Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Cồn – Alcohol là gì?
Cồn là một nhóm hóa chất với rất nhiều chất khác nhau, mỗi chất lại có một tác dụng lên da khác nhau. Bạn có biết rằng những loại mỹ phẩm được dán nhãn “alcohol-free” vẫn có thể chứa những loại cồn khác như cetyl, stearyl, cetearyl, hoặc lanolin alcohol nhưng không phải là ethyl alcohol – hay còn gọi là Alcohol Denat (cồn biến tính).
Thực ra, cồn được chia làm 2 loại: cồn béo (fatty alcohol) và cồn khô (drying alcohol).
– Cồn béo: Cồn béo được điều chế từ các loại dầu và chất béo tự nhiên như dầu dừa, dầu cọ. Chúng được tìm thấy trong thiên nhiên dưới dạng sáp, giàu axit béo tốt cho da. Chúng còn có thể được điều chế từ nguồn gốc dầu mỏ trong phòng thí nghiệm.
Mặc dù cũng là cồn nhưng cồn béo (cetyl alcohol, cetearyl alcohol, stearyl alcohol, behenyl alcohol và myristyl alcohol) lại là loại cồn an toàn và có ích trong mỹ phẩm. Các loại cồn này có khả năng dưỡng ẩm (nhờ tác dụng của axit béo), đóng vai trò là chất nhũ hóa (giúp hòa lẫn nước và dầu để tạo ra hỗn hợp kem và lotion mềm mượt), chất làm đặc mỹ phẩm và là chất giúp làm dịu, mềm da.
– Cồn khô: Trái ngược với cồn béo là cồn khô (ethanol, methanol, alcohol, ethyl alcohol, alcohol denat, benzyl alcohol, isopropyl alcohol và những loại SD alcohol) rất giống với loại cồn có trong bia rượu. Thực ra, cồn khô cũng không phải là quá xấu mặc dù nó luôn “mang tiếng” làm hại da.
Vì sao các nhà sản xuất lại dùng cồn khô trong việc sản xuất mỹ phẩm?
Không phải không có nguyên do gì mà các nhà sản xuất lại sử dụng cồn khô trong việc sản xuất mỹ phẩm. Nguyên nhân đầu tiên đó là do cồn khô có khả năng chống khuẩn, khử trùng hiệu quả, nhờ vậy mà mỹ phẩm sẽ được bảo quản tốt hơn. Hiện nay vẫn chưa có đối thủ nào “địch” nổi cồn trong việc sát trùng, chống khuẩn.
Thứ hai, cồn khô còn là một dung môi hoàn hảo giúp hòa tan các chất và ngăn ngừa sự kết tinh của thành phần. Khả năng này của cồn khô khiến kết cấu sản phẩm trở nên nhẹ hơn, đồng thời giúp các dưỡng chất quan trọng thấm nhanh và sâu hơn.
Bạn có thể tìm thấy thành phần cồn khô trong rất nhiều loại mỹ phẩm mà điển hình là kem chống nắng hay toner. Nhờ có thành phần cồn khô mà các loại kem, dung dịch sẽ thẩm thấu quá da nhanh hơn, giúp làm khô dầu trên bề mặt da tốt hơn. Vì vậy, cồn khô có tác dụng rất lớn trong việc thẩm mỹ, đặc biệt là với các bạn gái có làn da dầu.
Vậy cồn khô có thực sự có hại cho da?
Tất nhiên, không phải tự nhiên mà cồn khô lại mang tiếng xấu làm hại da như thế. Nếu cồn khô được sử dụng với nồng độ cao, lớp dầu và protein ở bề mặt da sẽ bị mất đi, điều này làm ảnh hưởng đến lớp màng ẩm của da, gây khô, lão hóa sớm, kích ứng trong một số trường hợp và giảm khả năng tự bảo vệ của da mụn. Bởi vậy, nếu bạn có làn da khô, da mụn, da nhạy cảm, da dễ kích ứng thì việc sử dụng các loại mỹ phẩm chứa cồn khô xuất hiện ở những vị trí đầu bảng thành phần 90% sẽ khiến da bạn gặp vấn đề.
Tuy nhiên, đấy là trong trường hợp cồn khô ở nồng độ cao, còn nếu nó chỉ có nồng độ thấp, tức là bạn nhìn thấy tên của nó ở phần cuối của list thành phần, thì nó cũng sẽ không quá ảnh hưởng đến làn da của bạn. Đặc biệt là với những sản phẩm có thành phần dưỡng ẩm cao có thể bù lại tính gây khô của cồn thì cồn khô sẽ giúp cho những bạn có làn da dầu cảm thấy vô cùng hài lòng bởi các dưỡng chất sẽ thẩm thấu nhanh hơn, sản phẩm khô nhanh hơn và tạo cảm giác khô thoáng.
Nên lựa chọn những sản phẩm chứa cồn như thế nào cho an toàn?
– Với những bạn có làn da nhạy cảm, da khô thì tốt nhất hãy tìm đến các sản phẩm không chứa cồn hoặc cồn là thành phần nằm ở vị trí cuối list thành phẩm.
– Nếu bạn có làn da dầu hay da hỗn hợp thiên dầu, bạn vẫn có thể sử dụng các sản phẩm chứa cồn, tuy nhiên, tốt nhất vẫn là tránh xa những loại mỹ phẩm chứa cồn ở nồng độ cao. Đặc biệt là với những bạn không có quá nhiều kiến thức về mỹ phẩm, hãy tìm đến các sản phẩm dưỡng da chứa những thành phần có lợi cho da dầu hoặc mụn như salicylic acid (tẩy da chết và loại bỏ dầu thừa), benzoyl peroxide (giảm dầu, diệt vi khuẩn gây mụn), kaolin (có trong các loại mặt nạ đất sét hút dầu), hyaluronic acid (dưỡng ẩm mà không gây nhờn, bí da) hay silica hoặc dimethicone (các khoáng chất họ silicones có khả năng kiềm dầu, không làm tắc lỗ chân lông, thường thấy trong những sản phẩm primer hoặc serum)…
Lưu ý: Nếu cồn xuất hiện trong khoảng 5 thành phần đầu tiên, có thể coi nồng độ cồn trong sản phẩm là cao, cần cân nhắc kĩ hơn trước khi mua (da bạn có khô và nhạy cảm không, hoặc sản phẩm có bao gồm những thành phần có lợi, có thể bù lại tính gây khô không). Còn nếu cồn xuất hiện trong 5 thành phần cuối cùng thì bạn có thể an tâm phần nào.
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam
Tìm kiếm sản phẩm giá rẻ nhất Việt Nam