Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Thiết kế
Asus Vivobook X507UF có thiết kế với vẻ ngoài hoàn toàn bằng nhựa với mặt lưng có màu vàng đồng sáng bóng, giả vân xước kim loại trông rất thời trang. Cá nhân mình thấy thiết kế này khá dị bởi phần đuôi máy được làm dày và cong, nhìn từ phía sau mình có cảm giác nó rất dày.
Thế nhưng sự hiện đại và tinh tế lại được thể hiện qua thân hình mỏng 21.9 mm và trọng lượng rất nhẹ khoảng 1.68 kg mà thôi. Rất phù hợp với những bạn trẻ năng động, ưa thích laptop mỏng nhẹ.
Có vẻ như Vivobook X507UF đã phải hy sinh đi một số cổng kết nối thông thường như LAN, hay USB-C để bảo toàn độ mỏng nhẹ cho mình. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi đa số người dùng hiện nay xài wifi nên cũng ít khi để ý tới cổng LAN, hay rất ít xài những thiết bị cần phải kết nối qua cổng USB-C.
Màn hình
Nét hiện đại tiếp theo trên Vivobook X507UF chính là hai bên cạnh viền màn hình đã được làm mỏng đi đáng kể, phù hợp với xu hướng thiết kế chung của laptop hiện nay. Màn hình của máy kích thước 15.6 inch với độ phân giải Full HD. Qua quá trình sử dụng mình nhận thấy màn hình của máy cho hình ảnh sắc nét, màu sắc đẹp mắt, có khả năng chống chói tốt khi sử dụng ngoài trời cũng như cho góc nhìn rộng để sử dụng thoải mái hơn cho mục đích làm việc hay giải trí.
Bàn phím – Touchpad
Bàn phím trên Vivobook X507UF thuộc dạng Full size, các phím bấm có màu đen và bề ngoài hơi nhám. Chính vì thiết kế bàn phím như vậy nên chúng ta sẽ không có đèn nền bàn phím để sử dụng. Khi gõ phím, mình cảm nhận hành trình phím tương đối nông, phím có độ nảy không đồng đều. Nhưng bù lại thì phím có kích thước chuẩn, khoảng cách phím hợp lý giúp mình dễ thao tác hơn.
Trackpad trên Vivobook X507UF thì không có điểm gì để phải chê, bề mặt bàn di chuột mịn cho cảm giác vuốt chạm mượt mà. Con trỏ chuột cũng cho khả năng nhận diện và phản hồi nhanh chóng khi sử dụng.
Cảm biến vân tay của máy cũng được tích hợp bên trong trackpad. Đây là cảm biến dạng một chạm với kích thước lớn, thời gian nhận diện vân tay nhanh giúp tăng cường bảo mật cho laptop của bạn.
Cấu hình – Hiệu năng
Với mức giá 15 triệu đồng, bạn sẽ có một chiếc laptop sở hữu cấu hình gồm chip Intel Core i5 8250U, RAM 4GB DDR4, ổ cứng HDD 1TB, card đồ họa NVIDIA GeForce MX130 2GB. Đây là cấu hình rất vừa với giá tiền và có thể đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng từ làm việc văn phòng, học tập cho đến chơi game. Thử nghiệm với một số tựa game online hiện nay như Liên Minh Huyền Thoại hay CS:GO mình thấy fps trong game rất ổn với thiết lập trung bình cao, hình ảnh mượt mà không bị xé hình, giật lag.
Loa – Tản nhiệt
Âm thanh của loa trên Vivobook X507UF theo cá nhân mình đánh giá ở mức tốt, âm lượng lớn, mid và treble trong trẻo bù lại cho bass có phần hơi đuối. Khi nghe nhạc hay xem phim thì những ưu điểm về âm thanh của máy sẽ trở nên rõ nét hơn với chất âm hay.
Tản nhiệt của máy thì mình thấy có phần ổn chứ chưa gọi là tốt. Sau khoảng 2 giờ sử dụng liên tục thì máy có hiện tượng ấm lên ở phần chiếu nghỉ bên tay phải và hơi ấm sẽ từ từ lan tỏa đến toàn bộ bề mặt trước của máy trong khoảng vài tiếng sau đó.
Thời lượng pin
Điều kiện thử nghiệm pin của máy là độ sáng màn hình 100%, âm lượng 60%, wifi mở liên tục và sử dụng đa tác vụ văn phòng thông thường như: nghe nhạc, lướt web, xem phim,… Trong khoảng 1 tiếng rưỡi thì máy giảm từ 97% – 33%. Tính ra máy sẽ sử dụng được khoảng 2 giờ 20 phút trong điều kiện nêu trên.
Ngoài ra, mình cũng sử dụng phần mềm Batterymon đo được là 3 giờ 20 phút. Thực sự thì thời lượng pin của Vivobook X507UF theo mình thấy chưa thực sự ấn tượng, các bạn nên sử dụng kèm theo sạc pin để có thời gian sử dụng tốt hơn.
Nên mua Asus Vivobook X507UF hay không?
Với cá nhân mình mà nói thì chiếc laptop Asus này không tệ nhưng cũng không xuất sắc, có thể nói là trung bình. Nếu bạn ưa thích một chiếc laptop bình bình như vậy thì có thể đưa Asus Vivobook X507UF vào danh sách mua sắm. Nó hỗ trợ việc học và công việc khá tốt, chơi game cũng ok.
Ưu điểm:
- Thiết kế mỏng nhẹ
- Viền màn hình mỏng, chất lượng hiển thị tốt
- Cấu hình tầm trung, hiệu năng khá
Nhược điểm:
- Tản nhiệt kém
- Pin kém