Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Máy có màn hình rộng 15.6″, độ phân giải chỉ giới hạn ở 1366 x 768 pixel, nhưng bù lại nó được trang bị cấu hình khá tốt: tùy chọn CPU Intel Haswell Core i3/i5/i7, RAM 4GB/8GB, ổ cứng 500GB, tùy chọn GPU tích hợp hoặc nVIDIA GT 840M. Giá bán của Asus K551 ở Việt Nam dao động từ 12,5 tới 19 triệu đồng theo tùy cấu hình, trong đó có phiên bản không kèm Windows để giảm giá bán của máy.
Cấu hình của máy Asus Vivobook K551LN-019D trong bài, giá tham khảo 14 triệu đồng:
Asus là một trong những hãng máy tính chăm chỉ ra mắt laptop nhất hiện nay, họ có gần như đầy đủ các dòng máy để trải đều cho các phân khúc, từ văn phòng cho tới trường học, game thủ và kể cả máy trạm. Với dòng K551, Asus cho biết thiết kế của chiếc máy được làm hướng tới người dùng, do đó máy có vẻ ngoài thanh thoát hơn, tuy là máy 15.6″ nhưng nó cũng mỏng và nhẹ hơn đời trước, gần đạt với chuẩn Ultrabook và vẫn được trang bị ổ ghi DVD. Máy có kích thước là 380 x 258 x 22,5mm.
Mặt trên của máy được làm bằng nhôm, thừa hưởng từ thiết kế của dòng S550 hồi năm 2013, lớp nhôm nhám này tương đối ít bám vân tay, đồng thời tạo cảm giác mát và chắc tay khi cầm nắm, một phần nữa là máy cũng không quá nặng nên nhìn chung khi cầm sẽ cho chúng ta cảm giác là K551 không quá to và nặng. Với thiết kế nhôm như vậy như mặt trên không quá chắc chắn, nó dễ bị lún khi chúng ta bóp mạnh tay, vì vậy dễ dàng đoán đây là kiểu thiết kế lắp ráp từng miếng theo truyền thống, chứ không phải thiết kế khung nhôm unibody cao cấp.
Đáy máy bằng nhựa nhám, nhìn rất đơn giản, liền mạch một tấm và được cố định bằng nhiều ốc. Kiểu thiết kế này cũng đồng thời không cho phép chúng ta tháo pin của máy ra được. Nghe tới đây chắc nhiều bạn có thói quen sử dụng laptop mà tháo pin rồi cắm sạc sẽ không thích, nhưng cá nhân mình thì không khuyến khích việc tháo pin, lỡ như đang xài mà bị cúp điện thì rất là phiền phức.
Nếu mua bản Asus K551 có 4GB RAM, thì Asus cho biết máy vẫn còn trống 1 khe RAM để nâng cấp, tuy nhiên nắp lưng này làm liền luôn nên việc mở ra có khó khăn hơn một chút. Ở Việt Nam nơi bán thường sẽ không khuyến khích chúng ta tự tháo máy để nâng cấp, vì sẽ làm máy mất bảo hành.
Bàn phím và Touchpad
Có thể nói Asus làm bàn phím laptop khá tốt, kể cả những chiếc máy dòng phổ thông. Với K551, nó được gắn một cái bàn phím chiclet, với các phím màu đen, trơn tru và kích thước mỗi phím tương đối lớn, nằm tách bạch nhau. Đồng thời với chiều dài 38cm của máy cũng cho phép họ trang bị thêm dãy phím numpad nằm bên phải cho máy.
Cảm giác gõ phím trên K551 khá ổn, hành trình phím tốt, mềm và độ nảy rất vừa tay. Xung quanh phần chiếu nghỉ tay là một lớp nhôm nhám mát lạnh, do đó việc sử dụng rất thoải mái. Tuy nhiên, 4 phím lên/xuống/trái/phải được làm nhỏ chỉ bằng 1/3 so với các phím khác, dễ gây khó chịu nếu phải sử dụng cụm phím này nhiều.
Mình đặc biệt rất thích những laptop có touchpad kích thước lớn, điển hình là K551. Phải nói là diện tích của bàn rê này rất lớn, bằng khoảng lòng bàn tay của một người lớn. Cùng với việc rộng rãi, chất liệu mà Asus sử dụng cho bàn rê này là kim loại, hơi hơi nhám nhẹ do đó việc sử dụng cũng khá là thích tay. 2 nút chuột trái/phải được làm ẩn luôn bên dưới touchpad.
Loa
Asus có công nghệ âm thanh SonicMaster trang bị trên những PC của mình, kể cả laptop. Hiểu đơn giản thì đây là một ứng dụng giúp người dùng tùy chỉnh chất âm cho bộ loa của máy, giống như chỉnh equalizer, để phù hợp hơn với từng thể loại nhạc cụ thể. Ở chế độ mặc định, loa của K551 không quá to, chỉ dừng ở mức trung bình, đi kèm theo đó thì chất âm cũng chỉ ở mức chung chung mà thôi, không quá ấn tượng, điều này cũng dễ hiểu vì đây chỉ là dòng máy phổ thông mà thôi.
Màn hình
Điều làm mình không thích nhất ở K551 đó là độ phân giải màn hình chỉ dừng lại ở mức 1366 x 768 pixel, ngay cả ở phiên bản cấu hình cao nhất giá gần 19 triệu đồng bán ở Việt Nam, trong khi đó Asus lại có tùy chọn Full HD cho dòng máy này ở nước ngoài, hi vọng là vài tháng tới thì nó cũng được bán ở Việt Nam.
Việc sử dụng độ phân giải 720p (thấp hơn smartphone cao cấp hiện nay) trên màn hình 15.6″ cho chúng ta diện tích làm việc rất hẹp, đơn giản là độ phân giải thấp thì chữ sẽ phải ở kích thước to thì mới rõ và không bị vỡ được, một tấm ảnh 800 pixel mở 100% cũng gần như full toàn màn hình. Thêm nữa ví dụ khi duyệt web thì gần như phải mở trình duyệt toàn màn hình, khi soạn Office cũng vậy, rất là phí phạm không gian.
Về chất lượng hiển thị thì màn hình này ở mức chấp nhận được, Asus sử dụng cho nó màn hình gương, tấm nền TN, do đó góc nhìn cũng không rộng bằng IPS, giới hạn ở khoảng 100 độ. Và cái màn hình này cũng được phủ gương nên nó dễ bị chói khi sử dụng ngoài trời.. Nhưng vì là laptop tầm trung nên chúng ta cũng khó đòi hỏi nhiều hơn.
Pin và nhiệt độ
K551 được trang bị pin poly 3 cell dung lượng 50Wh. Thời lượng sử dụng của nó cũng không cao lắm. Ví dụ khi thử nghiệm để độ sáng màn hình 50%, mở 1 trang web và để màn hình không tắt. Máy trụ được khoảng 4 tiếng thì báo pin còn 10%.
Bù lại, nhiệt độ máy mát là một ưu điểm của laptop Asus trong những năm gần đây. Ở điều kiện phòng làm việc có máy lạnh, sử dụng bình thường lướt web thì nhiệt độ CPU của K551 dao động trong khoảng 40 – 45 độ C. Nếu dùng phần mềm để stress máy thì nhiệt độ vượt ngưỡng 60 độ C và có khi chạm 70 độ C, dĩ nhiên là vẫn còn nằm trong mức chấp nhận được.
Chip đồ họa
Dòng laptop K551 có 2 tùy chọn về GPU, hoặc sử dụng chip tích hợp Intel HD 4400 trong CPU Intel Haswell, hoặc nVIDIA GeForce GT 840M cho những máy giá tiền cao hơn. GT 840M là dòng GPU Maxwell thế hệ đầu tiên của nVIDIA, được ra mắt hồi tháng 3/2014. Do mới là Maxwell thế hệ đầu tiên nên nó chỉ được áp dụng cho những model cấp thấp và trung mà thôi, điển hình là GT 830M, GT 840M, GT 850M và GTX 860M.
Chip GT 840M trên K551 có 384 nhân CUDA, chạy ở xung nhịp 1029MHz và có RAM 2GB DDR3, hỗ trợ DirectX 11. Bảng so sánh thông số của GT 840M Maxwell với các GPU 800M khác:
Tổng kết
Asus K551 bán chính hãng ở Việt Nam khởi điểm khoảng 12,8 triệu đồng cho bản CPU Core i3, GPU tích hợp và cao nhất là 19 triệu đồng cho bản CPU Core i7, GPU rời GT 840M. Phiên bản tầm trung giá 14,7 triệu thì dùng CPU Core i5 và cũng có GPU rời. Như vậy là K551 trải khá dài ở mức giá và cấu hình cũng tương đối phong phú, phù hợp với nhiều nhu cầu sử dụng của người dùng. Mặc dù chip đồ họa GT 840M không mạnh mẽ để chơi game, nhưng nó cũng đủ sức thỏa mãn người dùng chơi khá nhiều game hiện nay ở độ phân giải 720p trên màn hình 15.6″ này.