Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
1. Thiết kế tổng quan của Dell XPS L702x
Mặc dù ngoại hình của chiếc Dell XPS 17 L720x này so với các dòng máy hiện nay không được coi là nổi bật, nhưng nó vẫn có sự bền bỉ với thiết kế vỏ nhôm và độ hoàn thiện cứng cáp. Các đường nét trên máy không góc cạnh và cứng nhắc như dòng Alienware, thay vào đó là sự mềm mại với các góc bo tròn, cùng với 4 góc màn hình được làm cong.
Đặc biệt, pin của máy là loại 9 cell được thiết kế đặc biệt, nó có độ dày rất lớn và khi đặt xuống sẽ thay thế chân đế giúp máy tạo ra khoảng trống rộng rãi để hệ thống tản nhiệt tốt hơn, loa trầm ở mặt đáy phát ra âm thanh hay hơn.
Máy không có quá nhiều cổng kết nối ở hai cạnh bên, hầu hết được bố trí ở mặt sau để giúp việc đi dây thuận tiện hơn. Bên cạnh trái chỉ có một cổng USB 2.0, còn bên phải là hai cổng audio (trong đó có 1 cổng hỗ trợ SPDIF) và một cổng eSATA dùng để kết nối với ổ cứng gắn ngoài. Ngoài ra, cạnh phải còn có một ổ đĩa Blu-ray có khả năng ghi DVD.
Ở mặt sau, máy có một cổng Mini DisplayPort, HDMI, cổng LAN, cổng sạc và hai cổng USB 3.0. Với trọng lượng 3,53kg, độ dày 38,5mm, chiếc máy này phù hợp hơn với việc đặt và sử dụng một chỗ, không quá thuận lợi cho việc mang đi mang lại hàng ngày.
2. Màn hình và chất lượng hiển thị
Dell XPS 17 L702x có màn hình 17,3 inch với độ phân giải Full HD 1920 x 1080 pixel mang lại những hình ảnh sắc nét và trong trẻo. Tuy nhiên khả năng hoàn thiện chưa được tốt lắm, nó dễ rung lắc khi có rung động và thậm chí dễ bị uốn cong. Nhưng, đó là khi bạn sử dụng ở nơi đông người, còn nếu sử dụng máy ở nhà thì đó cũng phải vấn đề to tát gì.
Màn hình này cũng được trang bị công nghệ 3D, nhưng để sử dụng được thì người dùng cần có bộ kit chuyên dụng và hiện tại thì trên thị trường không còn lưu hành bộ kit này nữa, nên chúng ta có thể bỏ qua phần này.
Sử dụng tấm nền TFT LCD nên góc nhìn của máy cũng khá rộng, nhìn từ trên xuống chất lượng không thay đổi nhiều, chỉ khi nhìn từ dưới lên thì phần trên màn hình mới bị tối đi. Tuy nhiên, nhìn từ hai bên thì mức độ chi tiết và rõ ràng của hình ảnh vẫn được giữ nguyên, chỉ có màu sắc hơi bị biến dạng nhẹ. Tổng quan mà nói đây vẫn là màn hình có khả năng hiển thị tốt, đủ dùng với nhu cầu đọc tài liệu, xem phim và chơi game giải trí của học sinh, sinh viên.
3. Bàn phím – Touchpad – Loa
Bàn phím của máy kiểu chiclet full-size, có đèn nền để thuận tiện sử dụng trong điều kiện thiếu sáng và keycap được thiết kế hơi lõm xuống để ôm ngón tay hơn khi gõ, cho cảm giác nhấn thoải mái, êm ái.
Dưới bàn phím là touchpad lớn với bề mặt mượt mà, dễ sử dụng. Hai phím chuột trái/phải được đặt cách xa nhau và có độ nhạy tốt, mang lại cảm giác bấm rất thoải mái. Vì touchpad và hai phím nằm hơi lõm so với chiếu nghỉ tay nên sẽ hạn chế được tình trạng vô tình chạm phải khi bạn đang gõ phím.
Hệ thống loa của chiếc Dell XPS 17 3D này được JBL bắt tay hợp tác, bao gồm 2 loa treble công suất 5W mỗi loa ở trên khu vực chiếu nghỉ tay và loa trầm 12W ở mặt đáy. Tổng thể mà nói chất lượng âm thanh mà Dell XPS 17 3D tạo ra rất là tốt, âm lượng to, âm thanh trong trẻo, bass mạnh mẽ và ấm áp. Âm bass của Dell XPS L702x không chỉ để làm cho có mà thực sự có thể thay thế được các hệ thống loa 2.1 phổ thông trên thị trường. Kết hợp với hai loa treble ở mặt trên, người dùng sẽ có trải nghiệm giải trí hoàn hảo với chiếc laptop Dell XPS này mà không cần đến loa ngoài.
4. Phần cứng và hiệu suất của Dell XPS L702x
Dell XPS L702x sử dụng CPU Intel thế hệ thứ 2, hiện nay nó có phiên bản cấu hình là Core i7-2630QM (turbo 2.9GHz), Core i7-2670QM (turbo 3.10GHz) hoặc Core i7-2720QM (3.50GHz). So với thế hệ chip hiện tại thì cả 3 con chip này đều thua kém rất nhiều về mặt hiệu năng, tốc độ xử lý cũng như công nghệ tiết kiệm pin. Tuy nhiên, nó vẫn đủ để người dùng có được trải nghiệm nhanh và mượt khi thực hiện các tác vụ không quá nặng nề, chẳng hạn như lướt web, duyệt tài liệu, gõ văn bản.
Và mặc dù máy cũng có card đồ họa rời, thế nhưng VGA Nvidia GeForce GT 550M 1GB, thậm chí là GT 555M 3GB cũng chỉ là dòng card tầm thấp nên cũng khó lòng đảm nhiệm được các tác vụ đồ họa nặng. Test thực tế với các tựa game phổ biến ở độ phân giải 1080p thì mức FPS thu được chỉ khoảng 12 – 20, sẽ tương đối giật lag và khó chơi. Giảm độ phân giải màn hình xuống 1366 x 768 hoặc 1280 x 720 thì máy có khả năng chơi game tốt hơn, nhưng cũng tùy thuộc loại game và tùy chỉnh cài đặt mà tốc độ khung hình sẽ ở khoảng 30 – 60 FPS, cũng gọi là đủ để trải nghiệm.
Về cơ bản thì đây là chiếc laptop cũ đã có 12 năm tuổi nên chúng ta khó lòng trông chờ vào việc phần cứng của nó tỏ ra đặc biệt xuất sắc. Nó chỉ đủ dùng với các nhu cầu sử dụng không cao như học tập, xem phim, nghe nhạc giải trí và chơi một số tựa game online nhẹ mà thôi. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của đa số học sinh, sinh viên.
Về RAM và SSD, các đơn vị bán hầu hết đều đã trang bị cho máy tối thiểu RAM 8GB và SSD 120GB trở lên để có thể đa nhiệm tốt hơn, cũng như có tốc độ khởi động, trích xuất dữ liệu nhanh hơn.
Vì chiếc laptop này không thuộc dạng di động nên thời lượng pin không quá quan trọng, bởi bạn kiểu gì cũng phải sắm sạc liên tục cho nó. Nhưng nếu không cắm sạc, thì viên pin 9 cell có thể sử dụng được trong khoảng 2 tiếng với các tác vụ tổng hợp cơ bản, còn chơi game thì chỉ được khoảng 1 giờ.
Tạm kết
Ở thời điểm hiện tại, Dell XPS L702x nhìn chung đã không phải là một lựa chọn quá tối ưu về mặt hiệu suất khi mà nhiều chiếc laptop cũ khác có mức hiệu suất tốt hơn, đáp ứng nhiều mục đích sử dụng hơn. Với giá khoảng 7 triệu đồng, chiếc máy này chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng cơ bản với các tác vụ học tập, phần mềm văn phòng, thi thoảng chơi game nhẹ giải trí.
Lợi thế rõ ràng nhất của nó là khả năng giải trí media cực tốt với màn hình lớn độ phân giải cao kết hợp hệ thống loa JBL siêu chất lượng. Đối với những người có sở thích cày phim sau thời gian học hành, làm việc mệt mỏi trong ngày thì ưu điểm này của Dell XPS 17 L702x có thể sẽ trở nên hấp dẫn trong mắt họ.