Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Những tập tin tải về, các bức ảnh chụp, cũng như dữ liệu được lưu trữ từ ứng dụng có thể chiếm một số lượng lớn bộ nhớ trong không cần thiết. Bạn hoàn toàn có thể lọc bỏ chúng, để tiết kiệm bộ nhớ cho những ứng dụng mới quan trọng hơn, hay đơn giản chỉ là tạo không gian cho bộ sưu tập nhạc của mình. Dưới đây là một vài gợi ý và hướng dẫn cho người dùng cách tối ưu bộ nhớ trong trên chiếc smartphone của mình.
Các tập tin tải về
Thiết bị Android thường chứa rất nhiều thông tin cá nhân về người dùng, từ tài liệu riêng tư, các ứng dụng, cho đến mật khẩu được đồng bộ hóa của rất nhiều kênh trực tuyến như Google, Gmail, Facebook,… Tuy nhiên vẫn có những tập tin mặc dù quan trọng nhưng không nhất thiết phải lưu trữ trực tiếp trên máy, như các tài liệu văn bản chẳng hạn. Giải pháp hoàn hảo cho loại tập tin này đó là lưu trữ bằng các dịch vụ điện toán đám mây như Google Drive, Dropbox – vừa tạo sự tiện lợi khi chia sẻ, chuyển tiếp mà vừa tiết kiệm tối đa được dung lượng bộ nhớ.
Nếu như bạn không chắc chắn các tệp dữ liệu nào đang được lưu trữ ở bộ nhớ trong, cũng như thẻ microSD thì hãy sử dụng thử một phần mềm quản lý dữ liệu xem sao. Một vài chiếc smartphone như dòng Galaxy của Samsung được xây dựng sẵn tính năng quản lý tệp tin ngay trong mục Setting, tuy không có gì mới lạ nhưng đủ đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Bên cạnh đó, bạn đọc có thể tham khảo ứng dụng ES File Explorer. Ứng dụng này hỗ trợ chúng ta quản lý thông tin trên các dịch vụ điện toán đám mây như Google Drive, Dropbox, Skydrive,.. Tập tin được yêu cầu thậm chí có thể gửi trực tiếp tới màn hình desktop trên chiếc laptop của bạn, tất nhiên là cả hai thiết bị đều phải kết nối Internet và dùng chung tài khoản dịch vụ.
Các file ảnh
Các bức ảnh được lưu trữ trong máy có thể dễ dàng chiếm một số lượng bộ nhớ khổng lồ, đặc biệt nếu bạn là người thích chụp ảnh bằng smartphone. Tùy thuộc vào thông số, cũng như độ phân giải của các bức ảnh, nhưng trung bình là vào khoảng 3 Mb dung lượng mỗi tấm.
Đối với định dạng ảnh, chúng ta cũng hoàn toàn có thể sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây, một số thậm chí còn tự động sao lưu ngay khi bạn chụp, điển hình là SkyDrive. Trừ khi bạn cần ảnh gốc của chúng cho một số mục đích cá nhân, còn lại chúng ta nên tiết kiệm phần bộ nhớ này. Đối với những người dùng không muốn hay không thể sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây, chúng ta có thể sử dụng cáp kết nối USB để chuyển dữ liệu vào trong máy tính cá nhân, hoặc ổ cứng di động.
Các dữ liệu rác của ứng dụng
Mỗi khi người dùng cài đặt 1 ứng dụng, hệ thống thường tạo ra cho nó một thư mục lưu trữ thông tin riêng, bao gồm các cài đặt tùy chọn, hình ảnh, và các bản ghi hoạt động. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, chúng sẽ sinh ra các tập tin ẩn, hoặc các tập tin rác gây lãng phí bộ nhớ chung.
Ví dụ như mỗi khi chúng ta xem một đoạn video trên Instagram, dữ liệu của nó sẽ được lưu trữ trên thiết bị của bạn, với mục đích phục vụ cho mỗi lần xem lại được nhanh chóng, thuận tiện hơn. Tuy nhiên có mấy khi chúng ta sẽ xem lại cùng một đoạn video trên timeline chứ?
Tóm lại là chúng ta hoàn toàn có thể dọn dẹp không gian bộ nhớ này, bạn thậm chí còn nên làm chúng thường xuyên mỗi ngày, hoặc mỗi tuần để tạo dung lượng trống cho các ứng dụng quan trọng khác.
Bạn đọc có thể tham khảo các ứng dụng miễn phí tốt nhất hiện nay như 1Tap Cleaner, Clean Master,..
Nguyễn Nguyễn
Theo Cnet