Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Tác dụng chung của máy xông mũi họng
Máy xông mũi họng (hay còn gọi là máy xông khí dung) là phương pháp điều trị bằng cách đưa thuốc trực tiếp vào niêm mạc đường hô hấp. Máy sẽ chuyển thuốc thành dạng sương mù, giúp thuốc đọng lại trên niêm mạc đường hô hấp, thấm sâu vào phế quản cho hiệu quả nhanh và giảm đi tối đa phản ứng phụ do thuốc uống gây nên.
Máy xông mũi họng được sử dụng để cấp cứu và, hỗ trợ điều trị và chăm sóc tại nhà của nhiều bệnh đường hô hấp. Trong đó, thường được chỉ định để hạn chế triệu chứng và điều trị lâu dài cho các bệnh:
– Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
– Bệnh xơ nang
– Bệnh giãn phế quản
– Bệnh nhiễm trùng liên quan đến AIDS thời kì đầu hoặc cuối
– Bệnh hen suyễn
Tuy nhiên, việc có nên dùng máy xông mũi họng hay không trong các trường hợp bệnh lý trên và dùng liều lượng như thế nào đều cần có sự chỉ định rõ ràng từ bác sĩ điều trị.
Máy xông mũi họng giúp điều trị một số bệnh về đường hô hấp
Những ưu điểm của máy xông mũi họng với trẻ nhỏ
Khi áp dụng xông khí dung, nhiều bệnh lý đường hô hấp ở trẻ nhỏ được cải thiện rõ rệt. Nhờ vào phương thức xông khí dung, nhiều trẻ đã không cần phải dùng thuốc uống, hạn chế được rất nhiều tác dụng phụ do thuốc gây ra nếu uống các thuốc kháng sinh hay kháng viêm, có tác dụng mạnh. Xông mũi họng theo cách này cũng giúp làm giãn các phế quản, làm loãng đờm nên trẻ nhỏ sẽ có cảm giác dễ thở hơn.
Bên cạnh đó, khi xông, hơi thuốc sẽ được máy đẩy ra tạo thành dạng hơi sương, tác dụng trực tiếp lên chỗ co thắt hay chỗ viêm nhiễm ở đường hô hấp, do đó, phương thức này sẽ có tác dụng nhanh hơn tiêm hoặc uống thuốc. Phương thức xông khí dung này có thể đưa thuốc trực tiếp đến vị trí cần gây tác dụng, đó là các phế quản và phế nang, nhờ đó, thuốc sẽ có tác dụng rất nhanh trong vòng 5 phút kể từ khi bắt đầu xông và rất hữu ích khi dùng để cấp cứu cắt cơn suyễn. Trong khi dùng thuốc bằng đường tiêm phải mất từ 15-30 phút và đường uống từ 30-60 phút mới có tác dụng. Tuy nhiên, thời gian tác dụng của xông khí dung khá ngắn, do đó trẻ sẽ cần được xông nhiều lần tùy theo chẩn đoán và độ nặng nhẹ của bệnh.
Những hạn chế khi dùng máy xông khí dung cho trẻ
Một trong những biến chứng của việc xông mũi họng là có thể gây phản xạ co thắt phế quản ngay lúc đó. Ngoài ra, thủ thuật này cũng có những quy định chặt chẽ. Cụ thể, mỗi một lần khí dung thì phải thay bộ dây, trong khi ở nhiều gia đình chỉ dùng một cái hết tháng này qua tháng khác. Hậu quả là bộ dây có thể lắng đọng vi trùng, là nguồn vi trùng virus. Ở bệnh viện để tiết kiệm cho bệnh nhân thì có thể hấp tiệt trùng, nhưng cũng chỉ dùng trong một ngày (ngày xông 2-3 lần).
Các tác dụng phụ tại chỗ khi sử dụng máy phun khí dung bao gồm ho, khàn giọng, nhiễm nấm vùng hầu họng, kích thích niêm mạc hầu họng hoặc kích thích da mặt nếu sử dụng mặt nạ. Hầu hết các tác dụng phụ này đều có thể tránh được bằng cách súc miệng và rửa mặt bằng xà bông sau khi phun khí dùng. Khi sử dụng cho trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ cần chú ý hơn do da của trẻ còn khá non nớt và nhạy cảm.
Sử dụng máy xông mũi họng cho trẻ nhỏ có những ưu điểm và hạn chế riêng
Những lưu ý khi sử dụng máy xông khí dung cho trẻ nhỏ
– Với trẻ em dưới 5 tuổi, bạn chỉ nên dùng mặt nạ xong khí dung thay cho vòi ngậm để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.
– Khi sử dụng mặt nạ, các phụ huynh cần lưu ý để mặt nạ áp sát vào mặt của trẻ nhỏ để tránh trường hợp thuốc đọng lại trên mặt hoặc thoát ra ngoài, làm giảm lượng thuốc vào phổi.
– Chỉ những trẻ bị viêm họng, xoang, hen… mới được chỉ định dùng máy xông mũi họng. Nếu trẻ có cơ địa dị ứng thì tuyệt đối không được dùng vì rất dễ xảy ra sốc quá mẫn, gây tử vong ngay lập tức.
– Việc pha thuốc kháng sinh cho trẻ xông tại nhà nhất thiết phải có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ, vì việc dùng thuốc kháng sinh để xông trong thời gian dài hoặc không đúng liều có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: điếc, phù nề hoặc giảm sức đề kháng…
– Các bậc phụ huynh không được sử dụng đơn thuốc cũ trong thời gian dài để tự chữa bệnh cho trẻ. Sau khi xông, nếu tình trạng bệnh của trẻ vẫn không tiến triển nhiều thì cha mẹ nên đưa con đi khám lại.
– Khi sử dụng máy phun khí dung thì phải tuân thủ cách pha thuốc vì nếu pha không đúng liều lượng hoặc quá loãng hay quá đặc, các hạt phun sương không đúng kích thước sẽ không tác dụng vào bên trong các phế quản, hoặc lơ lững hoặc bám vào thành họng, chưa kịp xuống đến các phế quản dưới.
– Lưu ý khi xông bằng máy phải đảm bảo vệ sinh, sử dụng dây và mặt nạ riêng và sau mỗi lần xông phải được rửa bằng dung dịch sát trùng nếu muốn sử dụng lại. Sau 1 thời gian sử dụng máy phải được vệ sinh kỹ lưỡng, thay phần lọc không khí để tránh nhiễm vi trùng và nấm mốc.
Cách giữ vệ sinh và bảo quản máy xông mũi họng
Vệ sinh và bảo quản các bộ phận của máy xông mũi họng sau khi sử dụng là điều rất cần thiết, nhất là với những thiết bị y tế liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dùng, không những tránh được hư hỏng cho dụng cụ mà còn hạn chế được vấn đề nhiễm vi khuẩn vào phổi do máy móc, dụng cụ kém vệ sinh.
– Sau khi dùng: Tháo mặt nạ hay ống thở miệng và cốc đựng thuốc ra khỏi ống dẫn nhựa. Rửa mặt nạ hay ống thở miệng, cốc đựng thuốc, ống nhỏ giọt hay ống tiêm bằng dung dịch rửa chuyên dụng rồi đặt lên khăn sạch để cho khô. Lắp trở lại vào ống dẫn rồi mở công tắc cho máy chạy khoảng 10-20 giây để làm khô phía trong.
– Không được đặt máy nén khí vào nước.
– Không được rửa ống dẫn bằng nhựa.
– Mỗi tuần: Rửa mặt nạ hay ống thở miệng, cốc đựng thuốc, ống nhỏ giọt hay ống tiêm bằng nước ấm với xà bông, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Làm khô phía ngoài và phía trong như trên. Thỉnh thoảng lau mặt ngoài máy nén khí bằng khăn ẩm.
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam
Tìm kiếm sản phẩm giá rẻ nhất Việt Nam