Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Theo giới kinh doanh, mùa tựu trường được xem là “cú hích” đối với sức mua các sản phẩm xe máy điện và xe đạp điện. Các tuyến phố chuyên kinh doanh xe điện ở Hà Nội như Bà Triệu, Phố Huế, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng… số lượng khách tăng đáng kể, chủ yếu là học sinh, sinh viên hoặc phụ huynh tới mua xe cho con em mình. Với ưu thế về chi phí hơn hẳn so với xe máy cộng thêm việc không cần phải thi cử lấy bằng, xe điện trở thành phương tiện được lòng giới trẻ hiện nay. Đồng Hiền, một học sinh lớp 10 phấn khích khi được bố đưa đi chọn xe máy điện. Hiền cho biết đây là phần thưởng của bố mẹ nhân dịp cô con gái cưng đỗ vào lớp 10 trường chuyên của thành phố.
Giá các loại xe điện hiện nay dao động từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đối với xe đạp điện và từ 12 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với xe máy điện, loại dùng pin Lithium có giá nhỉnh hơn loại dùng ắc quy từ một triệu đồng đến 3 triệu đồng. Những loại xe có kiểu dáng trẻ trung, màu sắc bắt mắt và nhiều tính năng phụ trợ thường được khách hàng ưu ái hơn, do đối tượng mua chủ yếu là học sinh, sinh viên. Để kích cầu mùa tựu trường, nhiều cửa hàng còn tung chương trình khuyến mãi giảm giá mạnh, từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng cho khách mua. Nhờ vậy, lượng xe tiêu thụ đã tăng lên đáng kể.
Anh Thanh Hùng – chủ cửa hàng bán xe máy điện iMove trên phố Nguyễn Lương Bằng cho biết, mỗi ngày cửa hàng này bán được hơn 10 chiếc xe, tăng mạnh so với thời gian trước, chủ yếu là phụ huynh mua để thưởng cho con em mình vì thành tích học tập tốt, một số mẫu xe màu xanh còn “cháy hàng”.
Những mẫu xe điện có kiểu dáng trẻ trung,màu sắc bắt mắt và nhiều tính năng phụ trợthường được giới trẻ ưa chuộng hơn. |
Cách đây hơn một tháng, doanh số các cửa hàng bị chững lại do người mua còn e dè về Thông tư số 39/2013 do Bộ Giao thông Vận tải ban hành có hiệu lực từ 1/6, quy định phải đăng ký biển số cho xe máy điện. Tuy nhiên, theo như lời tư vấn khách của một số chủ cửa hàng, hiện nay chưa có sự thống nhất về thủ tục, mức lệ phí trước bạ và chưa phân biệt rạch ròi xe đạp và xe máy điện, nên gần như chưa có xe máy điện nào được đăng ký. Các cửa hàng phân phối chính hãng vẫn cung cấp các loại giấy tờ cần thiết để hỗ trợ khách làm đăng ký xe. Anh Thanh Hùng nhận định: “Đây chính là lợi thế của cửa hàng mình, bởi những cửa hàng bán hàng nhái không thể xuất được hóa đơn đỏ của đơn vị sản xuất, giấy tờ nhập khẩu hoặc giấy đăng kiểm”.
Cẩn trọng với xe điện nhái
Thị trường xe điện Việt Nam vẫn còn nhiều “sạn”. Hàng Trung Quốc nhập lậu, hàng nhái các nhãn hiệu lớn như Yamaha, Honda, Bridgestone, Giant… vẫn tràn ngập các ngõ phố chuyên kinh doanh xe điện. Trong khi những hãng này mới chỉ sản xuất một vài mẫu mã, thì trên thị trường, con số “gắn mác hàng hiệu” phải lên đến vài chục và có giá rẻ hơn 1 – 3 triệu đồng. Chẳng hạn như chiếc xe máy điện iMove được hãng bán với mức giá 18,5 triệu đồng, nhưng tại một cửa hàng trên phố Tôn Đức Thắng chỉ bán có 16 triệu đồng, nước sơn không được sáng bóng và logo không được in chìm vào trong lớp sơn.Khi khách hỏi đến hóa đơn đỏ của đơn vị sản xuất thì chủ cửa hàng thường lờ đi, chỉ xuất hóa đơn của cửa hàng và lắt léo rằng quy định đăng ký xe không thể thực thi, nên không cần đến các loại giấy tờ khác.
Một khách nước ngoài đang chọn xe tại của hàng của iMove phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội. |
Tại thị trường Hà Nội, xe điện được bày bán phổ biến và cửa hàng nào cũng khẳng định xe mình bán là hàng thật. Tuy nhiên, theo lời một chủ một cửa hàng trên phố Tôn Đức Thắng, quá nửa xe điện đang phân phối trên thị trường là hàng không chính hãng. Sau một thời gian ngắn, 3 bộ phận chính là ắc quy, động cơ và bộ điều khiển thường bị “chết” bất ngờ, đặc biệt là khi gặp trời mưa.Vì lợi nhuận kinh doanh hàng nhái rất cao, giá bán tương đương hoặc thấp hơn hàng chính hãng, trong khi chi phí nhập lậu hoặc mua linh kiện Trung Quốc về lắp ghép thấp, nhiều cửa hàng vẫn đưa ra chính sách bảo hành trong khoảng một năm và nếu có trục trặc thì lại mua linh kiện kém chất lượng về thay thế. Điều này đã ảnh hưởng không ít tới doanh số của những cửa hàng phân phối chính hãng. Chị này cũng mách nước cho khách mua những cách phân biệt hàng chính hãng với hàng nhái, bằng cách so sánh kiểu dáng và tên sản phẩm của xe nhái với xe trên website của nhà sản xuất, yêu cầu hóa đơn đỏ của đơn vị sản xuất hoặc nhập khẩu, giấy đăng kiểm chất lượng…
Doanh nghiệp Việt vào cuộc
Đối phó với tình trạng xe nhái kém chất lượng và khai thác thị trường trong nước, một số doanh nghiệp Việt đã đầu tư mạnh tay vào sản xuất, lắp ráp và thiết kế xe điện trong nước. Nhiều doanh nghiệp như Thống Nhất, Somik, Sufat, Asima, Tiến Lộc, Gianya… đã nhập linh kiện về sản xuất, lắp ráp hoặc liên kết với các thương hiệu nước ngoài để sản xuất xe đạp điện đồng thương hiệu.
Một số doanh nghiệp trong nước khác lại tìm hướng đi mới mạnh dạn hơn, chẳng hạn như HKbike xây dựng xưởng sản xuất và lắp ráp xe đạp điện rộng 4.000m2, cũng như mở rộng hệ thống phân phối hơn 100 showroom.Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) để cải tiến tính năng kỹ thuật và thiết kế các dòng sản phẩm xe đạp điện như Zinger Extra, nhằm khắc phục nhược điểm của xe điện trong nước là ít chủng loại, màu sắc và kiểu dáng kém bắt mắt hơn hàng Trung Quốc. Nhờ lợi thế lắp ráp trong nước, giá của dòng sản phẩm này thường cạnh tranh hơn so với hàng nhập, hàng nhái.
Sức mua tại các cửa hàng xe điện tăng lên, chủ yếu là phụ huynh đưa con đi mua xe đạp điện trước khi khai giảng năm học mới. |
Mặc dù xuất hiện cách đây 6 năm, song xu hướng di chuyển bằng xe đạp điện, xe máy điện mới chỉ rộ lên hơn một năm nay. Thị trường này có lúc lên lúc xuống, song đặt trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng, giá xe máy cao, người dân “thắt lưng buộc bụng” vì suy thoái kinh tế, phần lớn trong số 90 triệu dân số vẫn sử dụng xe máy, các quy định khống chế số lượng xe máy, thì thị trường này vẫn được đánh giá là rộng mở và đang được nhiều doanh nghiệp trong nước săn đón.
Theo sohoa