Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Thiết kế
Điểm độc đáo dễ nhận thấy nhất trên bàn phím cơ K68M là việc hãng I-Rocks đã sử dụng loại keycap với chữ được in ở cạnh dưới thay vì ở mặt trên. Thoạt nhìn thì bạn sẽ có cảm giác hơi khó nhìn vì chưa quen nhưng lâu dài điều này lại rất hữu dụng vì ký tự không tiếp xúc với ngón tay sẽ không bị mờ. Một chi tiết nhỏ thôi nhưng đủ để thấy thiết kế của I-Rocks K68M mang tính đột phá như thế nào. Ngoài đó ra thì các keycap vẫn được làm từ chất liệu nhự ABS, chất lượng gia công tốt, trau chuốt và sạch sẽ.
Font chữ được sử dụng trên mẫu bàn phím cơ này khá tinh tế và thể hiện độ sáng LED rất tốt, tuy nhiên thì do I-Rocks chỉ trang bị đúng một màu LED nên cũng không mang đến sự kinh ngạc là mấy, nếu thay bằng hệ thống RGB thì nó sẽ lung linh hơn nhiều.
Một sự khác biệt nữa ở thiết kế của K68M là hãng I-Rocks đã thêm vào bàn phím 2 cổng USB Pass-through để người sử dụng có thể cắm trực tiếp tai nghe hoặc chuột vào bàn phím. Và dĩ nhiên, để có thể cấp đủ điện cho các phụ kiện này thì hãng cũng cung cấp riêng một dây USB 2 đầu kết nối, dây cáp này được bọc dù chắc chắn, rất yên tâm khi sử dụng.
Switch
Switch trên K68M cũng là một thiết kế đột phá khác của I-Rocks. Thay vì được hàn ngược thì nó được hàn xuôi. Điều này cũng dễ hiểu vì với kiểu thiết kế ký tự ở cạnh dưới thì việc hàn xuôi switch mới giúp nó có được độ sáng đẹp nhất.
Có thể bạn sẽ băn khoăn liệu việc hàn xuôi này có ảnh hưởng đến khả năng gõ phím của I-Rocks K68M hay không? Xin thưa là không, chính xác mà nói thì là không đáng kể. Nhưng bạn đừng vội cho rằng đó là một thiếu sót của hãng bởi thực tế thì việc hàn xuôi hay ngược switch đều ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đến cảm nhận gõ phím. Với lại, theo thông tin tìm hiểu thì khi dựng chân chống đỡ bàn phím lên thì bàn phím có switch hàn xuôi sẽ cho cảm giác mượt, nhẹ nhàng hơn và ngược lại, dù vậy không phải lúc nào trường hợp này cũng đúng bởi trải nghiệm của mỗi người là khác nhau.
Bên cạnh thiết kế switch độc đáo, K68M sẽ sử dụng cơ chế Stabilizer của Cherry thay vì Costa. Ưu điểm của cơ chế này là việc nhổ các keycap dài để thay thế sẽ dễ dàng hơn, không gặp nhiều vấn đề nhưng cũng có hạn chế là hành trình phím bị ngắn đi và âm thanh gõ chạm đáy sẽ không được ‘phê’ lắm. Dù sao thì điều này cũng không mấy quan trọng vì nó không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng gõ của bàn phím I-Rocks K68M.
Phần mềm đi kèm
Hãng sản xuất I-Rocks đã cẩn thận trang bị cho K68M phần mềm chỉnh sửa hiệu ứng và hiệu năng nhưng theo mình thấy đó là không cần thiết bởi bản thân bàn phím cũng có thể điều chỉnh thông qua cụm phím macro. Về cách điều chỉnh thì tương đối đơn giản, bạn chỉ việc kết hợp phím Fn và các phím từ F1 đến F8, như thế sẽ đỡ mất thời gian hơn.
Các phím macro còn lại từ F9 đến F12 sẽ được tích hợp luôn chức năng Multimedia. 3 phím Insert, Home, Page Up cũng vậy.
Trải nghiệm thực tế
Qua sử dụng thực tế, mình thấy I-Rocks K68M cho cảm giác gõ rất đầm, các phim bấm chắc chắn và không bị xọc xạch, âm thanh khi gõ hơi đục, trầm. Nếu so sánh với một số bàn phím cơ khác ở cùng phân khúc tầm trung như Fuhlen G87, Corsair K63 hay thậm chí là người tiền nhiệm I-Rocks K60M thì K68M chưa được mượt mà cho lắm. Tuy nhiên, đối với mình thì I-Rocks K68M vẫn cho cảm giác đó là một món đầu tư xứng đáng.
Kết luận
Với giá bán tham khảo từ 1.400.000, theo đánh giá của mình thì I-Rocks sẽ là một ‘chiến binh’ tương đối xứng tầm. Mặc dù cái tầm của nó chưa thể đạt đến đỉnh cao trong phân khúc tầm trung nhưng cũng không thua kém quá nhiều. Với thiết kế đơn giản mà vẫn đẹp mắt, phải nói là ấn tượng, build chắc chắn, độ hoàn thiện khá cùng nhiều tính năng hữu ích thì I-Rocks K68M sẽ là chiếc bàn phím cơ được nhiều người săn đón trên thị trường. .