Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Cốt bánh gato làm bằng nồi cơm điện
Dụng cụ
– Nồi cơm điện– Giấy nướng bánh (hoặc giấy trắng tinh)– Cân, rây bột, phới lồng, phới trộn dẹt (spatula)– Máy đánh trứng.
Nguyên liệu
– 3 trứng gà (60gr/ quả – cả vỏ) – 80 gram đường – rây mịn – 90 gram bột mì đa dụng
Cách làm
– Chuẩn bị nồi cơm điện. Nếu nồi không chống dính, có thể dùng bơ quét một lớp mỏng lên đáy và thành trong của nồi. Rắc một lớp bột mỏng lên bơ rồi úp nồi, gõ nhẹ để bột thừa rơi ra ngoài. Cách này sẽ giúp chống dính cho nồi. Nên lót 1 – 2 lớp giấy nến hoặc giấy trắng xuống đáy nồi, khi bánh chín lấy ra sẽ dễ hơn.
– Chuẩn bị 1 nồi nhỏ có đựng chút nước và 1 âu đánh trứng sao cho miệng nồi nhỏ hơn miệng âu, đủ để có thể đặt âu lên miệng nồi và đáy âu không chạm nước. Đun sôi nước trong nồi. Trong khi đợi nước sôi thì đập trứng và rây đường vào âu.
– Khi nước trong nồi sôi, hạ lửa đủ để nước sôi lăn tăn. Đặt âu lên miệng nồi, dùng phới lồng quấy đều và liên tục. Âu sẽ từ từ ấm dần giúp cho trứng bên trong ấm nóng hơn. Cần phải quấy liên tục để tránh cho trứng bị nóng quá sẽ bị chín (nhất là khi âu làm bằng kim loại và dẫn nhiệt nhanh). Khi trứng đạt khoảng 60 – 70 độ C (sờ tay vào thấy rất nóng) thì bắc âu ra khỏi nồi.
Không nhất thiết phải thực hiện bước này. Tuy nhiên, trứng ấm thường bông tốt hơn rất nhiều, bọt khí cũng ổn định hơn.
– Đánh bông trứng và đường: Đặt máy đánh trứng ở tốc độ thấp, từ từ tăng dần lên cao nhất. Khi nào thấy hỗ hợp mịn thì hạ máy đánh trứng xuống tốc độ chậm. Đánh thêm khoảng 3 – 5 phút tùy theo công suất máy, đến khi trứng rất mịn, hoàn toàn không thấy bọt khí.
– Chia bột thành 3 – 4 phần. Rây từng phần vào âu, sao cho bột phủ đều khắp mặt âu. Khi trộn cố gắng làm nhanh và nhẹ tay, tránh trộn quá mạnh, quấy đảo nhiều làm vỡ bọt khí và trứng xẹp.
– Đổ bột vào nồi. Gõ nhẹ nồi xuống mặt bàn vài cái để các bọt khí to (nếu có) vỡ bớt. Đặt vào nồi cơm điện. Bật nút Cook (Nấu).
+ Cho bánh vào nồi, bật Cook. Nồi ở chế độ Cook khoảng 3 – 5 phút thì chuyển sang chế độ Warm.
+ Để chế độ Warm khoảng 7 – 8 phút, bật trở lại chế độ Cook.
+ Nồi ở chế độ Cook khoảng 2 phút thì tự động chuyển về chế độ Warm.
+ Đợi tiếp 7 – 8 phút rồi bật trở lại chế độ Cook.
Quá trình trên được lặp lại thêm 2 lần nữa. Như vậy sau lần bật Cook đầu tiên thì có thêm 3 lần bật Cook nữa, mỗi lần cách nhau khoảng 10 phút (3 phút ở chế độ Cook + 7 phút ở chế độ Warm).
Cơ chế hoạt động của nồi cơm điện là sẽ làm nóng ở chế độ Cook đến một mức nhất định (nước cạn, cơm chín) thì chuyển sang chế độ Warm (giữ ấm). Thường thì nhiệt độ ở chế độ Warm này khá thấp, sẽ không đủ để “kích” các hơi khí trong bánh phồng to, giúp cho bánh nở. Cũng không đủ để làm cho bánh chín hẳn và cứng cáp. Vì vậy nên khi nướng bánh bằng nồi cơm điện, cần lưu ý điều chỉnh chế độ Cook & Warm sao cho có đủ nhiệt nướng bánh, không để nhiệt độ xuống quá thấp (có thể sẽ làm cho bánh xẹp ngay từ trong nồi).
Cốt bánh gato làm bằng nồi cơm điện
Số lần chuyển Cook – Warm này có thể thay đổi tùy theo loại nồi. Trong khoảng 20 – 25 phút đầu tiên không được mở nồi vì nhiệt độ thay đổi đột ngột sẽ làm bánh xẹp. Sau lần chuyển Warm thứ 3, bạn có thể kiểm tra xem thử bánh chín chưa, bằng cách ấn ngón tay lên mặt bánh. Nếu vết lõm phồng trở lại là bánh đã gần chín.
Lưu ý
– Với các nồi to, không nên nướng bánh quá cao (đổ nhiều bột) vì phần giữa bánh có thể chín chậm trong khi thành bánh đã chín, khô cứng hoặc cháy. Dẫn đến hậu quả là phần giữa bánh bị bết, còn mùi tanh hoặc bánh bị lõm mặt.
– Thường thì bánh sẽ hết mùi tanh của trứng khi nguội, nhưng để bánh thơm hơn, có thể sử dụng một chút vani vào đánh cùng trứng.
– Để giảm khả năng cháy bánh, bạn có thể khắc phục bằng cách lót giấy ở thành và đáy khuôn và giãn thời gian chuyển từ Warm sang Cook.
Ưu điểm khi làm cốt bánh gato bằng nồi cơm điện
– Khả năng bánh xẹp thấp.– Bánh làm với nồi cũng thường ẩm hơn, ít có nguy cơ bị khô nếu lỡ nướng quá lâu như lò.– Khả năng thành công cao. Do nhiệt độ của nồi cơm điện khó có thể lên quá cao như nồi nướng hay lò vi sóng, nhiệt tỏa bên trong cũng đều hơn, làm cho nhiệt trên mặt và nhiệt dưới đáy bánh không chênh nhau quá nhiều nên bánh chín đều hơn.
Nhược điểm
– Bánh nướng trong lò thường tơi xốp hơn so với bánh làm từ nồi cơm điện. – Bánh nướng trong lò thường thơm và ít bị mùi tanh của trứng hay mùi khai của bột nở hơn bánh làm từ nồi cơm điện.
(Tổng hợp)
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam