Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Thủy ngân (còn được gọi là bạc lỏng) là một nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn có ký hiệu Hg, số nguyên tử 80. Nó còn là một kim loại nặng có ánh bạc, có dạng lỏng, không tan trong nước và dễ dàng bốc hơi ở nhiệt độ phòng. Thủy ngân được sử dụng trong các nhiệt kế, áp kế, máy đo huyết áp, bóng đèn cao áp và các thiết bị khoa học khác.
Khi người và sinh vật hít trực tiếp phải thủy ngân sẽ có các biểu hiện như: bị ho, khó thở, đau tức ngực và có cảm giác đau rát ở phổi gây ra các bệnh về viêm phổi cấp tính. Ngoài ra, thủy ngân cũng gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Trong một số trường hợp, có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc phải lượng thủy ngân nhiều.
Nếu không may bị rơi bỡ bóng đèn, phích nước, nhiệt kế, áp kế xuống đất và để lọt thủy ngân ra ngoài thì việc dùng chổi để quét hay thu dọn bỏ vào thùng rác sẽ là việc hết sức sai lầm. Không may nếu có xảy ra vấn đề gì thì nguy cơ cả nhà bạn hay hàng xóm tiếp xúc với chất này sẽ bị ngộ độc thủy ngân là rất cao.
Để tránh bị ngộ độc thủy ngân các bạn cần lưu ý thật kỹ 5 điều sau:
1. Sơ tán ngay mọi người trong nhà đặc biệt là trẻ em đi phòng khác
Khi thủy ngân thoát ra ngoài, điều đầu tiên bạn cần làm là nhanh chóng đưa mọi người trong nhà, nhất là trẻ em sang phòng khác ngay. Đóng cửa phòng lại để tránh hít phải hơi bốc của thủy ngân. Mở cửa sổ, bật quạt điện để tăng cường lưu thông không khí trong phòng. Tắt điều hòa nhiệt độ hoặc lò sưởi để giảm thủy ngân bốc hơi.
2. Dùng que bông ướt hoặc giấy Pơluya để thu gom thủy ngân
Sau khi ra khỏi phòng một lúc đợi thủy ngân bốc hơi, bạn hãy dùng khẩu trang phòng độc để đảm bảo an toàn cho bản thân rồi vào nhà tiến hành thu hết những hạt thủy ngân trên mặt đất bằng cách dùng que bông ướt hoặc tờ danh thiếp (card) hay giấy Pơluya thu gom thủy ngân lại và cho vào lọ thủy tinh có bịt kín.
Động tác phải hết sức nhẹ nhàng nhằm tránh các hạt thủy ngân lại phân li, chia thành nhiều hạt nhỏ, không thể thu hồi được. Có thể rắc một chút bột lưu huỳnh vì lưu huỳnh và thủy ngân kết hợp thành Mercury sulfide khó bốc hơi, tính chất ổn định sẽ giúp giảm được thủy ngân bốc hơi. Nếu ở gia đình không có bột lưu huỳnh, có thể sử dụng lòng đỏ trứng gà sống, cũng đạt được hiệu quả như trên.
3. Không đổ thủy ngân xuống cống rãnh, nguồn nước vì sẽ gây ô nhiễm môi trường
Sau khi thu hồi thủy ngân vào lọ thủy tinh, miệng lọ phải đậy nắp (nút) rồi quấn chặt, bịt kín bằng băng dính và ghi rõ nhãn ở bên ngoài rồi để vào thùng rác phân loại. Hết sức tránh đổ thủy ngân đã thu thập được xuống các cống rãnh thoát nước để tránh làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.
4. Ngâm đồ bị dính thủy ngân bằng xà phòng ở nhiệt độ 70 – 80 độ C
Nếu quần áo bị dính thủy ngân thì bạn cần ngâm trong nước lạnh khoảng 30 phút, ngâm thêm 30 phút nữa trong nước xà phòng ở nhiệt độ 70 – 80 độ. Sau đó ngâm 20 phút trong nhiệt độ cao trong nước pha hóa chất và xả bằng nước lạnh.
5. Mở hết cửa để thông gió trong phòng
Cuối cùng, bạn cần phải mở hết cửa để thông gió trong phòng với bên ngoài trong nhiều giờ mới có thể vào phòng và sinh hoạt bình thường.
Lưu ý đặc biệt: Khi trẻ không may nuốt phải thủy ngân, bố mẹ không nên cuống cuồng làm các biện pháp như móc họng, bóp bụng gây nôn cho trẻ. Bởi việc móc họng sẽ khiến trẻ bị sặc, thủy ngân bị đẩy ngược lên, có nguy cơ chui vào phổi khiến trẻ tử vong. Việc cần làm là đưa trẻ đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế nơi gần nhất để được các y bác sĩ hướng dẫn. Bình tĩnh theo dõi phân của trẻ trong vài ngày để xác định, đánh giá lượng thủy ngân đã được bài tiết ra ngoài. Đồng thời cho trẻ ăn uống đầy đủ, đặc biệt uống nhiều nước để tránh táo bón, giúp sự bài tiết tốt hơn.