Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Dù đang trong giai đoạn thương thảo để sát nhập vào Microsoft nhưng Nokia đã gây bất ngờ cho cả thế giới khi họ ra mắt dòng smartphone X. Đây là dòng máy sử dụng nền tảng Android, giúp đa dạng lựa chọn về ứng dụng hơn cho người dùng nhưng cũng thể hiện tham vọng của hãng khi được tích hợp nhiều tiện ích độc quyền của Microsoft.
Nền tảng và hệ sinh thái Microsoft:
Nokia X được nhà sản xuất tích hợp hàng loạt ứng dụng, dịch vụ từ Microsoft từ OneDrive, Outlook cho tới Skype. Thêm vào đó, dù hoạt động trên nền tảng Android nhưng hiện tại Nokia X không được cài đặt gian ứng dụng Play của Goole mà lại được tích hợp Nokia Store do tự tay hãng điện tử Phần Lan tạo nên. Hiện tại, kho ứng dụng này vẫn đang trong giai đoạn phát triển với số lượng ứng dụng chưa thật sự phong phú và vẫn tồn tại nhiều ứng dụng rác. Ngoài Nokia Store, người dùng có thể cài đặt phần mềm có định dạng *.apk hay thực hiện root để cài thêm gian ứng dụng Play.
Giao diện của Nokia X là sự kết hợp của Fastlane trên dòng máy Asha và các ô “Tiles” của hệ điều hành Windows Phone. Với giao diện này, người dùng sẽ không có hệ thống Drawer như trên các smartphone Android khác. Thay vào đó, các ứng dụng sẽ hiển thị toàn bộ trên giao diện chính của máy, gần giống như trên iOS. Để tránh tình trạng quá nhiều ứng dụng xuất hiện trên giao diện này, người dùng cũng có thể nhóm chúng lại thành các thư mục. Các biểu tượng cũng có thể được phóng to, thu nhỏ với cách thức không khác biệt Windows Phone là mấy. Khu vực Fastlane là nơi hiển thị các thông báo, những ứng dụng và trang web mới truy cập. Nhìn chung, giao diện của Nokia X dễ nhìn,đơn giản và dễ sử dụng cho người mới làm quen với smartphone.
Bên cạnh một hệ thống nền tảng, ứng dụng khá tốt thì Nokia X vẫn còn tồn tại một số nhược điểm có thể được cải thiện được. Bàn phím tiếng Việt là một yếu tố thể hiện sự bảo thủ của Nokia, khi mà nó sử dụng kiểu gõ không giống ai thay cho phong cách TELEX hay VNI phổ biến trong nước. Một nhược điểm khác ở cách hiển thị của ứng dụng tin nhắn khá tốn diện tích và không thật sự thông minh. Thật may mắn là tất cả các nhược điểm này có thể khắc phục bằng cách cài đặt ứng dụng của hãng thứ ba. Nokia công bố chiếc X của họ có thể cài đặt tới 75% trong số các ứng dụng Android đã được phát triển.
Thiết kế, chất lượng gia công:
Lại một lần nữa, Nokia pha trộn hai dòng sản phẩm Lumia và Asha vào một chiếc máy duy nhất là Nokia X. Máy có nắp lưng có thể tháo rời nhưng nhờ được gia công rất tốt nên cảm giác khi cầm gần như một thể thống nhất, không tạo cảm giác ọp ẹp mà lại khá chắc chắn. Mặt lưng của Nokia X được vuốt cong nhẹ và có cách hoàn thiện nhám, giúp máy không bám vân tay nhưng có vẻ như khá dễ xước. Dù sao, nắp lưng này có thể tháo rời và thay thế dễ dàng nên người dùng cũng không cần băn khoăn nhiều.
Tuy vậy, không thể nói rằng thiết kế của Nokia X là hoàn hảo. Dù kích thước khá nhỏ gọn nhưng độ dày của máy cùng các đường nét vuông vức ở phần viền có thể khiến người dùng đau tay sau một thời gian sử dụng dài. Thêm vào đó, việc thiếu đi đèn nền ở phím cảm ứng Back ở dưới màn hình cũng là một nhược điểm khi nhiều người dùng lớn tuổi hay đối tượng mới tiếp cận với smartphone phải tốn nhiều thời gian hơn để tìm hiểu cách sử dụng máy.
Màn hình, camera:
So với giá bán, màn hình của Nokia X cho khả năng hiển thị khá tốt. Độ chi tiết của hình ảnh được thể hiện khá tốt trên chiếc máy này, cùng với màu sắc và ánh sáng vừa phải. Tuy vậy, giống như Lumia 520/525, màn hình này hơi chìm so với mặt kính cảm ứng, tạo một cảm giác rằng nó hơi đục. Nói chung, chúng ta không thể đòi hỏi gì hơn ở màn hình của một chiếc smartphone giá rẻ như Nokia X.
Trong khi màn hình có chất lượng chấp nhận được thì camera lại là một sự thất vọng lớn trên Nokia X. Không hỗ trợ tự động lấy nét (AF), không đèn flash là những điểm thiệt thòi của thiết bị này. Dù trong điều kiện ánh sáng tốt, ảnh chụp từ Nokia X vẫn không thật sự đẹp dù màu sắc khá chuẩn xác. Có lẽ, Nokia X sẽ sở hữu camera thật sự tốt hơn nếu có giá bán cao hơn một chút.
Một số ảnh chụp từ Nokia X:
Khó chụp cận cảnh do chế độ lấy nét không có AF.
Chụp tối với Nokia X: ảnh rung, nhòe và nhiều noise.
Ảnh chụp đủ sáng: màu sắc tốt nhưng vẫn không thể coi là ổn.
Hiệu năng:
Với bộ xử lý lõi kép 1 GHz cùng 512 MB RAM, Nokia X có thể dư sức xử lý các tác vụ đơn giản như duyệt web, chơi game 2D (ví dụ là Clash of Clans), nghe nhạc… Tuy vậy, do được Nokia cài đặt sẵn quá nhiều tiện ích nên màn hình của của máy đôi lúc xuất hiện hiện tượng lag nhẹ và không quá nghiêm trọng. Nokia sở hữu dung lượng pin 1500 mAh và có thể thay thế dễ dàng. Dung lượng này là đủ dùng cho một smartphone tầm trung hiện nay và với Nokia X thì thời lượng sử dụng có thể lên tới 2 ngày với nhu cầu sử dụng bình thường.
Kết luận:
Với tham vọng đưa các ứng dụng và dịch vụ của Microsoft đến gần hơn tới người dùng, Nokia X là một bước đi mạo hiểm của Nokia trong thời điểm này khi thiết bị này sử dụng một phiên bản Android tùy biến có giao diện khá mới mẻ. Tuy vậy, người dùng đam mê công nghệ, những tín đồ smartphone nhưng không có điều kiện tài chính dư dả lại là đối tượng chính mà sản phẩm này hướng đến.
Theo Genk