Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Không làm nóng sữa bằng lò vi sóng
Không nên hâm nóng sữa công thức bằng lò vi sóng
Nhiều mẹ có thói quen hâm nóng sữa bằng lò vi sóng vì trong 1 lần con không thể uống hết. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn sai lầm. Sức nóng trong lò vi sóng được phân phối không đều, làm cho sữa bị chỗ nóng chỗ không, dễ khiến bé bị bỏng hoặc làm mất chất của sữa. Vì vậy, nếu muốn con khỏe mạnh, mẹ không nên hâm sữa bằng lo vi sóng.
Không thay đổi công thức pha sữa
Gọi là sữa công thức là vì sữa được điều chế theo công thức và được pha theo công thức. Loại sữa nào cũng có một công thức pha riêng và mẹ có thể tìm thấy công thức pha sữa trên các vỏ hộp. Mẹ không nên thay đổi công thức pha sữa vì các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm ra tỷ lệ nước – sữa như thế nào là phù hợp với bé.
Nếu mẹ cho quá nhiều nước, bé sẽ không thể nhận đủ chất dinh dưỡng. Nhưng nếu mẹ pha ít nước hơn so với quy định thì bé sẽ bị thiếu nước và táo bón. Ngoài ra, bố mẹ không nên cho thêm bất cứ thành phần nào khác vào sữa của bé. Bạn nên bỏ ngoài tai những lời khuyên kiểu như pha thêm vitamin, calci… vào sữa sẽ giúp bé cao, tăng cân tốt, ngủ ngon.
Không dùng nước khoáng để pha sữa công thức
Nguồn nước để pha sữa cũng rất quan trọng. Không phải nước nào cũng pha sữa cho bé tốt và an toàn. Trong nước khoáng một số khoáng chất mà hệ tiêu hóa non nớt của bé không thể xử lý được. Một số loại nước khoáng có hàm lượng calci và natri cao có thể làm hại thận của bé, bởi vậy, mẹ không nên dùng nước khoáng để pha sữa cho bé.
Nước dùng để pha sữa phải có nhiệt độ tối thiểu là 70 độ C
Nhiều mẹ không biết nhiệt độ pha sữa chuẩn cho con là bao nhiêu. Hãy nhớ rằng vi khuẩn không chỉ tồn tại trong nước mà còn có cả ở hộp sữa. Bởi vậy, để bảo vệ bé, bố mẹ cần sử dụng nước đun sôi, sau đó để nguội bớt (xuống khoảng 70 độ C) để pha sữa. Đây là khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Trước khi cho bé bú, bố mẹ có thể ngâm bình sữa vào cốc nước mát để đạt nhiệt độ phù hợp, đảm bảo không làm bỏng bé.
Không cho bé uống sữa đã pha quá 2 tiếng
Nhiều mẹ có thói quen pha bình sữa đầy để con luôn có sữa uống, hoặc cũng có nhiều trường hợp mẹ pha quá nhiều và con không thể uống hết một lần. Nhưng, nếu muốn con khỏe mạnh, mẹ tuyệt đối không nên cho con uống sữa đã pha quá 2 tiếng đồng hồ. Bình sữa công thức là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây hại phát triển. Ngay cả vi khuẩn từ nước bọt của bé cũng có thể nhân lên khi vào trong bình bú. Vì vậy, nếu bé không bú hết thì sau 2 giờ, bố mẹ phải bỏ đi để tránh ảnh hưởng xấu đến trẻ.
Không cho trẻ bú quá no
Dạ dày của bé rất nhỏ và hệ tiêu hóa của bé cũng đang rất non nớt. Vì vậy nếu mẹ cho bé bú quá no, bé sẽ cảm thấy khó chịu, quấy khóc, đôi khi bé còn bị táo bón và đầy bụng nữa. Mẹ nên nhớ rằng chính bé sẽ biết mình đói bụng hay đã no rồi, nên bố mẹ hãy cất bình sữa đi nếu thấy bé ngừng ăn. Đừng trông đợi rằng bé sẽ uống hết cả bình sữa đầy trong một cữ bú. Bố mẹ nên tìm hiểu về các dấu hiệu nhận biết khi bé no và đói để phối hợp nhịp nhàng với bé.
Không nên cho bé ngậm bình sữa khi đang buồn ngủ
Không cho bé ngậm bình sữa khi đang buồn ngủ
Bé thường sẽ buồn ngủ nếu được ăn no. Tuy nhiên, khi bé buồn ngủ rồi, mẹ nên cất bình sữa đi, không nên để bé ngậm bình sữa khi đang buồn ngủ. Việc bé vừa bú sữa vừa ngủ sẽ dễ gây sặc và dẫn đến nghẹt thở vì sữa vẫn tiếp tục chảy trong khi bé ngủ mơ màng mà không kịp nuốt. Hơn nữa, việc tránh cho bé bú đêm còn hạn chế khả năng sâu răng cho bé.
Không nên để trẻ tự bú bình
Không nên để trẻ tự bú bình
Mẹ không nên cho trẻ tự bú bình. Ngay cả khi trẻ đã có thể tự cầm bình thì bố mẹ vẫn cần quan sát trẻ, không được bỏ mặc bé với bình sữa. Vì nó sẽ rất nguy hiểm nếu bé bị sặc mà không được xử lý kịp thời.
Không hâm sữa công thức quá 10 phút
Mẹ không nên hâm nóng sữa công thức quá 10 phút vì nó sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sản sinh và tăng nguy cơ bị tiêu chảy cho bé.
Mẹ nên chọn loại sữa công thức phù hợp với trẻ
Những trẻ dưới 2 tuổi, trẻ sinh non chưa qua 2 tháng tuổi so với ngày dự sinh hay các bé bị tổn hại hệ miễn dịch, thì mẹ nên dùng sữa có công thức gần nhất với sữa mẹ để cung cấp dưỡng chất cần thiết cho con. Những trẻ này hệ miễn dịch còn rất non yếu, vì thế việc chọn sữa cho con cũng cần rất cẩn trọng. Tùy theo cơ địa mỗi trẻ sẽ phù hợp với loại sữa khác nhau. Nếu mẹ cảm thấy sữa đang dùng không hợp với con, trẻ không tăng cân, tiêu chảy, dị ứng, phân xanh… thì không nên tiếc của mà cho con uống cố. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và người thân để đổi loại sữa khác phù hợp hơn cho con.
Chú ý đến tư thế uống sữa của bé
Tư thế uống sữa cũng rất quan trọng, mẹ nên đặt bé nửa nằm, nửa ngồi như khi bú mẹ, sao cho mẹ và con có thể nhìn thấy mặt nhau. Điều này sẽ giúp bé bú bình dễ hơn, đồng thời mẹ có thể quan sát được khi nào con cần dừng uống hoặc các bất thường xảy ra. Tuyệt đối không để trẻ bú sữa khi nằm sẽ rất nguy hiểm, thậm chí đã có trường hợp sặc sữa dẫn đến tử vong.
G.H
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam