Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Trong suốt vài tháng vừa qua, một số trang review của nước ngoài đã ghi lại được một xu hướng phát hành sản phẩm khá là “không đẹp” của Kingston, và giờ đây ngay cả PNY cũng đã nhập cuộc. Các hãng này cho ra mắt các mẫu SSDs với một thông số cấu hình khá là ấn tượng, hiệu năng tốt trong tầm giá.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi các bài review đã được tung lên mạng, model đó lại được thay đổi sang các thông số và cấu kiện phần cứng khác. Tuy không phải lúc nào các thay đổi này cũng có tác động tiêu cực đến hiệu năng và độ ổn định của sản phẩm, nhưng cách làm này khiến cho đa số khách hàng bất mãn. Họ cảm thấy mình đã bị lừa để bỏ tiền ra mua một sản phẩm mà đáng lẽ sẽ không bao giờ để mắt tới. Bài viết của các tác giả tại ExtremeTech sẽ tổng hợp lại vấn đề này.
PNY Optima và vụ đánh tráo controller
Một độc giả trung thành của Tweaktown đã mô tả chi tiết về trải nghiệm đầy bức xúc của mình tại trang tin và review uy tín này. Người này mua một SSD PNY dòng Optima vốn được quảng cáo sử dụng bộ điều khiển (controller) Silicon Motion. Tuy nhiên chỉ đến khi đã cầm sản phảm về nhà và bắt đầu sử dụng, anh ta mới nhận ra rằng thứ mình vừa mua có firmware hoàn toàn khác, trên hết là lại sử dụng bộ điều khiển trên nền SandForce. Khi các phóng viên của Tweaktownd đứng ra liên hệ “chất vấn” hãng sản xuất PNY về vấn đề này, phản hồi của hãng này có vẻ khá là … vô trách nhiệm: ” Qủa thực chúng tôi đã bán ra một số SSD dòng Optima sử dụng bộ điều khiển SandForce thay vì Silicon Motion, nhưng chúng tôi đã bảo đảm các sản phẩm này đáp ứng được mức hiệu năng tối thiếu theo như quảng cáo (trong các bài benchmark chúng tôi đã thực hiện, các controller thay thế này thậm chí cho kết quả tốt hơn bộ điều khiển Silicon Motion”.
Thực lòng mà nói, có chúa mới biết cái mà PNY gọi là “mức hiệu năng tối thiếu theo như quảng” (minimum advertised performance levels) chính xác là như thế nào. Tất cả những thông tin về hiệu năng mà PNY từng đưa ra cho người dùng về sản phẩm này là lời quảng cáo “thực hiện lên tới 60.000 IOPS (input-output operation/second)”. Chưa hết, kết quả này được ghi lại bằng công cụ IOMeter (PNY không nói rõ là IOMeter của Intel hay của hãng nào). Và ai cũng biết rằng các công cụ như IOMeter có thể dễ dàng bị chỉnh sửa.
Bài viết tại Tweaktown không nêu rõ người khách hàng này có gặp vấn đề nghiêm trọng gì về hiệu năng hay không. Nhưng rõ ràng có sự mập mờ ở đây. Nói đến việc thay phần cứng và gây ra các trục trặc, V300 của Kingston sẽ là ví dụ rõ ràng hơn.
Chiêu bài của Kingston
V300 được Kingston tung ra thị trường khoảng 1 năm trước và nhận được nhiều review khá tốt (đạt 4/5 điểm tại PC Mag, khá cao so với một SSD có giá 119$ tại Mỹ). Sản phẩm được đánh giá chung là phù hợp cho nhu cầu sử dụng gia đình với p/p rất tốt và là một trong những mẫu giá rẻ đầu tiên của hãng này không gặp lỗi gì nghiêm trọng….. Ít nhất thì ban đầu là như vậy. Các review sau này tại Anandtech và Nordichardware lần lượt chỉ ra rằng Kingston đã dần dần thay thế các chip nhớ NAND đồng bộ (synchronous) hiệu năng cao sang các chip NAND không đồng bộ (asynchronous) là dòng phổ thông có giá thành sản xuất rẻ hơn, tốc độ chậm hơn.
asynchronous NAND (trên) vs synchronous NAND (dưới)
Chip nhớ NAND đồng bộ thực hiện việc phân bổ dữ liệu ngay tại thời điểm bắt đầu và kết thúc một chu kì xung, tương tự bộ nhớ DDR. Còn thời điểm vận hành của chip không đồng bộ lại mang không đều đặn theo chu kì như vậy. Trong tương lai, nhiều đánh giá cho rằng chip nhớ NAND đồng bộ và không đồng bộ sẽ có tốc độ tương đương nhau do các thay đổi về kiến trúc của hai loại này. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại và đặc biệt là vào thời điểm Kingston thực hiện việc “đánh tráo” này, NAND không đồng bộ có hiệu năng kém hơn rất nhiều.
Điều này được minh chứng bằng một số bài test đã được thực hiện tại Nordichardware. Ngay cả trong các thông tin quảng cáo của Kingston, model V120S sử dụng bộ nhớ NAND đồng bộ cũng có tốc độ hơn hẳn sản phẩm cùng loại dùng chip không đồng bộ.
Kết quả tại Nordichardware, mã 521A là các mẫu V300 sau này đã bị Kingston thay đổi cấu hình phần cứng.
Bảng so sánh cho chính bản thân Kingston cung cấp, với mẫu 120S – synchronous cho hiệu năng cao hơn tới hơn 60% so với 120A – asynchronous.
Kingston, dĩ nhiên không mảy may nghĩ về việc “lừa dối” người dùng. Hãng này đã trao cho các phóng viên một tuyên bố xanh rờn : “Nếu các bạn thực hiện thử nghiệm hiệu năng sản phẩm với ATTO Benchmark, tốc độ ghi được vẫn sẽ đạt thậm chí là vượt qua tốc độ đã được quảng cáo là 450MB/s đọc/ghi”.
Lấy một ví dụ vui, tuyên bố này của Kingston cũng chẳng khác nào nói “Nhét hai mẫu SSD này vào súng cối rồi đem bắn thử, tốc độ bắn ra mà chúng đạt được vẫn sẽ cao hơn ném bằng tay mà thôi”. Đối với nhu cầu sử dụng thực tế, kết quả test tốc độ đọc/ghi từ ATTO Benchmark cũng…. vô dụng không kém kết quả đo tốc độ “bay” của hai ổ cứng trong ví dụ này vậy. Đây cũng là lí do tại sao rất nhiều bài viết đã loại bỏ việc sử dụng ATTO, vì các kết quả về tốc độ thu được hoàn toàn vô nghĩa, đặc biệt là để phục vụ việc đánh giá hiệu quả sử dụng. Đấy là chưa kể yếu tố quan trọng nhất là việc cả hai ổ đều cùng hoạt động cao hơn một mức nào đó không có nghĩa là phép so sánh đã hoàn tất. 600 lớn hơn 450, nhưng 800 cũng lớn hơn 450, và nói như phát ngôn viên này thì có thể cào bằng 600 bằng với 800? Thực sự thì, chính biểu đồ ghi lại bằng PCMark 8 của Kingston đã cho thấy hai mẫu sản phẩm cho hiệu năng hoàn toàn khác nhau.
Hậu quả
Hãy thử tưởng tượng bạn mua một CPU high-end như Core i7, đem về nhà, háo hức mở hộp ra và bắt gặp dòng quảng cáo “Hiệu năng ít nhất bằng hoặc hơn các CPU high-end của chúng tôi trên các máy SuperPi đơn luồng (Single-Threaded)!”. Nhiều người chắc sẽ đập cả hộp luôn chứ chẳng phải đùa!!! Hoặc nếu bạn đang dùng cáp quang giá rẻ của một số nhà mạng tại Việt Nam, hay từng trải nghiệm ADSL vào cái thời mà cam kết băng thông còn chưa rõ ràng, chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ việc lập lờ “cam kết băng thông tối thiểu quốc tế/trong nước” gây khó chịu như thế nào.
Đa số phản hồi của người dùng và độc giả của các trang tin, review uy tín đều cho răng cách làm lấp liếm, cào bằng này là không thể chấp nhận được. Chuyện tất cả các SSDs đều hoạt động nhanh hơn các ổ HDD thường chạy đơn là chuyện đương nhiên, và không bao giờ có thể lấy một cái mốc nhỏ hơn như vậy làm cái cớ như cách mà Kingston đã làm. Về phía PNY, vẫn chưa rõ việc thay thế bộ điều khiển và viện cớ vẫn đạt “mức hiệu năng tối thiếu” của hãng này có làm hiệu năng của SSD Optima giảm đáng kể so với review ban đầu mà các trang tin đưa lên hay không.
Nhưng xét cho cùng đây vẫn là một chiêu trò cần được ngăn chặn càng sớm càng tốt. Nếu chính các đơn vị review uy tín không thể tin vào các kết quả benchmark mà họ thực hiện sau khi một sản phẩm được tung ra thị trường, không bao giờ họ có thể đề xuất sản phẩm của các hãng như vậy cho người dùng. Cào bằng kết quả hay viện dẫn kết quả test từ các sản phẩm không đáng tin cậy không phải là cách hay để tạo dựng uy tín. Ngay cả khi hiệu năng không đổi, việc tráo đổi bộ điều khiển có thể dẫn đến nhiều thay đổi về độ bền và tính ổn định của sản phẩm. Thị trường SSD ngày càng sôi động với sự phát triển của các công nghệ sản xuất mới, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc không hãng sản xuất nào nên làm mất lòng khách bằng những tin như thế này.
Tham khảo:ExtremeTech