Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Cây đào, cây mai, cây quất, và các loài hoa khác là thứ không thể thiếu trong căn nhà của mỗi gia đình vào dịp Tết. Việc trang trí hoa trong nhà ngày Tết vừa góp phần tăng không khí mùa xuân cho căn nhà, vừa thu hút tài lộc và vận may cho gia chủ trong năm mới. Mỗi gia đình sẽ lựa chọn trang trí các loài hoa khác nhau tùy theo sở thích của gia chủ cũng như văn hóa vùng miền.
Nếu chưa có kinh nghiệm trang trí và chơi hoa thì dưới đây là một số cách trang trí hoa ngày Tết cùng phương pháp chăm sóc để hoa nở lâu hơn mà gia đình có thể tham khảo.
1. Cách trang trí cây đào Tết
1.1. Ý nghĩa cây đào Tết
Cây đào sinh trưởng ở những vùng có thời tiết lạnh nên loài cây này khá phổ biến ở miền Bắc vào mùa Tết. Hoa đào có nhiều tầng ý nghĩa khác nhau như:
- Là tinh hoa ngũ hành, có thể xua đi vận rủi, ma quỷ và mang đến may mắn, hạnh phúc.
- Biểu tượng của sự sinh sôi, thịnh vượng cũng như niềm hy vọng về một năm mới bình an.
- Tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, sự đoàn kết của các thành viên trong gia đình.
1.2. Cách trang trí cây đào Tết
Gia đình có thể trang trí cây đào ngày Tết bằng những vật dụng trang trí sau đây:
- Với 2 gam màu chủ đạo là vàng và đỏ, những chiếc phong bao lì xì không chỉ tượng trưng cho tài lộc mà còn làm nổi bật cây đào, chậu đào cảnh trong nhà.
- Câu đối nhỏ với những lời chúc “An khang thịnh vượng”, “Vạn sự như ý”, “Phát tài phát lộc”,… cũng thường được sử dụng trong trang trí nhà ngày Tết nhằm đem lại may mắn, không khí rộn ràng cho gia đình.
- Để cây đào không bị một màu và đơn điệu, gia chủ có thể trang trí thêm câu đối nhỏ, dây thỏi vàng, dây pháo,…
Để hoa đào nở đều, đẹp và sống lâu hơn vào những ngày Tết, gia đình cần lưu ý những điều sau:
- Nếu hoa đào được cắm trong lọ thì gia chủ cần thường xuyên thay nước, đặt bình ở nơi có nắng nhưng ít gió.
- Đối với chậu cây đào, gia chủ cần tưới cây bằng nước lạnh và sử dụng đất pha cát để tránh tình trạng cây bị ngập úng.
2. Cách trang trí cây mai ngày Tết
2.1. Ý nghĩa cây mai ngày Tết
Trong khi miền Bắc trưng hoa đào thì Tết ở miền Nam sẽ sử dụng mai vàng để điểm xuyết cho không gian nhà của mình. Cây mai với màu vàng rực rỡ là biểu tượng của mùa xuân, của sự may mắn nên việc trưng cây mai ngày Tết sẽ thể hiện ước muốn một năm sung túc, tràn đầy tài lộc, sức khỏe dồi dào, gia đình sum vầy hòa thuận.
2.2. Cách trang trí cây mai ngày Tết
Cây mai vàng kết hợp với đồ trang trí Tết màu đỏ sẽ giúp không gian phòng khách, sân vườn của gia đình trở nên rực rỡ hơn, ấm cúng hơn. Giống với cây đào, gia chủ có thể trang trí cây mai bằng bao lì xì, câu đối, các dây đồng tiền, dây thỏi vàng, dây pháo,… Tuy nhiên, khi treo đồ trang trí, gia chủ cần chú ý tổng thể và treo thưa một chút để cây mai không bị diêm dúa, thiếu thẩm mỹ.
Bên cạnh các đồ trang trí màu đỏ, gia chủ có thể trang trí dây kim tuyến, dây đèn lồng mini quấn quanh những cây mai to; hoặc cố định dây đèn LED bằng kẽm vào thân cây mai cảnh, chậu mai đặt trên bàn để cây mai đẹp hơn và nổi bật hơn. Khi sử dụng đèn LED hoặc các loại đèn trang trí khác, gia chủ cần chú ý đường dẫn, dây dẫn điện để tránh sự cố ngoài ý muốn xảy ra.
Ngoài ra, dưới chậu mai có thể trang trí thêm bánh chưng bánh tét, để sỏi trắng; đặt các chậu trạng nguyên, chậu cúc bao quanh; hoặc đơn giản hơn là nhặt cánh mai bỏ vào chậu vừa giúp căn nhà sạch sẽ, vừa giúp cây mai phủ một màu vàng rực rỡ.
2.3. Cách chăm sóc cây mai ngày Tết
Để cây mai khỏe, hoa không bị rụng nhiều trong những ngày Tết, gia chủ có thể tham khảo và làm theo những cách sau:
- Đối với mai trong chậu, gia chủ nên tưới nước mỗi ngày hoặc tưới 2 ngày 1 lần, tưới trước 9 giờ sáng hoặc chiều để mai tươi hơn. Nên tưới thẳng vào gốc mai và xịt nước lên các tán lá và cành cây. Gia chủ cần lưu ý để mai trong bóng râm và không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Đối với mai cắm bình, gia chủ cần thay nước 1 lần/ngày, mỗi lần thay nước cần cắt bớt cành để hoa hút nước nhiều hơn và phải lấy hoa héo ra để tránh làm ảnh hưởng đến các hoa khác.
3. Cách trang trí nụ tầm xuân ngày Tết
Một loài hoa khác mà gia đình thường dùng để trang trí Tết là nụ tầm xuân. Loài cây này có nhiều màu sắc khác nhau với những nụ hoa mọc quanh thân tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển, ngụ ý mang lại nhiều niềm vui, niềm may mắn và sự phát tài phát lộc cho gia đình.
Để cắm và trang trí nụ tầm xuân sao cho đẹp mắt, gia chủ có thể tham khảo cách làm sau đây:
- Chuẩn bị bình hoa và đặt miếng xốp có kích cỡ phù hợp vào bình.
- Cắm những cành nụ tầm xuân từ trong ra ngoài, tán đều và tỏa rộng ra 2 bên. Để bình hoa trở nên đầy đặn, gia chủ nên cắm theo hình vòng cung và uốn nhẹ phần ngọn để cành hoa có sự mềm mại hướng vào trong.
- Sau khi cắm xong, gia chủ có thể sử dụng giấy lụa cắm vào phần xốp cho đến khi phần xốp bị che phủ hoàn toàn.
- Cuối cùng treo thêm các đồ trang trí như đèn LED, bao lì xì, câu đối, nơ đỏ,…
Nụ tầm xuân có nhiều màu sắc khác nhau, tuy nhiên đó là màu nhuộm và dễ bị phai khi gặp nước. Vì vậy, để bảo quản nụ tầm xuân, gia chủ cần cắm các cành hoa vào xốp khô hoặc cát và không để chúng tiếp xúc với nước.
4. Tổng kết
Trang trí cây cảnh, hoa cảnh trong nhà vào ngày Tết không chỉ tô điểm cho căn nhà trở nên đẹp hơn, tràn ngập sắc xuân hơn mà còn biểu tượng cho việc mang tài lộc, may mắn đến cho gia đình trong năm mới. Hy vọng gia chủ có thể áp dụng cách trang trí hoa đào, hoa mai hoặc trang trí nụ tầm xuân ngày Tết cho không gian nhà của mình.
Bên cạnh các loài hoa mang giá trị truyền thống, gia đình có thể trang trí thêm hoa cúc, hoa hồng, hoa ly, cúc vạn thọ, đồng tiền,… nhằm góp phần làm không gian sân vườn, phòng khách tươi tắn và đẹp đẽ hơn để chuẩn bị đón một mùa Tết Nguyên đán 2024 bình an, trọn vẹn.