem Komasu KM-1516 cho phép bạn làm kem bất cứ lúc nào và không phải tốn một chỗ đáng kể trong ngăn đá tủ lạnh để chứa bowl làm lạnh như với loại máy làm kem dùng bowl làm lạnh, vị kem khá ngon và dường như “dôi” kem hơn vì tôi thấy lượng kem thành phẩm đầy lên khá nhiều so với mức nguyên liệu đổ vào. Theo khuyến cáo, bạn chỉ nên đổ nguyên liệu không quá 60% dung tích âu rời, nghĩa là tổng lượng nguyên liệu trước khi cho vào máy chỉ khoảng 900ml là tối đa.
Tuy nhiên, tôi có một số điều chưa ưng ý ở chiếc máy làm kem này:
– Giá máy quá cao đối với ngân sách của đa số các gia đình trong khi đây không phải là một đồ gia dụng thiết yếu. Nếu bạn thường xuyên ăn kem và thích tự chế biến các công thức kem trái cây bất kỳ lúc nào, thì cũng có thể xem xét việc sắm một chiếc.
– Máy nặng và cồng kềnh, chiếm nhiều không gian bếp, nên gian bếp phải thật rộng và đủ chỗ cho việc vận hành máy được thoải mái và tiện lợi. Tất nhiên, nếu không làm kem thường xuyên thì việc có mặt một chiếc máy cỡ lớn như vậy trong bếp sẽ khiến gian bếp của bạn trở nên chật chội hơn.
– Kem làm ra khá ướt và dễ chảy vì không đủ độ đặc cần thiết. Tôi thường vận hành máy hết 60 phút và thỉnh thoảng bật thêm khoảng 10 phút, cho đến khi máy ngưng chạy động cơ vì kem đã đặc không xoay tiếp phới trộn được nữa, tuy nhiên kem thành phẩm vẫn nhiều phần chưa đặc và còn ướt, do đó sau khi múc kem vào hộp, bạn sẽ cần để thêm vào ngăn đá tủ lạnh thêm một vài giờ, nếu múc kem mời khách luôn thì sẽ không được đẹp mắt vì kem sẽ nhanh chóng bị chảy, còn tất nhiên nếu bạn nóng lòng muốn ăn kem ngay thì vẫn rất ngon.
Kem trà xanh khi mới múc ra khỏi âu làm kem, khá chảy
Kem dâu tây cũng vậy
– Tổng thời gian chờ đợi để có kem ăn như vậy là khá lâu, nếu so với việc dùng bowl làm lạnh sẵn của chiếc KM-138 thì tôi thích chiếc KM-138 hơn, bởi từ lúc cho nguyên liệu vào đến lúc có kem ăn chỉ trong khoảng 20 phút. KM-138 cũng cho kem đặc hơn, có thể ngay lập tức múc kem ra ly và thưởng thức.
– Sau một vài thử nghiệm, tôi nhận thấy nếu rút bớt tỉ lệ sữa trong các công thức làm kem thông thường thì kem sẽ nhanh đặc hơn, đồng thời, như đã nói ở phần trên, bạn nên làm lạnh nguyên liệu trước khi cho vào máy, kem sẽ đặc ngon hơn và tiết kiệm thời gian vận hành máy hơn.
Một số ảnh chụp kem thành phẩm:
Kem đậu xanh dừa
Kem dâu tây
Kem sô cô la
Kết luận
Máy làm kem Komasu KM-1516 tuy đắt tiền nhưng cũng không thật tiện khi sử dụng. Mặc dù bạn không phải tốn chỗ cho bowl làm lạnh trong ngăn đá tủ lạnh, và có thể làm kem bất cứ lúc nào, làm được nhiều kem hơn, nhưng những ưu điểm này dường như chưa đủ để đánh bại những bất lợi về giá tiền, sự cồng kềnh, thời gian chờ đợi và cả chất lượng kem.
Theo Vnreview