Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Trong thời gian gần đây, địu đã trở thành vật dụng quen thuộc của nhiều bậc cha mẹ đang nuôi con nhỏ. Lý do sản phẩm này ngày càng trở nên “hot” là ở sự tiện dụng của nó, khi sử dụng địu mẹ vừa có thể bế bé lại vẫn rảnh tay để làm những việc nhà, đọc sách hay ăn uống,… Tuy nhiên, việc sử dụng địu không đúng cách có thể gây hại đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Dưới đây là 3 nguyên tắc mẹ cần nhớ khi sử dụng địu cho bé yêu của mình:
Chỉ sử dụng địu khi trẻ được 4 tháng tuổi trở lên
Chỉ sử dụng địu khi bé được 4 tháng tuổi trở lên
Hệ xương của trẻ sơ sinh còn rất mềm và non nớt nên cần được bảo vệ và chăm sóc cẩn thận. Chính vì thế, với những em bé dưới 4 tháng tuổi, đặc biệt là trẻ sinh ra nhẹ cân, sinh non hay đang bị cảm lạnh, khi địu con, bố mẹ nên cực kỳ thận trọng. Tốt nhất, bạn chỉ nên sử dụng địu khi trẻ được từ 4 tháng tuổi trở lên. Nếu nhỏ hơn, trẻ có thể gặp những chấn thương không mong muốn. Hơn nữa, không bao giờ được dùng địu như một chiếc ghế ngồi cho trẻ sơ sinh. Luôn phải có mẹ ở bên cạnh giám sát và áp bé tựa vào cơ thể của mẹ.
Lựa chọn địu phù hợp với bé
Một trong những nguyên tắc an toàn hàng đầu khi sử dụng địu là mẹ phải lựa chọn sản phẩm phù hợp với tư thế thường nằm của bé. Ngoài ra, chiếc địu phải thích hợp với chiều cao, cân nặng của trẻ. Nó không được quá nhỏ vì có thể khiến trẻ bị ngã ra ngoài, nhưng cũng không được quá to vì lớp vải của chiếc địu có thể che vùng mũi, miệng của trẻ, gây tình trạng ngạt thở. Hơn nữa, ở tuổi sơ sinh vùng đầu và cổ của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, vì thế việc chọn mua địu theo tư thế nằm của em bé là rất cần thiết. Tư thế địu ngồi có thể khiến cho vùng cổ của trẻ bị chấn thương nếu trẻ còn quá nhỏ.
Những chiếc địu kiểu dáng giống như một chiếc túi có khoang túi khá sâu vì thế khi trẻ nằm vào đó, lưng sẽ bị bẻ cong theo hình chữ “C”. Thêm vào đó, những chiếc địu này có thể co giãn nhờ mép địu làm bằng dây chun khiến cho toàn bộ khuôn mặt của bé bị che đi và khiến cho bé gặp khó khăn khi thở. Mẹ cần lưu ý là những chiếc địu an toàn cho bé là những thiết kế có: khoang túi nông, đặt bé thẳng người, kiểu dáng ôm tròn, bao bọc toàn bộ xung quanh cơ thể bé.
Tư thế địu an toàn
Cha mẹ phải hết sức chú ý khi quấn bé trong những chiếc địu
Địu bé không đúng tư thế có thể ảnh hưởng tới hình dáng cơ thể của bé sau này, gây ra các chấn thương cho bé như gù lưng, lệch cột sống,… Chính vì vậy, các bậc cha mẹ phải hết sức chú ý khi quấn bé trong những chiếc địu. Mẹ cần địu bé trên cao và sát với ngực (sao cho bạn có thể hôn được bé, đầu bé sát với cằm mẹ), không để bé nằm ở phần hông hay eo. Không nên để khuôn mặt của bé bị che khuất. Thường xuyên liếc mắt nhìn khuôn mặt của bé.
Mẹ cần đảm bảo rằng cơ thể bé không bị gập cong mà luôn được nâng đỡ, đặc biệt là đầu. Cằm và ngực của bé không quá sát nhau, khiến cho đường thở của bé bị tắc nghẽn. Khoảng trống từ ngực đến cổ của bé phải có độ dài khoảng một ngón tay. Khi dùng địu, tốt nhất là con phải được tựa vững chắc vào mẹ với tư thế ngồi hướng lên trên, sao cho cằm không chạm vào ngực.
Ngoài ra, khi sử dụng địu cho bé các mẹ cần đặc biệt lưu ý những điều sau:
– Tuyệt đối không được để vải địu che kín phần đầu của trẻ.
– Không nên địu trẻ trong lúc bạn đang ngồi ô tô hoặc máy bay.
– Hãy chắc chắn rằng bé thở bình thường và sẽ không bị ngạt thở khi ở trong chiếc địu.
– Luôn nhớ kiểm tra nhiệt độ trong dụng cụ địu trẻ để đảm bảo rằng trẻ không bị nóng.
– Chỉ di chuyển khi chắc chắn rằng bé đã yên vị và an toàn trong chiếc địu trên lưng.
-Không chạy, nhảy khi mang trẻ trên lưng. Vì một đứa trẻ ở tuổi được bố mẹ địu trên lưng sẽ không thể tự điều chỉnh cơ thể mình khi bạn chạy, nhảy. Ngoài ra, vận động mạnh khi bạn địu trẻ có thể làm cho cằm, xương sống và não của trẻ bị tổn thương.
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam